Nhớ ngày trước, theo ông nội đi cào hến, ông cào, cháu nhặt, bóng của ông và cháu trải dài trên bờ sông mỗi khi chiều tà. Con hến nằm dưới lớp bùn đất nên nhìn qua thì không thể thấy được, ông dùng cái cào hến (hình dáng giống chiếc cào lá bình thường nhưng không có răng) đi giật lùi, hễ chạm vỏ hến nằm ở dưới là nghe tiếng “trắc”, cháu thích chí cười vang, xóa tan những giọt mồ hôi lăn dài trên trán ông.
Nhớ ngày trước, ông ngâm hến khoảng hai tiếng trong nước lạnh, cắt ít quả ớt hiểm vào cho hến nhanh nhả đất ra rồi ông bảo “ mi đi tìm cho ông cái nồi đất, hến phải hấp trong nồi đất mới thơm và ngọt được”. Ông tỉ mẫn đi bắt, tỉ mẫn chế biến và thành quả là một nồi hến hấp nghi ngút khói- là thứ mà mỗi khi về quê lại được nghe ông “ dụ dỗ”: “ ta đi cào hến con hè!”.
Đãi hến
Món hến hấp vẫn là món ưa thích của con, đăc biệt trong cái tiết trời oi nồng của miền Trung quê ta. Hến nhiều và tương đối rẻ, để làm món ăn vừa ngon vừa bổ thì không hề đắt một chút nào. Khi mua về nên ngâm nước lạnh khoảng 2 tiếng cho sạch đất cát, bỏ vào nồi, chế rất ít nước để giữ được vị ngọt nguyên chất. Hấp hến không nên để lửa nhỏ mà phải cho cháy đượm lên, sôi chừng năm phút thì cho lá lốt cắt nhỏ cùng với ít lát ớt vào, đợi sôi um lên là được.
Hến thuộc tính hàn, ăn rất mát trong những ngày hè nóng nảy. Tách ruột hến ra ăn không hoặc chấm với ít muối trắng giã ớt, nước hến dùng làm canh rất ngọt và dễ ăn.
Ngày nay, mặc dù không tự tay đi bắt, không có nồi đất để hấp nhưng mùi vị vẫn thế, khác chăng ở chỗ không có ông cùng thưởng thức mà thôi…
LÊ THÀNH CHUNG.
Báo Hà Tĩnh