Kinh tế

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và chuyện “cởi trói” doanh nghiệp tư nhân

Không chỉ chính thức hóa tên gọi cho doanh nhân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người mở đường cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, TS. Vũ Tiến Lộc đã trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải Cúp Thánh Gióng - Cúp doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đầu tiên, mở đầu cho các hoạt động tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu sau này

Chính thức hóa tên gọi cho doanh nhân

Chiều 20/9/2004 là một ngày đáng nhớ với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc. Hôm đó, ông nhận được văn bản của Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý lấy ngày 13/10 hàng năm là “Ngày doanh nhân Việt Nam”, chỉ hơn nửa tháng sau khi ông thay mặt VCCI gửi công văn đề nghị. “Lúc đó, tôi rất mừng vì từ đây giới doanh nghiệp đã được chính thức nhìn nhận như những nghề nghiệp bình thường khác trong xã hội”, ông Lộc nói.

Thời điểm đó đã 4 năm trôi qua sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực và làn sóng tươi mới của các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang lan tràn. Tuy nhiên, thái độ kỳ thị đối với giới doanh nhân, nhất là trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước vẫn còn rất phổ biến. Họ vẫn chịu nhiều bất công trong không ít văn bản của cơ quan Nhà nước, hay bị gán ghép như những người buôn gian, bán lận trong xã hội. Thậm chí, ông Lộc tìm trong từ điển cũng không thấy từ Doanh nhân.

"Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định hủy 268 giấy phép đấy, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép. Như vậy, anh Khải cắt nguồn thu bất chính của các bộ rất nhiều”

Ông Lê Đăng Doanh

Trong nỗ lực làm thay đổi thái độ này, ông Lộc đã xem lại nhiều tư liệu lịch sử, tham khảo nhiều giới và cuối cùng kiến nghị lấy 13/10 - ngày Bác Hồ gửi thư tới giới công thương năm 1945 là Ngày doanh nhân Việt Nam. “Thủ tướng Phan Văn Khải đã chính thức hóa tên gọi cho doanh nhân sau rất nhiều thăng trầm”, ông Lộc nhớ lại.

Kể từ khi lên làm Thủ tướng tháng 9/1997, ông Khải luôn có ý thức thu xếp gặp gỡ với giới doanh nghiệp tư nhân, nối tiếp nỗ lực của người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt. Ông Lộc nhớ lại, trong cuộc gặp đầu tiên với giới doanh nhân sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên, Thủ tướng khẳng định, quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là quan hệ hợp tác, cùng gánh trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước chứ không phải doanh nghiệp là đối tượng để Nhà nước quản lý. Chính tư duy đó được diễn đạt bằng giọng nói chân thành đã khiến nhiều doanh nhân trải lòng.

“Trong cuộc gặp đó với Thủ tướng và nhiều cuộc gặp sau này, nhiều người đã khóc. Họ khóc vì những khó khăn vô lý, những rào cản do các cơ quan Nhà nước dựng lên. Họ cũng khóc bởi sự lắng nghe, thấu hiểu của Thủ tướng”, ông Lộc kể. Trong các cuộc gặp đó, ông Khải luôn hỏi lại để làm rõ nhiều vấn đề, sự vụ mà các doanh nhân gặp phải. Giới doanh nhân tin tưởng vào Thủ tướng, người lần đầu tiên trong lịch sử đã ký hai nghị định bãi bỏ hàng trăm giấy phép con mà các bộ, ngành từng sử dụng để gây khó cho doanh nghiệp trong các năm 2000 và 2002.

Trước khi Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999, Việt Nam đã có hai luật khác là Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân làm khuôn khổ pháp lý cho người dân kinh doanh. Đó là hai luật được ra đời ngay sau Đổi mới năm 1986 và là bước tiến dài khi Hiến pháp năm 1980 vẫn chưa công nhận thành phần kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, tinh thần của hai luật này vẫn rất bảo thủ với nhiều quy định ngặt nghèo hạn chế người dân kinh doanh. Trong suốt thập kỷ 1991-2000, cả nước chỉ có 47.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đó là chưa kể khu vực kinh tế tư nhân là đối tượng bị cải tạo cả ở miền Bắc và miền Nam trong các thập kỷ trước đó.

Dỡ bung rào cản

Một lần giữa năm 1996, ông Nguyễn Đình Cung, lúc đó là một công chức ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) được lãnh đạo Viện gọi lên giao soạn thảo một luật liên quan đến doanh nghiệp. Khi đó, một công chức khác là ông Bùi Hà, người đang phụ trách công việc này chuyển sang cơ quan khác. Theo hồi tưởng của ông Lê Viết Thái, người có thâm niên công tác ở CIEM, không có một yêu cầu cụ thể nào từ cấp cao trong Chính phủ đòi hỏi phải soạn thảo Luật Doanh nghiệp.

Ý tưởng lúc đó là rất mơ hồ, chỉ yêu cầu CIEM sửa đổi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân vào thành một luật. Những bản dự thảo ban đầu mà ông Cung được chuyển giao cũng chỉ là sự pha trộn cơ học của hai luật và thay vài từ cho phù hợp với thực tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay vì Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Đã từng dày công nghiên cứu các luật về doanh nghiệp của quốc tế và trước áp lực của thực tiễn lúc đó, ông Cung ngay lập tức nhận thức được tầm quan trọng của công việc: “Tôi ý thức đó là một cơ hội và thực sự trăn trở vì nó”.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP.HCM.

Đúng 8h sáng nay (20/3), lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Lễ viếng kéo dài đến hết ngày 21/3/2018.

Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3/2018 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM.

Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật trực tiếp tang lễ.

Trong hai ngày Quốc tang (20 và 21/3/2018), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.

Luật Doanh nghiệp là nỗ lực và công sức của nhiều người. Một lần, trước khi ra Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá phải bảo vệ dự thảo trước vài cơ quan Đảng. Ông Giá hồi tưởng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân rất băn khoăn, vì sao lại cho phép thành lập doanh nghiệp mà không cần vốn pháp định.

Ông Giá giải thích, vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập một doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp hoạt động không cần vốn đó. Vì thế, quy định đó cũng như đặt ra rào cản cho họ. Vậy là cả hai người đều ủng hộ, kể cả sau này ở Quốc hội. Kết quả là không còn yêu cầu có vốn pháp định, bên cạnh việc đơn giản hóa hồ sơ, cơ quan Nhà nước không chịu trách nhiệm với doanh nghiệp… Đó là những bước tiến rất lớn so với quy định của hai luật trước đây, khi doanh nghiệp muốn thành lập thì phải xin được chữ ký của chủ tịch tỉnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh kể trên một tờ báo gần đây, trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, hồi đó Phó chủ tịch Hà Nội Đinh Hạnh thường dành riêng chiều thứ bảy họp xem xét hồ sơ và mỗi chiều, ông thông qua hồ sơ được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời 104 doanh nghiệp tư nhân. Ông Doanh nói: “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của chủ tịch tỉnh”.

Tuy nhiên, sau khi luật này được ban hành thì các bộ chẳng ai thực hiện. Thủ tướng cho lập tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp do ông Giá làm tổ trưởng, ông Doanh làm tổ phó đi kiểm tra, phát hiện có 560 - 580 giấy phép con. Lần đầu tiên trong lịch sử hành pháp Việt Nam có việc là sau khi ban hành luật thì thành lập tổ thi hành luật do một Bộ trưởng làm tổ trưởng, một tháng phải báo cáo Thủ tướng một lần. “Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định hủy 268 giấy phép đấy, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép. Như vậy, anh Khải cắt nguồn thu bất chính của các bộ rất nhiều”, ông Doanh cho biết.

Luật Doanh nghiệp đã đưa ra một cách tiếp cận mới: “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì pháp luật cho phép như trước đây”. Không gian tự do kinh doanh được mở ra rất lớn cho dân chúng. Ông Lê Viết Thái tổng kết: “Nói một cách khách quan, người tạo ra phôi thai Luật Doanh nghiệp là ông Cung, nuôi dưỡng phôi thai để nó ra đời là ông Doanh, đỡ đẻ là ông Giá và để nó sống được là ông Khải”.

Ông Doanh nói thêm: “Kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích trí sáng tạo và sự năng động của người dân. Người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng. Như vậy, có thể thấy rõ anh Khải là người cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế”.

Tác giả: Tư Hoàng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP