Việt Nam

Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói về Philippin kiện TQ và Biển Đông

“Việc kiện của Philippin là quyền của họ. Nhưng đối với Việt Nam, theo tôi, chúng ta có nhiều phương pháp để mình bảo vệ chủ quyền của mình. Và để giữ vững tình cảm bạn bè giữa hai nước, chúng ta có nhiều biện pháp khác chứ không chỉ có biện pháp kiện…”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nói.

LTS: Trước một loạt các hành động vừa qua của Trung Quốc tại Biển Đông cùng với việc Philippin kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài quốc tế về “đường lưỡi bò”, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
Dùng quân sự để giải quyết tranh chấp là thiếu khôn ngoan
PV: Thượng tướng có đánh giá gì về một loạt động thái gần đây của Trung Quốc như việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) thông qua “Điều lệ quản lý biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” cho phép cảnh sát địa phương lên tàu, thu giữ và trục xuất tàu thuyền nước ngoài trên Biển Đông từ 1/1/2013, việc nước này tập trận tại Biển Đông, cử tàu hải giám, tàu quân sự lớn tới Biển Đông?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Biển Đông là một vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền nhiều quốc gia trong đó có một số nước như Việt Nam, Philipppin, Brunei, Trung Quốc… Và không có một chính quyền nào có thể ra cấm những tàu của nước khác bởi việc này vi phạm chủ quyền của các nước khác, vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc.
Việc chính quyền tỉnh Hải Nam dùng các hành động khám xét, bắt bớ, ngăn cản tàu đánh cá nước ngoài trên vùng biển không phải của mình là việc làm vi phạm thoả ước chung với các nước trong khu vực (DOC), trái với Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Theo quan điểm của Việt Nam, những hành động này đã xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Lẽ ra, hai nước phải thoả thuận – một biện pháp vốn đã được sự thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước không nên để xảy ra những hành động trái luật pháp quốc tế như vậy.
PV: Trung Quốc liên tiếp hạ thuỷ những con tàu lớn được trang bị vũ khí nhưng lại nấp dưới danh nghĩa là tàu dân sự. Thưa Thượng tướng, liệu nhưng con tàu này có quyết định cục diện bàn cờ Biển Đông?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Tàu dân sự phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ không có trang bị quân sự. Quan điểm của Trung Quốc là hiện đại hoá quân đội trong đó có Hải quân.
Rõ ràng, yếu tố quyết định trên Biển Đông không phải là quân sự mà phải dựa vào truyền thống của các nước trong khu vực và hiến chương Liên hợp quốc. Và trong bối cảnh hiện nay, dùng biện pháp quân sự không phải là một sự khôn ngoan.
PV: Từ trước tới nay, khi có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và trái với Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 trên Biển Đông, lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thường đổ cho chính quyền địa phương tự ý làm sai…

Đảo Trường Sa Lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam (Ảnh: Duy Anh)
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Thường từ trước tới nay, sau những hành động trái luật pháp quốc tế, phía Trung Quốc vẫn nói rằng: Trung ương Trung Quốc nhìn đại cục, địa phương tự làm. Nhưng tôi nghĩ trong việc này, nếu không được “bật đèn xanh” thì chính quyền Hải Nam sẽ khó có thể làm như vậy.
Biển Đông là vùng biển Quốc tế thì phải giải quyết đa phương, và nếu có vấn đề riêng giữa hai nước thì hai nhà nước phải xử lý song phương. Còn những lời nói mang tính hiếu chiến đi kèm với các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam thì họ phải xử lý. Thường Trung Quốc làm những việc đã rồi và không nhắc lại để sửa những hành động sai trái đó.
TQ muốn biến cái chung thành cái riêngPV: Thời gian vừa qua, có nhiều tiếng nói hiếu chiến từ phía một số tướng lĩnh Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và những tiếng nói này ngày càng nhiều cho thấy điều gì, thưa Thượng tướng?


Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Theo tôi, một số tướng lĩnh hung hăng nói như vậy là trái với tinh thần lãnh đạo cấp cao của nhà nước Trung Quốc vì Trung Quốc và Việt Nam đã có những thoả thuận từ lâu và luôn có sự tôn trọng lẫn nhau. Nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam có tình hữu nghị lâu đời, không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra.
Nếu có tranh chấp thì giải quyết bằng phương pháp hoà bình. Chúng ta không nên quan tâm những ý kiến cá nhân của những tướng lĩnh hung hăng như vậy.
PV: Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố về việc phát hành bản đồ Trung Quốc có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam cùng toàn bộ “đường lưỡi bò”. Trước đó, họ cũng đã cho in “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu để cấp cho các công dân của họ. Nhưng hành động này cùng các hành động kiểm soát mang tính hành chính như ở trên cho thấy dường như Trung Quốc đang nóng lòng muốn hợp thức hoá “đường lưỡi bò”, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Việc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu là việc chưa từng có. Rõ ràng họ có mục đích riêng. Thêm nữa, việc họ chuẩn bị công bố bản đồ Biển Đông là hòng hợp thức hoá “đường lưỡi bò” do Tường Giới Thạch đưa ra. Việc này trái với Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.
Được biết, “đường lưỡi bò” không phải của chính quyền Trung Quốc đưa ra mà là của chính quyền Tưởng Giới Thạch trước đây. Lâu nay, dù đã không được nói đến nhưng Trung Quốc thấy có lợi cho mình nên vẫn nhắc lại. Rõ ràng họ có ý đồ độc chiếm Biển Đông từ đó vươn ra Đại dương để trở thành siêu cường trên biển như đã tuyên bố.
Trung Quốc muốn răn đe các nước trong khu vực và rất muốn biến Biển Đông là cái chung thành cái riêng.
Có nhiều phương pháp để bảo vệ mìnhPV: Vừa qua, Luật Biển của chúng ta đã có hiệu lực thi hành. Thưa ông, chúng ta còn phải làm gì thêm để Luật Biển đi vào đời sống của nhân dân chứ không chỉ là một văn bản mang tính hình thức?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Về công tác tuyên truyền, ta phải xác định đã là người Việt Nam thì phải am hiểu đất nước của mình, lãnh thổ của mình, nghĩa vụ của mình. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền của chúng ta phải có chiến lược toàn diện hơn và thường xuyên hơn cả về luật pháp trong nước và quốc tế để sao cho người dân thực hiện được nghĩa vụ của mình.
Về Luật Biển, luật pháp là vấn đề cơ bản của đất nước. Vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng đảo khác là những vấn đề đã được khẳng định, không thay đổi.
Tuy nhiên, chúng ta phải có những văn bản cụ thể hơn để hướng dẫn thực hiện. Ví dụ như trong Luật Biển quy định về vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng có những vùng biển giữa hai nước chưa đến 200 hải lý thì phải có một sự đàm phán, phân chia giữa hai nước sao cho hợp lý đồng thời có hướng dẫn cụ thể về vùng này. Ta phải giáo dục cho công dân của mình tôn trọng những vùng đã phân chia.
PV: Là một tướng lĩnh quân đội từng giữ chức vụ quan trọng trong Bộ Quốc phòng, ông thấy những căng thẳng vừa qua giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) như thế nào? Và việc này có ảnh hưởng gì đến những tranh chấp tại Biển Đông?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) là khu vực tranh chấp và vừa qua, để xảy ra các hoạt động đe doạ quân sự là một điều đáng tiếc cho mối quan hệ giữa hai nước Trung Quốc – Nhật Bản. Nếu hai nước ngồi lại với nhau và bằng thoả thuận thì sẽ tạo ra môi trường hoà bình cho vùng biển đó, ngăn chặn được những điều đáng tiếc xảy ra.
Với khu vực Biển Đông, theo ý đồ của Trung Quốc, những việc làm đó có ý nghĩa là để cho các nước trong khu vực cũng phải suy nghĩ về cách đối xử của mình đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông.
PV: Vừa qua, Philippin đã kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ra Toà án Trọng tài Quốc tế. Thượng tướng đánh giá thế nào về việc này và liệu Việt Nam có nên có những biện pháp tương tự để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Việc kiện của Philippin là quyền của họ. Nhưng đối với Việt Nam, theo tôi, chúng ta có nhiều phương pháp để mình bảo vệ chủ quyền của mình. Và để giữ vững tình cảm bạn bè giữa hai nước, chúng ta có nhiều biện pháp khác chứ không chỉ có biện pháp kiện. Việc giải quyết tranh chấp dựa trên tinh thần của lãnh đạo cấp cao hai nước và cả nhân dân hai nước là hữu nghị, hoà bình.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thượng tướng!

Hồng Chính Quang

GDVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP