Trong 2 năm qua, các địa phương trong toàn tỉnh đã hình thành và nhân rộng được 67 mô hình sản xuất CN-TTCN và kinh doanh TM-DV tiêu biểu trong xây dựng NTM (nâng tổng số lên 446 mô hình) với tổng doanh thu bình quân năm đạt 457,6 tỷ đồng, lợi nhuận 36,7 tỷ đồng, GQVL cho 4.315 lao động. Trong đó, lĩnh vực chế biến thủy, hải sản: 13 mô hình; chế biến nông sản: 20 mô hình; chế biến lâm sản: 8 mô hình; gia công, sửa chữa cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và lĩnh vực khác: 12 mô hình; TM-DV: 14 mô hình.
Một số mô hình điển hình như: chế biến nước mắm sử dụng năng lượng mặt trời của HTX Chế biến nước mắm Thọ Vân; chế biến, bảo quản thủy, hải sản của HTX Thiên Phú; chế biến thủy sản của cơ sở thu mua và chế biến hải sản Minh Lịch; thu mua, chế biến và bao tiêu sản phẩm gạo của Công ty TNHH Thống Tuấn; sản xuất đũa, tăm tre của HTX Trung Toàn…
Tuy vậy, hình thành và phát triển mô hình sản xuất trên địa bàn còn gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Ông Trần Nhật Tân – Giám đốc Sở Công thương cho biết, để tiếp tục hình thành và nhân rộng các mô hình SXKD trong những năm tới, bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, Sở Công thương và các ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tốt để thực hiện một số mũi trọng tâm như: tiếp tục rà soát và tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh xây dựng mới hoặc điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp đối với lĩnh vực công thương cho khu vực nông thôn.
Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng các đề án: phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng NTM đến năm 2020, phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, nâng cao năng lực quản lý thị trường…
Cùng đó, tham mưu hoàn thiện các quy hoạch ngành gắn với phát triển nông thôn như: quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch mạng lưới thương mại nông thôn, quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ, quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn toàn tỉnh… Tiếp đến là ưu tiên bố trí và thu hút các nguồn lực để đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại và hỗ trợ cho các thành phần kinh tế để hình thành và phát triển các mô hình SXKD.
Mặt khác, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại theo hình thức xã hội hóa và ưu tiên nhân rộng mô hình này ra các địa bàn nông thôn; chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tư vấn công nghệ, kỹ thuật; giao thương, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình SXKD, nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho đội ngũ quản lý và người lao động để hình thành và phát triển SXKD…
Chính Thu – Tá Lam
Báo Hà Tĩnh