Ông Nguyễn Tiến Vít bên những cây gỗ quý mà ông chăm lo bảo vệ suốt 27 năm qua. |
Ngồi trong chiếc lán trại đơn sơ, ông Vít (67 tuổi, ngụ tại xã Kỳ Thượng) cho biết, đây là nơi vợ chồng ông sinh sống hơn 20 năm qua. Dù có nhà ở dưới làng, nhưng ông quyết định lên bìa rừng ở để tiện cho việc bảo vệ rừng trước lâm tặc.
Ông Vít kể, năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về quê, thấy khu rừng nguyên sinh trước nhà bị khai thác nham nhở, trọc trụi, ông nghĩ nếu như người dân cứ tiếp tục khai thác như thế thì chắc chắn không bao lâu nữa cánh rừng này sẽ không còn cây xanh, lũ lụt và hạn hán sẽ hoành hành. Vì thế, ông quyết định xin chính quyền địa phương giao khu rừng này cho mình để khoanh nuôi và bảo vệ.
Thời điểm đó, người dân ồ ạt lên rừng khai thác gỗ về dựng nhà thì ông đi làm điều ngược lại. Việc làm có phần ngược đời này của ông bị người dân gọi là gàn dở. Bỏ ngoài tai mọi lời bàn ra tán vào, ông quyết tâm làm sống lại “lá phổi” rừng xanh đã bị người dân tàn phá kiệt quệ. Với 30 ha rừng được giao, ông Vít lập một lán trại gần đó để tiện cho việc canh giữ. Trên vùng đồi trọc, người cựu binh này kiên nhẫn trồng xen những cây keo và các loại cây ăn quả như cam, quýt, bưởi... Dưới chân núi, ông đắp khe suối nuôi cá, mua gà về nuôi để tạo kế sinh nhai.
Đến nay, sau 27 năm “ăn nằm” với núi rừng, khu rừng đang dần phục hồi với nhiều loại cây gỗ quý phát triển tốt tươi như: lim, dổi… Có những cây cao 30 - 40 m với đường kính từ 30 - 50 cm. Điều khiến người dân thay đổi suy nghĩ và khâm phục tấm lòng của ông hơn là chưa bao giờ cựu binh này có ý định lấy gỗ rừng xanh về làm của riêng. Bởi trong suy nghĩ của ông, khu rừng như là báu vật của riêng mình, cũng là báu vật linh thiêng bảo vệ người dân. “Xã Kỳ Thượng là khu vực vùng cao có khí hậu nóng nhất của tỉnh Hà Tĩnh và cũng là nơi thường xuyên bị bão lũ tàn phá nặng nề. Cánh rừng này như “máy điều hòa nhiệt độ” vào mùa nắng nóng oi bức và là lá chắn che chở cho người dân khi bão tố đổ bộ vô”, ông Vít nói.
Nhiều lần bị lâm tặc đe dọa
Dẫn tôi đi tham quan quanh khu rừng, ông Vít nói, để giữ được rừng không dễ, nhiều lần ông bị lâm tặc đe dọa mà nếu như không có sự gan dạ của một người lính thì ông đã bỏ cuộc từ lâu. Có lúc, vợ con khuyên ông bỏ việc bảo vệ rừng, nhưng ông không nhượng bộ. Gần như ngày nào, ông cũng len lỏi vào rừng, vượt hàng chục ki lô mét để tuần tra.
“Rất nhiều lần người dân địa phương lên khu rừng này để chặt trộm gỗ. Có nhiều cây gỗ quý bị lâm tặc đốn hạ mà tôi tiếc đứt ruột. Vì thế, tôi liên tục đi tuần tra canh gác, có khi phải ngủ lại trong rừng. Những lúc giáp mặt lâm tặc, tôi hù dọa từ xa để họ hoảng sợ mà bỏ chạy. Có khi gặp kẻ lì lợm thì tôi bị đe dọa trở lại. Những người khai thác gỗ hầu hết là người địa phương nên họ không dám đánh tôi”, ông Vít kể.
Đứng dưới tán lá cây lim cao vút tỏa bóng mát, ông Vít cho biết, mỗi lần bị ông xua đuổi, cánh lâm tặc thường vứt lại cưa máy, cưa tay, dao…trong rừng. Những lần như thế, ông đưa các loại dụng cụ ấy về nhà, tìm cách xác định chủ nhân rồi trả lại cho họ. Hành động đầy nghĩa hiệp này của ông đã lay động được rất nhiều người, khiến họ từ bỏ việc khai thác rừng trái phép. Bây giờ, mỗi lần có lâm tặc, chỉ cần ông hú một tiếng là dân làng kéo lên vây bắt.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho hay ông Vít là một người có tinh thần trách nhiệm cao trong việc bảo vệ khu rừng đầu nguồn. Nhờ yêu rừng cộng với chính quyền địa phương giúp đỡ, ông Vít giữ được khu rừng vẫn sừng sững tới hôm nay.
"Mỗi lần phát hiện được người khai thác gỗ trái phép, ông đều báo cáo với chính quyền địa phương và cùng với chính quyền vận động bà con từ bỏ việc phá rừng, thay vì xử phạt. Vì vậy, người dân lúc nào cũng nể trọng ông, dần dần không còn vào rừng khai thác bừa bãi nữa", ông Tiến nói.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên