Đáng chú ý, trong số các tàu này có Kaga, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản. Đài NHK cho biết, hành động trên là nhằm đối phó, kiềm chế các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) có thể sẽ điều chỉnh lịch trình để tiến hành huấn luyện chung với các chiến hạm của Mỹ hoạt động trên vùng biển lân cận.
Tàu Kaga. Ảnh: NHK |
Theo NHK, cuộc huấn luyện dài ngày trên Biển Đông và Ấn Độ Dương kiểu này rất hiếm. Ông Murakawa Yutaka, lãnh đạo MSDF, nói: “Chúng tôi cho rằng, hành động lần này là một nội dung quan trọng trong chiến lược 'Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở cửa' mà Chính phủ Nhật đang theo đuổi, thống nhất với mục đích đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trước động thái trên, tờ Thời báo Hoàn cầu hôm 22/8 dẫn lời Lý Kiệt, chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng, Nhật đưa chiến hạm lớn nhất vào hoạt động dài ngày trên Biển Đông “cho thấy xu hướng của Tokyo can dự có hệ thống và quy mô lớn vào vùng biển này. Nó cũng ám chỉ Nhật muốn đảm nhiệm vai trò làm phó cho Mỹ trong vấn đề châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông".
Thời báo Hoàn cầu cho rằng, trong tương lai nếu Nhật triển khai loại máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng đa năng F-35B trên tàu Kaga, thì nó sẽ trở thành một con tàu sân bay thực sự.
Đây không phải lần đầu Nhật Bản đưa chiến hạm lớn nhất tới Biển Đông. Hồi tháng 5/2017, chiếc tàu hộ tống chở máy bay trực thăng Izumo cùng lớp với Kaga cũng đã hoạt động suốt 3 tháng tại Biển Đông và vùng biển phụ cận. Trong thời gian này, Izumo đã tiến hành diễn tập chung với biên đội tàu sân bay của Mỹ.
Kaga có lượng giãn nước khi mãn tải 27.000 tấn, dài 248m, rộng 38m, mớn nước 7,1m, sử dụng 2 động cơ diezen COGAG 112.000 mã lực, tốc độ cao nhất 30 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 520 người, có thể mang theo 28 máy bay trực thăng hoặc máy bay cất cánh thẳng đứng. Tàu Kaga được khởi công đóng ngày 7/10/2013, hạ thủy ngày 27/8/2015, chạy thử tháng 8/2016 và chính thức đưa vào biên chế từ 22/3/2017 thuộc đơn vị hộ tống số 4.
Tác giả: Ngô Tuyết
Nguồn tin: Báo VietNamNet