Ngôi nhà mơ ước của gia đình anh Trần Đình Trọng (thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên, Hương Khê, Hà Tĩnh) đã hoàn thành trước mùa mưa lũ. |
Không còn lo chạy lũ
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất “mưa úng đất, nắng nẻ trời” Lộc Yên, huyện Hương Khê, lâu nay, vợ chồng anh Trần Đình Trọng, chị Võ Thị Hảo (thôn Hương Đồng, xã Lộc Yên) và 2 con nhỏ vẫn sống trong ngôi nhà gỗ cấp 4 bị xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi mưa lũ về, cả nhà sống trong cảnh “che bên này, hứng bên kia”, luôn trong tình trạng lo lắng, bất an.
May mắn là cuối năm 2017, vợ chồng anh Trọng nhận được 40 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vùng thường xuyên ngập lụt của tỉnh Hà Tĩnh. Với số tiền trên cùng sự giúp đỡ của người thân, xóm giềng, gia đình anh Trọng vay mượn thêm và cất được ngôi nhà mới cao ráo, khang trang hơn.
Chị Võ Thị Hảo vui mừng chia sẻ: “Căn nhà cũ cấp 4 của vợ chồng tôi trước đây, vào mùa lụt có thể ngập cao đến gần nóc nhà. Được sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể, vợ chồng tôi xây được ngôi nhà mới kiên cố, nền móng nâng cao gần 4m nên từ năm nay, nếu lũ vào, cả nhà không còn phải lo chạy lũ và kê cất đồ đạc nữa”.
Theo ông Phạm Văn Bài- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lộc Yên (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), xã thường xuyên bị ngập lụt nên việc xây dựng nhà vượt lũ rất quan trọng. Nhờ sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2017 đến nay, đã có 27 hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa lại nhà ở. Đây không chỉ là sự động viên, chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình mà còn góp phần giúp địa phương từng bước hoàn thiện tiêu chí nhà ở.
Cú hích cho sự phát triển
Phương Mỹ là vùng “rốn lũ” của huyện Hương Khê. Đây là xã có địa hình lòng chảo, thấp, trũng nên mỗi khi đến mùa mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về, vùng này đắm chìm trong nước lũ có khi kéo dài hàng chục ngày.
Phương Mỹ có 4 thôn với hơn 3.000 nhân khẩu, lại nằm ở 2 bên bờ dòng sông Ngàn Sâu nên hoàn toàn bị nước lũ chia cắt, cô lập. Vì thế, nhiều đời nay, người dân Phương Mỹ luôn cháy bỏng ước mơ có được những căn nhà kiên cố và cây cầu nối đôi bờ sông để thuận tiện trong giao thương, đi lại.
Bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Ấp Tiến, xã Phương Mỹ) nay đã quá nửa đời người (hơn 60 tuổi), bà không thể nhớ nổi đã bao nhiều lần “chạy lũ”. Bởi cả gia đình bà sống trong căn nhà gỗ nhỏ, lợp ngói ọp ẹp, xiêu vẹo nên khi lũ về chỉ chực nỗi lo bị lũ nuốt nhà, cuốn mất tài sản.
Thế nhưng, từ năm nay, bà Thanh vơi bớt nỗi lo rất nhiều vì đã có ngôi nhà mơ ước bấy lâu. Được hỗ trợ xây nhà theo chính sách của Nhà nước, các nhà từ thiện và vay mượn thêm, bà đã xây được một căn nhà vượt lũ trị giá khoảng 100 triệu đồng. “Trước đây cứ lo ngay ngáy mỗi khi lũ về vì không biết cất đồ đạc, vật dụng trong nhà ở đâu cho an toàn. Đến ngôi nhà cũng sợ cuốn trôi chứ đừng nói đến đồ đạc. Giờ có ngôi nhà này thì chúng tôi yên tâm làm ăn rồi” - bà Thanh xúc động nói.
Là một trong những huyện nằm trong vùng ngập lụt thường xuyên của tỉnh Hà Tĩnh vào mùa mưa lũ, với mức hỗ trợ từ 40 triệu đồng cho một nhà xây mới và 20 triệu đồng cho một nhà sửa chữa, đến nay, huyện Hương Khê đã xây mới, nâng cấp được 200 nhà vượt lũ. Mỗi ngôi nhà mới đều đảm bảo yêu cầu kiên cố, móng nhà cao hơn mức ngập lụt từ 0,5 m trở lên.
Thống kê từ Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tổng số hộ được phê duyệt tại Quyết định số 2961 ngày 13/10/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội vùng thường xuyên ngập lụt trên địa bàn là 667 hộ. Trong đó, xây mới 505 nhà; cải tạo, sửa chữa 162 nhà với tổng kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh hơn 23 tỷ đồng. Hộ xây dựng nhà ở mới được hỗ trợ 40 triệu đồng, hộ sửa chữa là 20 triệu đồng nhằm đảm bảo an toàn cho các gia đình trước mùa mưa bão năm 2018. Đến nay, các hộ trong diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh đã cơ bản hoàn thành xong việc xây dựng nhà ở và đưa vào sử dụng.
Chính sách hỗ trợ nhà ở vùng thường xuyên ngập lụt và sự đồng hành của MTTQ các cấp của Hà Tĩnh thực sự trở thành “cú hích” cho sự phát triển của người dân địa phương, tạo đà để người dân vùng lũ vươn lên trong cuộc sống.
Không những vậy, chính sách nhà ở này còn là bước đệm để các địa phương ở Hà Tĩnh hoàn thành một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết