Pháp luật

Những ai đang có mặt trong phòng xét xử Nguyễn Hữu Linh?

Với việc bị hại không đến tòa, phiên xử kín bị cáo Linh chỉ có HĐXX, đại diện VKSND quận 4, bị cáo Linh, LS bào chữa cho bị cáo và đại diện cơ quan giám định.

8 giờ 20 sáng 25-6, các phóng viên ngồi tại phòng họp được bố trí ở lầu 1 trụ sở TAND quận 4, TP.HCM. Ngay chân cầu thang lối lên lầu 2 (nơi có phòng xử vụ án Nguyễn Hữu Linh), công an và bảo vệ đứng chốt chặn để bảo đảm cho phiên tòa xét xử kín.

Tòa thông báo đây là phiên xử kín và tuyên án công khai. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 327 BLTTHS 2015 thì tòa chỉ đọc phần quyết định trong bản án, chứ không đọc toàn bộ bản án.

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh bị xét xử về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 146 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Thẩm phán Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh án TAND quận 4, TP.HCM, làm chủ tọa phiên tòa.

Ông Linh chạy rất nhanh lên phòng xét xử để né ống kính PV . Ảnh: PLO

Theo Điều 8 Thông tư 02/2018 của chánh án TAND Tối cao thì người đại diện của người dưới 18 tuổi phải có mặt tại phiên tòa theo quyết định của tòa án. Tuy nhiên, phía người bị hại không cần luật sư bảo vệ quyền lợi mà cơ quan tố tụng chỉ định, đồng thời có đơn xin xét xử vắng mặt và đề nghị tòa xử kín.

TAND quận 4 xét yêu cầu của gia đình bị hại là hợp pháp nên tòa chấp nhận. Như vậy với việc bị hại không đến tòa, phiên xử kín bị cáo Linh chỉ có HĐXX, đại diện VKSND quận 4, bị cáo Linh, LS bào chữa cho bị cáo và đại diện cơ quan giám định.

Từ 7 giờ sáng nay 25-6, cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh đã đến TAND quận 4, TP.HCM. Ông Linh đến tòa trong một chiếc xe hơi. Cổng tòa mở sẵn khi xe chạy đến. Ông Linh đi rất nhanh vào phòng xử án khi thấy ống kính của các phóng viên.

Nhiều phóng viên chạy theo để ghi hình tạo ra cảnh khá đông đúc. Thấy vậy thẩm phán phải hướng dẫn ông Linh tránh mặt bằng cách vào trong nhà vệ sinh ở tầng 4 của trụ sở TAND quận 4.

Bên ngoài trụ sở TAND quận 4 lực lượng cảnh sát, dân phòng được huy động chốt chặn hai đầu và phía trước cổng tòa án để đảm bảo an ninh cho phiên xử.

Bị hại bị xâm hại tình dục là bắt buộc phải xử kín

Điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư 02/2018 của chánh án TAND Tối cao ban hành quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi quy định: Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng cáo.

Tác giả: PHƯƠNG LOAN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP