Gia đình anh Lê Hữu Phụ (37 tuổi) và chị Đặng Thị Luyện (36 tuổi), trú xóm 2, xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có hoàn cảnh hết sức bi đát. Chúng tôi biết đến họ trong một lần chứng kiến chị Luyện người đầy u nhọt, chân phù to đáng sợ đang chật vật đạp xe chở người chồng mù đi khám bệnh.
Trong căn nhà nhà cấp 4 vỏn vẹn 15m2 không có tài sản gì đáng giá, cô bé Lê Kiều Anh (4 tuổi) đói lả người, mặt buồn thiu kê đầu lên đôi chân phù nề của mẹ. Bé trai nhỏ hơn là Lê Đức Hùng, mới 1 tuổi còn chưa hiểu chuyện, đưa tay hất đổ mớ dọc mùng mà chị Luyện đang phơi làm thức ăn cho cả nhà.
Gia đình chị Luyện đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng |
Nén nước mắt tủi hờn, chị Luyện kể, vợ chồng chị là hai mảnh đời “rổ rá” gặp nhau. Mang số phận bất hạnh, sinh ra trong gia đình đông con, từ nhỏ chị mắc bệnh phù chân voi và căn bệnh lạ khiến u nhọt nổi khắp cơ thể.
Năm 2014, qua người thân mai mối, chị quen biết với anh Lê Hữu Phụ. Từ lúc sinh ra, anh Phụ đã có đôi mắt không bình thường nhưng vì nhà nghèo, không có tiền chữa chạy nên anh mù vĩnh viễn.
Ngồi nhặt mớ dọc mùng đổ dưới đất để chuẩn bị bữa tối, chị Luyện buồn bã cho biết, bệnh tật đã cướp đi tuổi xuân đẹp đẽ của chị, mang bộ dạng xấu xí chẳng giống ai nên đến tuổi cập kê, chị chưa một lần nhận được sự để ý, theo đuổi như nhiều cô gái khác.
|
Cơ thể nổi nhọt đau nhức, bệnh phù chân voi khiến chị đi lại khó khăn |
“Cả người đầy u nhọt, chân to như voi nên ai lại gần tôi cũng sợ. Các anh chị trong nhà khuyên lấy chồng để có đứa con sau này về già đỡ khổ. Chỉ có anh Phụ mù mắt mới dám cưới tôi. Nhưng nếu biết lấy chồng, sinh con mà không lo được cho chúng như thế này thì tôi đã ở vậy…”, chị nghẹn ngào.
Cảnh khổ gặp nhau, hai mảnh đời tự gắn vá, chắp nối làm nên một gia đình nhỏ. Thế rồi, hạnh phúc mỉm cười với anh chị khi hai đứa bé kháu khỉnh lần lượt ra đời, không mang theo bệnh tật di truyền. Nhưng cũng từ đây, gánh nặng lại đổ lên vai người đàn bà khổ hạnh. Chồng mù lòa không thể làm được bất cứ việc gì để đỡ đần, một mình chị Luyện lèo lái, chống đỡ nuôi cả nhà.
Hằng ngày với đôi chân phù nề, đi lại khó khăn, chị Luyện vẫn đạp xe cành cạch đi kiếm việc làm. Mấy miệng ăn đều trông chờ cả vào số tiền ít ỏi từ công việc rửa bát thuê của chị. Hai đứa trẻ bữa đói bữa no, những lúc đói quá đứa lớn lại nằm im thin thít, kê người lên đầu gối của mẹ. Dường như ý thức được số phận nên bé Lê Kiều Anh cũng chẳng buồn khóc.
Đói mệt đến lả người nhưng bé không khóc lóc |
Chỗ dọc mùng phơi khô là bữa ăn của cả nhà |
“Biết tôi không nhìn thấy gì nên trước khi đi làm, cô ấy nhốt con lại trong nhà, sợ kẻ xấu bắt mất con. Khi đứa nhỏ đi vệ sinh, phải đợi vợ mới có thể tắm rửa được”, anh Phụ tâm sự.
Đáng nói hơn, ngoài căn bệnh phù chân voi, u thần kinh nổi khắp người thì mới đây, dưới cổ chị Luyện xuất hiện một khối u lớn, chèn ép khiến chị lên cơn đau và khó nói chuyện. Thế nhưng miếng cơm hằng ngày cho hai đứa con còn chưa đủ thì tiền đâu để chị đi khám.
“Tôi không cần khám bệnh cũng được, chỉ mong chữa lành mắt cho chồng tôi để anh còn nhìn thấy các con. Sau gáy anh có một khối u lớn chèn dây thần kinh”, chị cho biết.
Khối u ảnh hưởng đến não, mỗi lần lên cơn đau, anh Phụ không kiểm soát được bản thân lại đuổi đánh vợ. Hết đau, anh bất lực òa lên khóc nức nở như một đứa trẻ. Thương chồng, chị Luyện cay đắng chấp nhận, vỗ về anh qua cơn đày đọa.
Anh Phụ không thể nhìn thấy các con, không làm được việc gì bởi đôi mắt mù lòa |
Ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp, cũ kỹ của những phận người cùng khổ |
“Bác sĩ khuyên không nên cho con uống sữa mẹ vì sợ bệnh u nhọt trên người mẹ sẽ lây sang con. Ngay từ lúc sinh ra, cháu Hùng không uống sữa mẹ, tôi được hỗ trợ 400 nghìn mỗi tháng đều dành để mua sữa cho con. Họ bảo con tôi đẹp trai lắm, nhưng…giá như tôi có thể nhìn thấy chúng dù chỉ một lần”, anh Phụ ước ao.
Khi không còn tiền mua sữa cho con, hai vợ chồng đành chắt nước cơm, bỏ muối vào cho con uống chống đói. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp cầm cự sống qua ngày, còn tương lai của những đứa trẻ sẽ ra sao khi cha mẹ đang yếu dần, khả năng lao động sắp không còn nữa?
“Nhà tôi nghèo, không ai dám cho mượn tiền cả, gần đây tôi đau ốm liên miên mà không có tiền đi khám. Tôi rất sợ một ngày nào đó phải gửi hai đứa con vào trại trẻ mồ côi. Chúng là chỗ dựa tinh thần duy nhất cho hai vợ chồng trên cõi đời này”, chị Luyện rớt nước mắt nói.
Mọi đóng góp có thể gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Anh Lê Hữu Phụ/ Chị Đặng Thị Luyện, xóm 2, xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. SĐT: 0965258607 |
Tác giả: Thiện Lương
Nguồn tin: Báo VietNamNet