>> Sự thật về tướng cướp “không mang họ”
LTS: Giữa năm 1982, dưới chân núi Quyết (thành phố Vinh, Nghệ An), Công an tỉnh Nghệ Tĩnh đã thi hành bản án tử hình đối với băng cướp do Truơng Hiền cầm đầu. Trong 30 đệ tử của tướng cướp sừng sỏ này, ngoài Trương Hiền lĩnh án tử hình còn có thêm: Đoàn Thanh (cu Thanh), Trần Đức Lợi (Lợi râu), Đậu Kim Sơn (Sơn hảo). Số phận 4 tướng cướp từng là “tứ trụ triều đình”, từng làm mưa làm gió dọc dải đất miền Trung một thời cuối cùng đã kết thúc.Năm 1983, tiểu thuyết “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức ra đời. Ngay lập tức, tác phẩm này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong văn đàn. Nhân vật chính trong tác phẩm: Nguyễn Viết Lãm được Xuân Đức hư cấu chính từ hồ sơ vụ án về tên tuớng cướp khét tiếng một thời mang tên Trương Hiền (thường được gọi là Toọng). Cho đến nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn, rằng tướng cướp sừng sỏ một thời Trương Hiền, từng làm náo động cả thành phố Vinh, từng dùng súng nhả đạn vào công an để tẩu thoát, từng vượt ngục thành công… chính là Trương Sỏi, là Nguyễn Viết Lãm, là Lạng trong “Người không mang họ” của nhà văn Xuân Đức. Sự thật về băng nhóm khét tiếng do Trương Hiền cầm đầu này như thế nào? Vì sao Trương Hiền lại trở thành Đại ca, trở thành thủ lĩnh của một nhóm du thủ, du thực và thâu tóm quyền lực giang hồ vào tay mình? Vì sao nhiều lần bị bắt, Trương Hiền vẫn vượt ngục trốn thoát…đang là một bí ẩn được chôn vùi. Sau rất nhiều thời gian cố gắng để giải mã bí ẩn về cuộc đời tướng cướp với biệt danh cu Toọng, cuối cùng, PV VietNamNet cũng đã tiếp cận được bộ hồ sơ vụ án về băng cướp từng làm náo loạn một thời. Tập hồ sơ dài hơn 500 trang, ghi rõ lời khai của Trương Hiền đã hé lộ phần nào cuộc đời và hành trình tội ác của tướng cướp. Bí mật về tướng cướp Trương Hiền cùng những lần hắn vượt ngục thành công dần dần được hé lộ. Bí mật tưởng chừng như bị chôn vùi và toàn bộ hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền sẽ được VietNamNet đăng tải trong loạt bài: “Tướng cướp trong Người không mang họ – hồ sơ vụ án”. |
Gây dựng thanh thế ở thành phố Vinh
Sau khi bị giam tại trại giam Đông Hà, Trương Hiền lại một lần nữa tìm kế vượt ngục. Sau nhiều đêm không ngủ, Hiền đã lên sẵn kế hoạch vượt ngục của mình.
Trại giam Đông Hà ngày đó chỉ là mấy gian nhà lợp ngói thô sơ với những thanh sắt hoen rỉ, trần nhà được lót bởi mấy tấm cót đan bằng nứa tạm bợ. Lợi dụng đêm tối, Hiền dùng dây, được bện từ chiếc chăn chiên đã cũ, rồi đu mình lên trần nhà. Cũng chính sợi dây được kết bằng chăn chiên đó, Hiền đã bẻ cong mấy cái thanh sắt hoen rỉ, thoát khỏi buồng giam. Thêm vài bước chân nữa, hắn đã nhảy qua tuờng bao của khu vực trại giam
Cùng với chợ Vinh thì ga Vinh là một trong những địa điểm mà toán cướp hay lui tới để trấn lột của hành khách. Địa danh “bụi hóp”, đường Phan Bội Châu ngày đó trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của hành khách. |
Đêm tối, một mình Hiền chạy như điên. Đi về đâu? Trương Hiền không thể trả lời được. Cả cái đất Quảng Trị này từ giờ đã không còn chốn dung thân cho tên tướng cướp từng gây bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Lang thang ở thị xã Đông Hà rồi cũng sẽ lại bị bắt giam, tội lại càng thêm nặng. Vào Huế ư? Cũng không ổn vì mảnh đất ấy, Hiền từng gieo rắc biết bao tội lỗi. Quan trọng hơn, Hiền đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng công an nơi đây.
Có tiếng còi tàu hú, xé toang màn đêm đặc quánh, xua tan ý nghĩ của tên tướng cuớp. Không kịp nghĩ ngợi, Trương Hiền vội nhảy lên nóc tàu. Chuyến tàu từ từ lăn bánh, hướng ra Bắc.
Hồ sơ tướng cướp Toọng còn ghi rõ lời khai lần hắn bị công an bắt ở chợ Vinh sau khi xả đạn vào trinh sát Bình. |
Bấy giờ đã là những ngày cuối của tháng 10 năm 1977. Những đợt gió lạnh đầu mùa quất liên hồi. Đang ngồi trên nóc tàu với cái lạnh cắt da, cắt thịt, Trương Hiền bỗng phát hiện một người da trắng, mắt lấm la, lấm lét nhìn dáo dác xung quang. Kinh nghiệm những năm chinh chiến, lãnh đạo nhóm “mũ đen” đột vòm ở Đông Hà đã giúp y nhận ra gã này là một tay móc túi chuyên nghiệp.
Trương Hiền tiếp tục quan sát. Chỉ một giây, chiếc đồng hồ và chiếc ví đã nằm gọn trong tay người thanh niên này. “Ăn” xong con mồi, gã thanh niên vội neo người, nhảy phóc lên nóc tàu để vừa tiện quan sát, vừa tránh sự truy đuổi của lực lượng công an nếu có.
Trong hồ sơ còn lưu giữ về vụ án Trương Hiền còn ghi rất rõ chi tiết này. Gã thanh niên da trắng bệch đó có tên là Thành “trắng”, người Nam Định. Người đã giới thiệu Hiền gia nhập vào hội miền đù ở Vinh, sau này trở thành trợ thủ đắc lực của tướng cướp Toọng
Ngay trong lần gặp đại ca phía Bắc, Trương Hiền đã tỏ ra là một tay có bản lĩnh. Hiền hỏi Thành “trắng”:
– Lúc nãy làm được bao nhiêu?
– 80 đồng – Thành “trắng” đáp lại.
– Tôi vừa trốn trại, muốn đi ra Vinh. Xin anh ít tiền. Sẽ có ngày tôi trả lại.
Nếu như là người khác, chắc đã ăn một cái tát như búa bổ từ Thành “trắng”. Thành “trắng” sau khi rít qua kẽ răng: “Đ.m, đời tao toàn đi cướp của người khác, chứ làm đếch gì có thằng nào cướp của tao”, vẫn thấy Trương Hiền ngồi im, coi như không có chuyện gì xẩy ra nên thấy ngài ngại.
Nếu nói, Đông Hà chính là điểm đầu Trương Hiền bước chân ra giới giang hồ, thì thành phố Vinh chính là điểm cuối của con đường tội lỗi của hắn. |
Nhìn kỹ Trương Hiền, Thành “trắng” giật mình vì người vừa xin tiền hắn trông giống như một người, từng xưng bá ở Đông Hà, từng đánh cho mấy đại ca của Thành “trắng” bật bãi, chạy tháo về Vinh.
Sau khi hỏi chuyện, Thành “trắng” mới ngã ngửa ra rằng, người ngồi trước mặt y chính là Toọng mà giang hồ đất Vinh vẫn từng đồn thổi. Y vội móc túi, chia cho Trương Hiền một nửa số tiền vừa cướp được.
Sau đó Thành “trắng” dẫn Trương Hiền đến gặp Lợi “râu”, Dũng “xà kèo”, Hưng “ba tai”, Trường “con” – những tên lưu manh cùng hội với Thành “trắng”, cũng đang hoạt động trên tàu. Cả đám ngồi ăn cơm, hỏi chuyện nhau, cùng kể về quá khứ bất hảo của mình.
Nơi tướng cướp Toọng soán ngôi
Chuyến tàu dừng bánh. Ga cuối là thành phố Vinh. Cả hội kéo nhau xuống ngay một quán rượu lếch thếch cạnh ga để chia chiến lợi phẩm. Cơm no, rượu say, Dũng “xà kèo” lại đưa cả bọn đến nhà Cát “ngọng” (tức Trương Văn Cát) ở khu vực phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh để hút thuốc phiện.Cát “ngọng” chính là một mắt xích quan trọng trong băng nhóm do Trương Hiền lãnh đạo sau này, y từng được ví như là người “quân sư”, là người chỉ điểm cho Trương Hiền.
Bấy giờ, Vinh có năm khu phố. Khu phố 1 thuộc địa bàn bến xe liên tỉnh, nay là phường Lê Lợi. Khu phố 2, phường Cửa Nam. Khu phố 3, Chợ Vinh. Khu phố 4, phường Lê Mao. Khu phố 5, phường Bến Thủy. Thành Vinh ngày ấy vừa trỗi dậy từ đống đổ nát của bom đạn chiến tranh, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những công trường lao động rầm rộ hiện ra. Bọn du đãng, gái làm tiền ùa về mảnh đất màu mỡ này.
Búp bê, mì chính, áo len, khăn voan, toàn hàng sặc sỡ. Liền theo đó là tuyến xe từ biên giới Lào – Việt được khơi thông. Vinh trở thành nơi sầm uất, là nơi trung chuyển hàng hoá từ Bắc vào Nam, là nơi dừng chân của các hạng người. Vinh ngày đó chẳng khác nào một mớ bùng nhùng.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó trưởng phòng CSĐT Công an thành phố Vinh, người từng tham gia bắt Toọng cho hay: Từ khi Toọng có mặt tại thành phố Vinh, tình hình trật tự trên địa bàn diễn biến cực kỳ phức tạp. Nếu như trước, ở Vinh chỉ xuất hiện nhóm du đãng chuyên móc túi, trộm cắp vặt, thì từ khi Toọng xuất hiện, nạn trấn lột, uy hiếp bằng súng ngắn trở nên phổ biến.
Thiếu tá Nguyễn văn Bình, người tham gia bắt Toọng và bị y bắn gtrả quyết liệt |
Những cuộc rượt đuổi trong đêm, những tiếng súng chát chúa xuất hiện nhiều hơn. Thoắt ẩn, thoắt hiện, Toọng từng là nỗi kinh hoàng của người dân nơi đây.Chưa tối các nhà đã đóng cửa. Người ra đường lấm lét nhìn nhau. Những gia đình neo đơn, thiếu đàn ông khỏe mạnh ở nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Một tiếng kêu to ở đâu đó cũng đủ gây nên sự nhớn nhác, hớt hải. Nạn cướp bóc, trấn lột hoành hành khắp nơi, đường phố vào đêm vắng hoe, vắng hoắt, chỉ có một số tên du đãng và đĩ điếm mới dám lai vãng trên đường.
Vinh ngày đó trở thành nỗi khiếp sợ của những người khách tứ xứ khi có công việc phải dừng chân. Thi thoảng, lại có tiếng gọi ý ới, tiếng kêu cứu hốt hoảng, tiếng súng nổ chát chúa, xé tan màn đêm đặc quánh. Tất cả những vụ cướp bóc, trấn lột, thanh toán lẫn nhau đều do tay một đại ca dáng người thấp, da đen có biệt danh Toọng chỉ đạo.
Địa điểm mà bọn du đãng này gân án thường là khu vực bụi hóp, cạnh đường Phan Bội Châu, nơi xe khách thường dừng chân nghỉ ngơi. Một địa điểm nữa mà Toọng và đàn em hay lui tới nữa là khu phố 3, nơi có chợ Vinh sầm uất. Đấy chính là những “cứ điểm” bất khả xâm phạm trong giới giang hồ ở thành phố Vinh ngày ấy. Bất kỳ một tên du đãng “có số má” nào dạt về cũng phải quỳ gối và quy hàng đại ca Toọng.
Nếu nói, Đông Hà chính là điểm đầu Trương Hiền bước chân ra giới giang hồ, thì thành phố Vinh chính là điểm cuối của con đường tội lỗi của hắn. Vinh cũng chính là nơi mà giới giang hồ suy tôn Trương Hiền lên làm đại ca, lãnh đạo nhóm du đãng gần 30 tên với 9 khẩu súng dắt lưng. Và, Vinh cũng chính là đoạn kết đầy tội lỗi của tướng cướp này.
Hoàng Sang – Duy Tuấn
Kỳ tới: Không lâu sau khi du nhập vào nhóm du đãng ở Vinh, Trương Hiền trở thành đại ca, thâu tóm toàn bộ quyền lực đen nơi đây. Ít ai biết rằng, khi trở thành đại ca, Hiền mới 20 tuổi. Biệt danh “đại ca Toọng” cũng bắt đầu xuất hiện kể từ đây. Vì sao Toọng có thể trở thành quyền lực số 1 trong giới giang hồ thành Vinh ngày đó đang là một dấu hỏi. VietNamNet sẽ giải mã về bí ẩn này.