Kinh tế

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng xin lỗi dân về “bệnh” của ngành thuế

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá, tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân vì việc đó”.

Chủ tịch VCCI kể lại câu chuyện này tại buổi công bố Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan do UB Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, VCCI, Liên minh HTX Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức sáng nay, 24/4.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói lời xin lỗi người dân tại hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2014.

Biểu hiện gây phiền hà, bức xúc là… cá biệt (?!)

Cụ thể, báo cáo tóm tắt kết quả giám sát do Trưởng ban Dân chủ Pháp luật (MTTQ Việt Nam) Nguyễn Văn Minh thể hiện, qua giám sát tại 12 Cục Thuế, Cục Hải quan và một số Chi cục, MTTQ Việt Nam nhận định còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật nhiều, chưa thật sự đồng bộ, còn chồng chéo dẫn đến việc triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Về đội ngũ cán bộ thực thi chất lượng chưa đồng đều, một số công chức trong thi hành công vụ có thái độ ứng xử trong giao tiếp chưa tạo sự hài lòng, thân thiện với người dân; cá biệt có nơi, có lúc còn có biểu hiện gây phiền hà, bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện kê khai thuế điện tử, qua mạng thì thường xuất hiện tình trạng nghẽn mạng do lượng doanh nghiệp truy cập vào quá lớn.

Phát biểu tại buổi công bố, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ câu chuyện trong cuộc gặp giữa nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với cộng đồng doanh nghiệp ở nhiệm kỳ trước: “Tôi nhớ lại cuộc gặp lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nói: Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá, tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân vì việc đó. Đó là lần đầu tiên Thủ tướng xin lỗi nhân dân vì “bệnh” của ngành thuế”.

Ông Lộc nói, nhớ lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 19 của Chính phủ năm 2014, theo phân tích ngành thuế Việt Nam “đội sổ” ASEAN. Chỉ tính riêng thời gian nộp thuế khi đó đã là 537 giờ, trong khi mức của ASEAN 6 là 121 giờ, gấp khoảng 4 lần.

“Chính xếp hạng “đội sổ” của Việt Nam và lời kêu ca của người dân đã thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực này”, ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc lại lần nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin lỗi nhân dân vì bệnh của ngành thuế. (Ảnh: Báo Giao thông)

Nhiệm vụ còn nặng nề

Ông Phạm Công Tham - Phó Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam đề nghị 6 cơ quan giám sát nên tiếp tục, công bố các địa điểm nóng qua điện thoại hay email để người ta phản ánh vướng mắc, từ đó thu thập, đánh giá và gửi tới các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

“Đề nghị làm sao giảm rủi ro cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính khi họ mắc phải rủi ro về thuế. Làm thế nào đó qua hệ thống tin học hay chính sách, ta chỉ xử lý đúng người gây lỗi, người không gây lỗi”, ông Tham nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, riêng về đơn giản hoá thủ tục hành chính ngành thuế và hải quan, Bộ Tài chính đã làm liên tục trong những năm qua.

“Bộ chủ trương hạn chế tối đa người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính, xác định hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ cấp bách, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Tải chính thông tin.

Ông bày tỏ phấn khởi khi đạt được nhiều kết quả trong cải cách thủ tục thuế, hải quan. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng nhận định: “Không thể thoả mãn trước yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ cải cách về thuế và hải quan còn rất nặng nề cần tiếp tục cải cách”.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP