Lao Động - Việc Làm

Nhà thơ Dương Kỳ Anh ủng hộ lập ‘phố nhạy cảm’

“Có thể chẳng người có danh có phận nào dám từ bỏ danh phận của mình để vào “phố nhạy cảm”. Nhưng khi “phố nhạy cảm” có nhiều “vai trần, chân dài” thì các “đại gia” còn cần gì hơn?”

Đó là quan điểm của nhà thơ Dương Kỳ Anh, “cha đẻ” các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam về đề xuất lập “phố nhạy cảm” vẫn đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến trái chiều. Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhà thơ Dương Kỳ Anh.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh ủng hộ lập 'phố nhạy cảm' - Ảnh 1

Nhà thơ Dương Kỳ Anh ủng hộ lập “phố nhạy cảm”.

Phóng viên: Quan điểm của cá nhân ông về việc lập “phố nhạy cảm” này như thế nào?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Quan điểm riêng của tôi là ủng hộ đề xuất này, tuy nhiên tôi cũng biết rằng sẽ có nhiều ý kiến phản đối .

Lâu nay, trong không ít vấn đề không quản lý được hay quản lý gặp nhiều khó khăn thì ta cấm. Đó là điều không nên. Cấm cũng chẳng được bởi nó sẽ biến tướng dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Cái gì có nhu cầu mà là những nhu cầu chính đáng của con người thì ta không nên cấm. Mà cấm có được đâu. Thực tế là vậy, ai cũng biết vậy, mà nói ra thì ngại, sợ người ta đánh giá thế này thế khác, dẫn đến thực trạng ta tự dối ta mà thôi …

Phóng viên: Nhiều người lo ngại với những người đẹp, người mẫu, diễn viên “phục vụ” đại gia hay tham gia hoạt động sex tour (thường hoạt động ngầm) thì khó quản lý? Ông nghĩ sao về điều này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là quản lý đối tượng này khó thật, nhưng tôi nghĩ dần dần ta cũng có cách quản lý tốt. Sex tour nó là một dạng mãi dâm trá hình nhưng khi ta đã công khai thì cũng có thể buộc loại này dần dần công khai. Khi được công khai, được thừa nhận, tôi tin là sẽ có cách kiểm soát có hiệu quả, dẫn đến chấm dứt hiện trạng này. Tuy phải có thời gian, thậm chí là thời gian dài …

Phóng viên: Thời gian qua, xuất hiện nhiều đường dây người đẹp trong các cuộc thi Hoa hậu lợi dụng danh nghĩa để bán dâm “nghìn đô”. Là “cha đẻ” của cuộc thi sắc đẹp lớn, ông nghĩ sao về những “con sâu” này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hiện trạng này có thật nhưng không phổ biến. Muốn chấm dứt theo tôi có mấy yếu tố: Phải quản lý tốt các cuộc thi người đẹp nhất là khâu cấp phép, phải là những cuộc thi vì cái đẹp thực sự mới được cấp phép; sau đó, các cuộc thi phải được thực hiện nghiêm túc, có cách sàng lọc cẩn thận, phải có các ban giám khảo với con mắt tinh đời và ban tổ chức quyết đoán để kiên quyết loại bỏ những thí sinh có vấn đề. Sau cùng là quản lý tốt các người đẹp khi đã có danh hiệu. Muốn quản lý tốt phải có quy định cho những thí sinh khi vào vòng chung kết, nghĩa là phải có những cam kết trước khi họ đoạt giải …

Phóng viên: Các người đẹp bán dâm thường hoạt động ngầm, lén lút vì họ có danh hiệu và luôn che dấu vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của mình. Vậy liệu “phố nhạy cảm” có quản lý hết được không, thưa ông?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có lẽ còn quá sớm để đặt ra vấn đề này. Theo tôi cái gì cũng có hiệu ứng tiếp theo. Nếu chủ trương tốt, đúng, sẽ có hiệu ứng tốt hoặc ngược lại.

Không thể nói trước là có hay không, nhưng theo quy luật thì khi đã công khai nghề nghiệp ắt những người muốn làm nghề cũng sẽ công khai danh tính. Khi ta đã tháo mọi dòng nước cho nó chảy vào một cái hồ công khai thì cá lớn, cá bé hay rều rác không trước thì sau cũng sẽ vận hành đến nơi cần đến …

Phóng viên: Trên thực tế, gái bán dâm có thể quản lý được chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn bộ phận khó kiểm soát là các người đẹp bán dâm gây bức xúc dư luận vì nó làm xấu hình ảnh người đẹp Việt Nam. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như tôi đã nói ở trên , có những yếu tố để hạn chế rồi chấm dứt hiện trạng trên, mà điều quan trọng là tổ chức tốt các cuộc thi sắc đẹp và quản lý tốt những người đẹp đã đạt danh hiệu bằng những cam kết của các thi sinh trước khi họ đạt được danh hiệu. Có cam kết và xử lý nghiêm các cam kết đó theo tôi là cách làm có hiệu quả để dần chấm dứt những hiện tượng đáng buồn trên.

Cái gì cũng vậy, khi ở trong gai đoạn đầu của sự phát triển thì rất tốt đẹp nhưng đến một giai đoạn nào đó nếu không thay đổi, nếu không có cách lại bỏ những yếu tố lỗi thời , bất cập ắt sẽ dẫn đến thoái hóa , biến chất …

Phóng viên: Theo đề xuất, để không bị bắt, những đối tượng hoạt động sex tour, “chăn dắt” “vai trần chân dài”, đặc biệt là người đẹp có danh hiệu trong các cuộc thi sẽ phải đăng ký tên tuổi cụ thể. Vậy, liệu có cô nào dám công khai tên của mình trong “phố nhạy cảm” để được phục vụ “đại gia” một cách chuyên nghiệp hay không?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Các cụ ta ngày xưa đã có câu ngạn ngữ rất hay “Đói thì thèm thịt, thèm xôi, khi no cơm tẻ thì thôi mọi đàng” .

Khi có “phố nhạy cảm”, khi được xã hội công khai thừa nhận là một nghề, có danh tính thì “cơm tẻ” ở đây – ở “phố nhạy cảm” chắc cũng có nhiều “cơm tám thơm…” còn hơn cả “xôi” đấy chứ ?!

Chẳng ai nói trước được điều gì, cũng có thể chẳng có người có danh có phận nào dám từ bỏ danh phận của mình để vào phố “nhạy cảm” . Nhưng như tôi đã nói, lúc đó ở chính “phố nhạy cảm” cũng sẽ có nhiều “vai trần, chân dài” vậy thì các đại gia còn cần gì hơn nữa? (đấy là nói một số người trong dưới đại gia thôi, còn đại gia họ đều đàng hoàng mà).

Thế giới người ta đã có các “phố nhạy cảm” hàng trăm năm nay, có lẽ nhờ thế mà người ta đã loại bỏ được các hình thức mãi dâm trá hình . Đó là một thực tế …

Xin chân thành cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)/ Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP