Trong nước

Người dân miền Nam đến Hội trường Thống Nhất viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sáng nay 25-7, Lễ Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khu vực miền Nam diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - nơi tổ chức Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực miền Nam - Ảnh: HỮU HẠNH

Sáng nay 25-7, lễ viếng, dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khu vực miền Nam diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Từ 6h sáng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - trưởng Ban tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo công tác chuẩn bị lễ viếng.

Bên ngoài Hội trường Thống Nhất, một số người dân có mặt từ sáng sớm chờ vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng gấp rút chuẩn bị để tạo điều kiện tốt nhất cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân vào viếng.

1h sáng nay, bà Lê Thị Kim Liên (68 tuổi) đã một mình bắt xe từ Lâm Đồng đến TP.HCM để viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Xúc động nhìn về lá cờ rủ treo ở Hội trường Thống Nhất, bà Liên kể khi hay tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà đã rất bàng hoàng. Thời điểm đó, bà cùng 60 người có mặt đều bật khóc.

Người dân từ Tiền Giang đi xe từ sớm đến Hội trường Thống Nhất chờ vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: HỮU HẠNH


Bà Liên cho biết mặc dù tỉnh Lâm Đồng cũng có tổ chức lễ tưởng niệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhưng bà vẫn muốn trực tiếp đến Hội trường Thống Nhất, nơi ghi lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, cũng là một trong hai nơi tổ chức lễ Quốc tang, để thắp nén hương đưa tiễn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Người dân chúng tôi rất yêu mến, kính trọng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - người có công lao lớn trong xây dựng Đảng, xây dựng đất nước vững mạnh, để nhân dân chúng tôi được ấm no, hạnh phúc", bà Liên xúc động.

Có mặt từ lúc trời chưa sáng ở cổng Hội trường Thống Nhất, ông Huỳnh Văn Ba, một tín đồ thuộc Hội Thánh Cao Đài tỉnh Tiền Giang, theo đoàn Trung ương Ủy ban MTTQ Việt Nam phía Nam đến viếng Tổng bí thư. Ông Ba cho biết từ ngày nghe tin Tổng bí thư từ trần, các chức sắc, tín đồ đều thương tiếc, buồn đau.

"Bác Trọng là vị lãnh đạo mà từ khi điều hành đất nước đã rất quan tâm đến các tín đồ tôn giáo, đời sống xã hội nhân dân. Bác làm việc rất tận tâm, tỉ mỉ, tất cả vì đất nước, vì nhân dân. Tôi rất xúc động với lời dặn nên chôn cất bác ở quê nhà vì sợ ảnh hưởng người dân. Đến cuối đời ông ấy còn lo nghĩ cho nhân dân", ông Ba tâm tình.

Đoàn Thành Đoàn TP.HCM do anh Ngô Minh Hải - bí thư Thành đoàn, dẫn đầu, vào viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Các lực lượng làm nhiệm vụ bên ngoài Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - nơi tổ chức Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực miền Nam - Ảnh: HỮU HẠNH

Là một trong những đoàn đại biểu được tham dự lễ viếng trong sáng nay, đoàn đại biểu Liên đoàn Lao động TP.HCM có mặt từ rất sớm. Ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết bản thân là một cán bộ công đoàn, sự ra đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát to lớn.

Những ngày qua cán bộ, công nhân lao động TP hết sức bàng hoàng. Với người dân lao động TP, hình ảnh Tổng bí thư là điều gì đó rất gần gũi, ấm áp, hết lòng vì dân, hết lòng vì sự phát triển của đất nước.

"Chúng tôi có cơ hội làm việc với bác qua đại hội Công đoàn Việt Nam. Những chỉ đạo của bác hết sức sâu sắc, với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.

Đồng thời thể hiện được tình cảm rất sâu sắc, thân thương của người đi trước đối với thế hệ trẻ, của một vị lãnh đạo đất nước đối với công nhân cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng", ông Trung nói.

Hội trường Thống Nhất, TP.HCM - nơi tổ chức Quốc tang Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực miền Nam - Ảnh: HỮU HẠNH

Lễ viếng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ 7h đến 22h ngày 25-7 và từ 7h đến 12h30 ngày 26-7. Lễ truy điệu lúc 13h ngày 26-7-2024.

Người dân và các đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang đến viếng có phân công trưởng đoàn, trang phục trang trọng, sậm màu, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang.

Học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, công chức, người lao động mặc đồng phục theo trường, đơn vị.

Không mang theo vòng hoa, trái cây, nhang đèn. Cá nhân mang theo căn cước công dân, ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ tùy thân khác để quét mã trước khi vào khu vực tang lễ.

Không mang theo túi xách, chỉ mang theo dải băng viếng tang (kích thước: dài 80cm x cao 15cm, màu đen, chữ trắng), có dòng chữ ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do ban tổ chức chuẩn bị. Các đoàn thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.

Các đoàn viếng tang theo khung giờ nhất định. Trong đó, người dân đến viếng vào khung giờ 13h đến 22h ngày 25-7 và 7h đến 12h30 ngày 26-7.

Tác giả: THẢO LÊ - TIẾN LONG - CẨM NƯƠNG - HỮU HẠNH

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP