Những năm tháng hào hùng
Ông Trương Xuân Bái, sinh ngày 6/1/1931, ở xã Thạch Môn, thành phố Hà Tĩnh. Ông đã lên đường nhập ngũ ngày 19/8/1951, vào trung đội 3, đại đội 6, tiểu đoàn 27 thuộc trung đoàn 44, quân khu 4, đóng ở Nghệ An. Sau 6 tháng huấn luyện, ông được bổ sung về Đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 chủ lực đóng tại Thanh Hóa.
Trận chiến đầu tiên ông tham gia là chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, chiến đấu tại huyện Nho Quan. Sau đó là chiến dịch Tây Bắc lần 1, chiến đấu tại thị trấn Mộc Châu – Nà Sản (Sơn La). Vào cuối năm 1953, đầu năm 1954 ông bắt đầu cùng đồng đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (Mật danh khi đó gọi là chiến dịch Trần Đình).
Tấm áo lụa trắng mà Bác Hồ tặng là món quà vô giá đối với ông Trương Xuân Bái |
“Ngày ấy chúng tôi hành quân từ Thọ Xuân (Thanh Hóa) đến Lai Châu rất vất vả, phải hơn một tháng trời mới tới nơi. Tôi còn nhớ, vào tối 11/12/1953 đánh tại Thị xã Lai Châu, có khoảng 1000 quân địch, trong đó có nhiều lính Pháp. Trong trận đánh này ta tiêu diệt được 500 địch, còn lại lùa chúng vào Điện Biên Phủ. Trong khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng chính tôi là người đồng đội thân thiết, đã cõng anh hùng Bế Văn Đàn khi anh đã hy sinh và tận tay chôn cất cho người đồng đội của mình”, ông Bái chia sẻ.
Trong suốt 56 ngày đêm của chiến dịch lịch sử này, ông và đồng đội đã “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Ngày ấy, lực lượng công binh thì đào hầm, đơn vị ông được giao nhiệm vụ đưa đất ra. Cuối cùng cũng xong đường hầm dưới đồi A1 để đưa 960 tấn thuốc nổ vào và cho điểm hỏa đêm ngày 6/5/1954.
“Chúng tôi sống trong tiếng súng đạn suốt ngày đêm. Không hề có cảm giác sợ chết. Những ngày đó, người hi sinh rất nhiều. Chúng tôi cõng đồng đội hi sinh ra tuyến sau rồi sau đó lại nhanh chóng lao vào chiến đấu. Thời điểm nào thiếu tiếng súng chúng tôi lại cảm thấy buồn”, ông Bái tâm sự.
Ba lần được gặp Bác Hồ
Do có nhiều công lao trong chiến đấu nên ông nhiều lần được cấp trên khen thưởng. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông là ba lần được gặp Bác Hồ và được Bác tặng những kỉ vật vô giá.
Lần thứ nhất khi ông được gặp bác là vào ngày 18/12/1957, sau khi Bác đi thăm các nước Xã hội chủ nghĩa, ông cùng 100 chiến sỹ được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác từ sân bay Gia Lâm về Phủ Chủ tịch. Lần thứ hai là khi ông và Đại đội đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi từ Hà Nội đến Thuận Châu – Sơn La (khu tự trị Thái Mèo). Lần thứ ba vào tháng 8/1958, ông Trương Xuân Bái được đơn vị bình chọn là Chiến sỹ tiêu biểu của Đại đoàn 316 đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Phú Thọ. Tại Đại hội, trong giờ nghỉ Bác Hồ đã gặp ông và một số chiến sỹ quân khu 4. Bác đã khen ông Bái và các chiến sỹ có công trong chiến đấu. Bác Hồ cũng tặng ông chiếc áo lụa tơ tằm có mảnh giấy ghi: “Áo lụa tơ tằm Bác tặng Chiến sỹ Trương Xuân Bái. Chiến sỹ thi đua toàn quân thuộc Đại đoàn 316, ngày 15/3/1958. Hồ Chí Minh”.
Ông được tặng nhiều huân, huy chương cao quý của Đảng và nhà nước |
Ông Bái bâng khuâng nhớ lại, khi tặng áo, Bác nắm chặt tay ông nói, Bác mong đoàn có nhiều chú Bái và đạt thành tích cao hơn nữa. Lời dặn dò thân tình, ấm áp của Bác là món quà vô giá, đi theo và động viên, làm động lực cho ông cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Vào tháng 9/1958, ông Bái được cử đi học trường quân chính quân khu 2 tại Hải Phòng. Ông là học viên giỏi, ra trường vào tháng 1/1961, được bổ sung vào ngành quân giới Quân Khu Việt Bắc.
Từ năm 1963 đến năm 1969, ông Bái được Đại đoàn cử sang giúp nước bạn Lào và chỉ huy chiến đấu ở mặt trận Xiêng Khoảng. Đến tháng 7/1970, ông chuyển sang giúp bạn Lào xây dựng tuyến đường giao thông, đường ống dẫn dầu thuộc đoàn 959 Đến tháng 3/1978, ông Bái được nghỉ hưu.
Sau khi về với gia đình và địa phương, ông làm Chủ nhiệm hợp tác xã dệt thảm xuất khẩu sang một số nước Đông Âu. Năm 2018 này, ông đã 88 tuổi, tròn 60 năm tuổi Đảng, 31 năm hoạt động Cách mạng.
Mỗi năm cứ đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày Quốc Khánh 2/9, ông lại lấy tấm áo lụa tơ tằm - món quà vô giá mà Bác Hồ đã từng tặng, cũng như những kỷ niệm một thời chiến trận hào hùng ra xem. Mỗi lần vậy ông lại thấy bồi hồi xúc động và nhớ đồng đội không nguôi. Dù cũng đã ở tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn thường xuyên tham gia vào việc xã hội. Ở xã Thạch Môn, hầu hết người dân đều biết ông, và coi ông là tấm gương sáng, mẫu mực về tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Tác giả: Mai Nguyễn
Nguồn tin: Báo Infonet