Tôi không có may mắn làm việc bên Anh Phan Văn Khải như Anh Lê Đăng Doanh, nhưng khi còn đang làm việc, được hai người đứng đầu Chính phủ quan tâm chỉ đạo công tác và tạo điều kiện cho tỉnh nhà phát triển. Đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Qua hai người, tôi học được ở tình cảm, trí tuệ, nhân cách... của người lãnh đạo, người cán bộ mẫn cán, tận tụy với nhân dân. Với Thủ tướng Phan Văn Khải tôi còn có kỷ niệm hay nói đúng hơn là lòng biết ơn của cá nhân tôi.
Năm 2000, An Giang bị dịch đạo ôn mất mùa, sản lượng lúa hụt mất hơn 300 ngàn tấn, lần đầu tiên nông nghiệp tăng trưởng âm hơn 2%, kéo theo GDP cũng thấp nhất (chỉ tăng hơn 4%); ngân sách thu 787 tỷ, tăng không đáng kể; khiếu kiện đất đai khá gay gắt, nhất là trong đồng bào Khơ-me ở hai huyện Bảy Núi có nguy cơ “manh động”; một số công trình xây dựng hạ tầng cho phát triển như QL 91 (Long xuyên-Châu đốc), chợ Tịnh Biên, khu hành chính tỉnh... bị đình trệ hai năm do bị tranh chấp, khiếu kiện v.v...
Tháng 3/2001 tôi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh trong tình hình như vậy, tôi nghĩ người có thể giúp An Giang vượt qua khó khăn trước mắt chỉ có thể là Thủ tướng Phan Văn Khải, vì khi quan hệ công tác với Chính phủ và Thủ tướng khi đó là Ông Võ Văn Kiệt, tôi biết Anh Sáu Khải, Phó Thủ tướng Thường trực nên rất tin tưởng ở Anh.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tham dự tại hội thảo "TP.HCM: 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập" năm 2015. Ảnh: VietNamNet |
Tôi làm kế hoạch an dân, thúc đẩy công tác nói chung, trong đó có vấn đề ngân sách, kiện toàn để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước tỉnh...Tôi gửi báo cáo và xin Văn phòng Chính phủ lịch làm việc với Thủ tướng.
Tôi làm việc với Bộ Tài chính trước, tôi xin 180 tỷ để mua đất cấp cho đồng bào Khơ me nghèo không đất hoặc thiếu đất sản xuất, Bộ nhất trí với tôi 150 tỷ. Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng còn cho An Giang mượn 200 tỷ để trả các khoản vay Ngân hàng đầu tư cho Quốc lộ 91 mà An giang chịu lãi và các khoản đầu tư quan trọng khác, trong đó có 90 tỷ dùng để kiện toàn các doanh nghiệp địa phương đang khó khăn về tài chính. Với kết quả làm việc Bộ Tài chính, yêu cầu cơ bản đã đạt, tôi rất phấn khởi. Tiếp theo tôi đi làm việc với Bộ KH, GTVT... và cuối cùng là được gặp Thủ tướng để báo cáo và xin chỉ thị.
Qua chuyến đi làm việc với các Bộ và Chính phủ lần ấy, tôi thấy cách làm việc của các Bộ đã có một bước chuyển rất lớn. Thủ tướng chỉ đạo, khi Chủ tịch tỉnh đến làm việc, Bộ trưởng phải tiếp (không cử cấp phó thay). Chỉ một việc ấy thôi, đã thể hiện cơ bản tinh thần và nguyên tắc cải cách bước đầu nền hành chính đang trì trệ mà các anh tiền nhiệm tỉnh tôi ai cũng “rên” mỗi khi đi làm việc với các Bộ.
Tôi thật may mắn được làm việc trực tiếp và thấy nhận xét của TS Lê Đăng Doanh “Anh Khải là Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam” – và có lẻ cho đến bây giờ - là hoàn toàn chính xác. Và nhiệm kỳ Chính phủ Phan Văn Khải, bộ máy hành chính được vận hành theo hướng đó nên thành quả không chỉ ở cấp trung ương mà ở địa phương tỉnh nào cũng có, riêng ở An Giang là rất rõ.
Lúc mới về lại Ủy Ban tỉnh, nhân cuộc họp cuối năm 2001, cận Tết Nguyên đán, tôi đề nghị Thủ tướng cho An Giang bắn pháo hoa ở hết các huyện, thị “cho dân bớt buồn vì mất mùa” thay vì chỉ được ở Long Xuyên như thường lệ. Do đột xuất nên văn bản tôi viết tay, không có dấu. Thủ tướng nói ngay với Phó Thủ tướng Vũ Khoan đang là thành viên Ban Bí thư TW Đảng: “Anh Khoan báo với Ban Bí thư, xin ý”. Anh Vũ Khoan nói: “Thủ tướng cũng là Ủy viên BCT, vậy Anh quyết luôn đi”. Anh Khải nói: ”Không được. Việc này Ban Bí thư đã qui định”.
Việc thứ hai tôi thấy Anh Khải rất tôn trọng nguyên tắc và xứng đáng là nhà kỷ trị đó là lần gặp Tổng thống Hoa kỳ anh cầm giấy đọc chứ không nói vo. Sau đó, Anh và tôi cùng về hưu, gặp nhau khi Anh về thăm người quen ở Ang Giang, tôi nhắc lại và hỏi, Anh nói: “Tao phải tuân thủ nguyên tắc!” – Ý Anh Doanh trả lời nhà báo về việc này có vẻ hơi khác về chi tiết, nhưng vẫn nói lên tinh thần tôn trọng nguyên tắc Đảng của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trở lại câu chuyện tôi đi làm việc với Chính phủ và các Bộ vừa kể. Cuối năm ấy, sau Tết Nguyên đán 2002, Thủ tướng về thăm An Giang với một đoàn tuỳ tùng rất gọn nhẹ, không đông như các lần trước. Ông đi từ Đồng Tháp qua Tân Châu, lên bờ, gặp dân Thủ tướng hỏi ăn Tết ra sao, dân nói “Có bắn pháo hoa vui lắm”. Thủ tướng tươi cười nói: “Bảy Nhị giấu mà bà con khai hết rồi” và Anh cười độ lượng!
Làm việc tại Ủy Ban Tỉnh, sau khi nghe báo cáo, Anh chỉ ra những việc làm được, việc cần phải thúc đẩy hơn và động viên: “An Giang từng có sáng kiến cho cả nước làm giàu, nay cần phát huy tinh thần đó”. Tôi hiểu ý Anh nói thời An Giang “bung nở” sáng tạo đổi mới, nhất là trong nông nghiệp, dưới thời Bí thư Nguyên Văn Hơn mà tôi cũng rất tự hào.
Anh không phải lúc nào cũng “chỉ ra”, nói như Chị Phạm Chi Lan, mà là luôn biết lắng nghe và chia sẻ. Công trình làm nhà vượt lũ, từ nhà sàn (trên cọc) đến cụm tuyến dân cư, với đề xuất của An Giang: giá nền từ 7-8 triệu và định mức vay ưu đãi cho người nghèo làm nhà cũng từ 8 triệu một hộ (đợt đầu) được Anh, với tư cách Phó Thủ tướng Thường trực năm 1996 đồng ý thành chủ trương chung cho toàn vùng. Quyết định 99 - TTg của Chính phủ đã đem lại sự đổi đời cho vùng ngập lụt đồng bằng Sông Cửu Long từ nhiệm kỳ Chính phủ Võ Văn Kiệt- Phan Văn Khải.
Tháng 9/2003, gần hết nhiệm kỳ Ủy Ban cấp tỉnh, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thủ tướng chọn một số Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh cùng tháp tùng, trong đó có An Giang, Quảng Nam, Phú Yên, Gia Lai, Trà Vinh, Tây Ninh... và Bộ trưởng Tài Chính, Y tế... Tôi hiểu Anh không chỉ quan tâm cán bộ làm được việc, người sắp về hưu như tôi mà đặc biệt là những người sẽ tiếp tục nhiệm vụ Chính quyền các khóa nối tiếp bằng cái tâm và cái tầm trong sáng.
Tại Hội nghị Chính phủ tháng 12/2003, sau khi kết luận Hội nghị, Thủ tướng nói: “Hội nghị Chính phủ năm sau sẽ vắng Út Phương (Chủ tịch Bình Dương) và Bảy Nhị (Chủ tịch An Giang) vì sẽ về hưu, nên sẽ rất buồn, vì hội nghị có hai người luôn rất vui! Tại Hội nghị nầy chúng ta xem như chia tay hai người”!
Nghe Anh nói cả Hội trường như chùng xuống trước tấm lòng của người lãnh đạo cao nhất với thuộc cấp. Anh xứng đáng là một “Thủ tướng kỷ trị”, “biết lắng nghe” như TS Lê Đăng Doanh và Chị Phạm Chi Lan nói mà theo tôi Thủ tướng còn thân tình, chia sẻ như một người Anh hiền, xứng đáng với người tiền nhiệm – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người Anh của mọi nhà, là Thủ tướng của nhân dân.
Tác giả: Nguyễn Minh Nhị
Nguồn tin: Báo VietNamNet