Trong tổng số 17 mỏ khoáng sản được UBND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản vào năm 2021, nghịch lý là có những mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng lại chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và ngược lại, không ít mỏ khoáng sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư thì lại chưa có giấy phép khai thác, chưa được thuê đất.
Hạ tầng bến bãi của một doanh nghiệp đầu tư sau khi trúng đấu giá để phục vụ cho việc khai thác mỏ đã khóa trái cửa, bỏ hoang nhiều năm qua. |
Cho cá, không cho cần câu
Cụ thể, trong số 9 mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tính đến thời điểm hiện nay có đến 6 mỏ chưa có chủ trương đầu tư. Trong đó, có những đơn vị như mỏ đất san lấp xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh của Công ty TNHH 415 (TP Hà Tĩnh) trúng đấu giá năm 2021, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần vào năm 2022 với số tiền gần 2,3 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn đang là một bãi đất hoang hóa do chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Mặc dù vào các ngày 19/12/2022 và 10/4/2023, Sở KH&ĐT đã có các văn bản trình UBND tỉnh đề xuất; Công ty cũng đã có Văn bản số 02/CTY415 ngày 26/3/2023 cam kết trong vòng 12 tháng, kể từ ngày được UBND tỉnh cho thuê đất sẽ hoàn thành hồ sơ, thủ tục về nâng công suất khai thác song đến nay vẫn mòn mỏi vì không biết còn phải chờ đợi đến khi nào.
Trong khi đó, đối với nhóm 9 mỏ chưa được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp lại được chấp thuận chủ trương đầu tư, đơn cử như mỏ đất san lấp núi Cồn Vải, xã Sơn Phú, huyện Hương Sơn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Bình Đức. Doanh nghiệp này đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 21/QĐ- UBND ngày 15/8/2022 nhưng đến nay chưa được phê duyệt tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản dù Sở TN&MT đã trình tại Văn bản số 4014/STNMT-KS ngày 1/11/2022.
Các mỏ còn lại gồm Mỏ cát xây dựng bãi bồi sông Ngàn Sâu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang của Công ty CP Dịch vụ thương mại Hà Huy Phú; Mỏ cát xây dựng tại bãi bồi Bồng Bồng, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê của Công ty TNHH Lê Tăng; Mỏ đất san lấp và đất làm gạch tại thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc của Công ty CP Xây dựng và thương mại Đức Toàn; Mỏ đất làm gạch, ngói xã Nam Điền, huyện Thạch Hà của Công ty cổ phần Việt Hà - Hà Tĩnh và Mỏ đất san lấp núi Eo Cợi, xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn của Công ty TNHH Thành Nhân. Các mỏ khoáng sản này chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy phép khai thác khoáng sản, bất luận từ năm 2022 các sở, ngành đã hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh Hà Tĩnh hoàn thiện thủ tục cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ vướng mắc về vấn đề này, ngày 18/10/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký Quyết định số 2719/QĐ-UBND, thành lập Đoàn kiểm tra, rà soát quy trình, hồ sơ, thủ tục lập, phê duyệt kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường năm 2021.
Đến ngày 25/3/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có Báo cáo số 01/BC-ĐKT cho biết, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là chủ trương đúng, quá trình thực hiện đúng theo quy định hiện hành, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.
Quá trình đấu giá không phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không xảy ra các vấn đề phức tạp về ANTT. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thực hiện các trình tự thủ tục sau đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trong kế hoạch được phê duyệt vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về thủ tục thực hiện.
Loay hoay tháo gỡ vướng mắc
Nguyên nhân chính dẫn đến việc đến nay các mỏ khoáng sản này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động vẫn là khâu thẩm định hồ sơ còn thiếu chặt chẽ. Xuất phát từ việc Sở KH&ĐT tham mưu quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án khai thác khoáng sản sau khi trúng đấu giá không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư là chưa đảm bảo quy định tại khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư.
Từ đó, Sở TN&MT tham mưu hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thiếu quyết định chủ trương đầu tư, chưa đảm bảo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 59 Luật Khoáng sản. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc các Dự án khai thác khoáng sản được kiểm tra không thực hiện thẩm định chủ trương đầu tư, thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép không có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Vấn đề này xuất phát từ việc trước đó, tại Văn bản số 1223/SKHĐT-DNĐT ngày 25/5/2020, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, "các dự án trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư. Việc chấp thuận chủ trương đầu tư hay đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức để lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án tại một khu vực nhất định. Việc xem xét đánh giá sự phù hợp với quy hoạch khoáng sản, năng lực Nhà đầu tư đã được đánh giá, thẩm định trong quá trình đấu giá theo quy chế được UBND tỉnh phê duyệt".
Theo các hướng dẫn này, khi các sở, ngành liên quan đang thực hiện các thủ tục pháp lý cho nhà đầu tư trúng đấu giá thì ngày 18/4/2022, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư bất ngờ có văn bản "tuýt còi".
Theo nội dung Văn bản số Văn bản số 2541/CV-TCT ngày 18/4/2022 của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ thì "căn cứ quy định tại khoản 1, Điều 32 Luật Đầu tư thì dự án trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trong trường hợp có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc chuyển mục đích sử dụng đất".
Do đó, sau khi có văn bản nói trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh buộc phải rà soát, thẩm định việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các mỏ khoáng sản trúng đấu giá. Đến nay, mới chỉ có 4 trong số 9 mỏ đã xong thủ tục được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, 5 mỏ còn lại vẫn đang trong quá trình xem xét, thẩm định dù hồ sơ đã nằm trên bàn của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong suốt thời gian hơn 2 năm qua.
Theo ông Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, để gỡ khó cho doanh nghiệp, ngày 10/10/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 6042/UBND-NL5 giao Sở TN&MT và Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn các chủ mỏ đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư kịp thời, theo đúng quy định.
Sở TN&MT chủ trì việc kiểm tra, xác định trữ lượng được phép khai thác còn lại, thời gian khai thác còn lại tính từ ngày 1/1/2024; năng lực của nhà đầu tư, điều kiện giao thông, môi trường, nhu cầu thị trường... đối với các mỏ chưa thực hiện thủ tục nâng công suất khai thác để lập hồ sơ, thủ tục nâng công suất khai thác và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.
Đối với các mỏ chưa được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đang đề nghị các chủ mỏ hoàn tất hồ sơ nâng công suất hoặc cam kết nâng công suất. Trên cơ sở đó, soát xét hồ sơ và các vấn đề liên quan để tham mưu UBND tỉnh các thủ tục, hồ sơ tiếp theo theo đúng chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.
Đối với các mỏ chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, Sở KH&ĐT rà soát, đánh giá hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của đơn vị trúng đấu giá để đề xuất phương án nâng công suất khai thác, hoặc cam kết nâng công suất của đơn vị để tham mưu UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư bảo đảm đúng quy định.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến hồ sơ, thủ tục của các doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh xử lý các bước tiếp theo theo đúng quy định trước ngày 30/10/2024.
Tác giả: Thiên Thảo
Nguồn tin: cand.com.vn