Cần Giúp Đỡ

Nhói lòng bé 10 tháng tuổi bị teo mật bẩm sinh

Đã hơn 1 tháng qua, lần cuối đưa con đi viện về tình trạng bệnh tình của bé Khôi càng thêm nguy kịch. Quá chật vật, không còn con đường nào khác hai vợ chồng anh Kiên đã phải nương nhờ vào bàn tay của các sư cô, bát cháo loãng, những viên thuốc từ thiện...

Hoàn cảnh đáng thương chúng tôi muốn nhắc tới đó là cháu Phan Văn Khôi, con vợ chồng chị Nguyễn Thị Sen và anh Phan Văn Kiên, ở xóm Trà Lân, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An).

Mới chỉ 10 tháng tuổi nhưng đã phải mang trong mình căn bệnh teo ống mật bẩm sinh quái ác. Sự sống của cháu đang mong manh hơn lúc nào khác, phép màu nương nhờ cửa phật là tia hi vọng cuối cùng mà cháu đang trải qua.

Cháu Khôi bị teo ống mật và bộ phận sinh dục to lên rất đau đớn.

Cơn mưa dầm bất chợt của những ngày tháng 5 làm cho con đường đất vào nhà anh Kiên càng thêm trơn trượt, khó khăn hơn bao giờ hết. Đến đầu xóm Trà Lân nhắc đến hoàn cảnh của vợ chồng anh Kiên ai cũng cảm thương, xót xa… Có người còn dẫn chúng tôi vào tận nhà anh chị. Và hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cái bạt rách tả tơi được dựng lên để làm chỗ sinh hoạt của gia đình.

Phía dưới là căn nhà cũ 2 gian cũng đã cũ nát, rách rưới nhìn trông thảm cảnh vô cùng. Nhìn đi nhìn lai, trong nhà chẳng có một vật dụng nào đáng giá, duy nhất chỉ có chiếc giường làm nơi nằm nghỉ của cả gia đình là đáng giá hơn cả. Phía góc tường đàn chó mới đẻ đang í oắng là tài sản còn lại của vợ chồng anh Kiên. Nhìn đàn chó con mới sinh làm cho chúng tôi gợi nhớ cảnh gia đình chị Dậu năm xưa hiện về.

Cháu đã được nương nhờ cửa chùa gần 1 tháng qua. Cũng vì mang bệnh nên biểu hiện rất rõ chứng bệnh tắc đường mật trên thân thể bé Khôi nhỏ bé so với 10 tháng tuổi.

Khẽ rót ly nước mời khách bà Chín (bà nội cháu Khôi) thở dài: “Khổ lắm chú ơi! Thằng bé mới sinh ra mà nó đã bị thế rồi, bệnh cháu càng ngày, càng nặng thêm giờ gia đình tôi không có tiền nên đã nương nhờ cửa phật cả tháng nay rồi. Cái thân già chúng tôi giờ đã yếu còn bị tàn tật nên không giúp gì cho cháu được...”.

Ngồi lặng lẽ với vẻ mặt âu lo anh Kiên nói: “Bây giờ, số phận con em đang giao cả cho cửa phật vì gia đình em giờ không còn một xu nào để đi chữa trị cho cháu nữa”.

Nghe anh Kiên nói chúng tôi lại vội vàng lên xe với quãng đường 15 cây số để tìm về ngôi chùa nơi bé Khôi đang gửi để chữa trị. Tìm đến ngôi chùa nhỏ ở xã Đức Sơn, bế đứa con gái ngồi ở hiên chùa, ai đến đây nhìn cũng ứa nước mắt.

Mắc chứng bệnh tắc đường mật bẩm sinh, bé Khôi ốm yếu, da vàng như váng nghệ. Suốt ngày bé chỉ khóc vì bệnh tật.

Chị Sen cho con ăn nhưng rất khó khăn.

Con trai chị Sen - bé Phan Văn Khôi, 10 tháng tuổi - người như chú ếch con, ốm yếu, đôi môi tím tái, da vàng như váng nghệ. Miệng bé cứ khóc thét liên hồi. Chị Sen cố dỗ mãi bé cũng không chịu nín, cháu bé thiếp đi rồi phải thở nhờ vào bình oxy để sẵn.

Chiếc áo phông bé mặc phải kéo lên tận cổ vì cái bụng đã chướng căng tròn, để lộ rõ những làn gân xanh tím trông quá tội nghiệp. Có cảm giác chỉ cần chạm nhẹ vào lớp da bụng mỏng thía, cái bụng căng tròn như quả bóng của bé Khôi sẽ nổ tung ra, phần bộ phận sinh dục của cháu cũng căng to ra như chiếc chân thứ ba làm cho cháu không đi tiểu được. Bé đau lắm, yếu lắm rồi, nên cháu cứ khò khè, miệng lúc nào cũng nhăn nhó, mếu máo.

“Trời ơi, thương cháu quá đi mất. Cháu bị bệnh gì? Sao không cho cháu nhập ngay viện mà lại để cháu thế này anh chị?”. Câu hỏi của một người đi chùa như xé ruột gan đôi vợ chồng trẻ.

Chị Sen như tuyệt vọng vì căn bệnh của con. Bụng bé Khôi chướng to như cái trống để lộ rõ gân xanh dưới làn da mỏng thía.

Đơn thuốc của cháu Khôi.

Gạt nước mắt, chị Sen nói: “Từ khi sinh ra cháu đã ốm yếu, gia đình đưa cháu đi bệnh viện huyện chữa trị không được lại đưa cháu xuống bệnh viện tỉnh, tuyến tỉnh lại giới thiệu ra Bệnh viện nhi trung ương. Ở đấy các bác sỹ khám và kết luận cháu bị teo túi mật bẩm sinh và bây giờ thì bị thêm bệnh suy gan, nếu không chữa trị kịp thời và đúng phương pháp có lẽ cháu sẽ khó qua khỏi”.

Từ lúc hai vợ chồng cưới nhau, ở vùng quê nghèo công việc thì không có, ai thuê chi làm nấy. Từ khi con bị nặng không có tiền chữa trị nên gần một tháng qua vợ chồng anh chị bế con sang chùa để nương nhờ vào sự từ bi của các sư thầy.

Căn nhà của vợ chồng anh Kiên như gần sụp đổ. Ngôi nhà nhỏ xụp xuệ là tài sản lớn nhất của hai vợ chồng anh Kiên.

“Buổi ngày em đi làm keo thuê cho người ta để kiếm tiền ăn. Ban đêm thì sang chùa với vợ để chăm con”, anh Kiên cho biết thêm.

Như trong tuyệt vọng, chị Sen trải lòng: “Ngay từ khi sinh ra, cháu đã phải trải qua nhiều đớn đau của bệnh tật. Làm một người mẹ ai cũng đau đớn lắm khi nhìn con như thế này, em không biết con em như thế nào nữa...”. Nói đoạn chị Sen nước mắt tuôn trào trên đôi gò má xanh xanh xao vì những đêm thức trắng vì con.

Bệnh tật, lại đến giờ đói ăn nên bé Khôi cứ khóc nhè. Khôi khóc trong sự đau đớn tột cùng, càng khóc cháu Khôi môi càng tìm tái… và chợt nhìn qua cũng cảm thấy xót xa. Nuôi con chứng bệnh teo mật nên chị Sen biết, con có ăn vào cũng không có khả năng tiêu hóa thức ăn. Mà hoàn cảnh như thế này chị cũng chẳng lấy đâu tiền ra để mua thịt, mua sữa cho cháu uống. May mắn từ lúc qua chùa, được hai sư cô Chơn Hải và Diệu Huệ thay nhau nấu cháo loãng và cho uống thuốc đều hơn.

Cháu Khôi được đưa đến nương nhờ cửa chùa một thời gian.

Cầm trên tay bát cháo chỉ có gạo trắng cộng thêm ít bột súp cho dễ nuốt…nhưng cháu Khôi lại khóc thét, mặt ngoảnh đi chỗ khác vì không tài nào nuốt được.

“Gần một tháng ở nhờ nơi nhà chùa nhưng bệnh tình của cháu vẫn như vậy, thậm chí nặng hơn. Còn nước còn tát, hai vợ chồng em quyết định vay tiền nặng lãi, mượn thêm anh em, bạn bè… ai có thể nhờ được em cũng nhờ để đưa cháu vào Sài Gòn thăm khám lại”- anh Kiên nói trong hy vọng.

Trong nỗi tuyệt vọng trước tình cảnh quá mong manh về sự sống của con thơ người mẹ nghèo gửi gắm: “Em biết bệnh con em vẫn có thể chữa trị được. Con em vẫn có cơ hội sống tiếp anh ạ. Mỗi lúc cháu ngủ, em nhìn cháu mà không tưởng tượng được cái ngày em phải rời xa cháu. Cứ nghĩ đến đó là tim em đau như cắt, không chịu được. Xin các anh, mọi người hãy cứu cháu, cho cháu có cơ hội được sống. Cháu còn bé quá các anh ơi!”, Sen tâm sự.

Giấy xác nhận chính quyền địa phương và sổ hộ nghèo.

Nhìn cảnh bé Khôi tá túc nơi ngôi chùa nhỏ, những người đến thắp hương, khấn xin ai cũng thắt lòng, không cầm nỗi lòng mình. Rồi mọi người thắp thêm nén hương, bỏ thêm đồng tiền công đức để hỗ trợ cho vợ chồng anh Kiên có thêm chút ít để lo liệu cho con.

Từ trong tận đáy lòng, chúng tôi cầu mong vợ chồng anh Kiên sẽ được gặp thêm những tấm lòng giàu tình yêu thương, lòng nhân ái để con trai anh cơ hội chữa trị sống lại cuộc đời. Với anh Kiên rất biết ơn chăm sóc, mở rộng vòng tay của nhà chùa nhưng chừng đó chưa đủ để chữa khỏi bệnh cho con anh trong hoàn cảnh lúc này.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Phan Văn Kiên, chị Nguyễn Thị Sen (xóm Trà Lân, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

SĐT: 01637.497.643.

Tác giả: Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP