Số lượng quá nhiều
Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay các dự án ODA ở Việt Nam thành lập rất nhiều BQLDA của các địa phương, các bộ, ngành. Riêng ngân hàng thế giới và ADB có trên 500 BQLDA cho hai nhà tài trợ lớn này. Số lượng như vậy là quá nhiều. Nếu tính tất cả 52 nhà tài trợ song phương và đa phương thì số lượng BQLDA lên đến hàng nghìn.
Cùng quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng: Việc giải ngân vốn ODA không phải luôn suôn sẻ. Chúng ta có BQLDA ở Trung ương và BQLDA ở địa phương. Cơ cấu như thế là phức tạp, hạn chế các hoạt động giải ngân vốn ODA. Cộng với những hạn chế khác liên quan tới quản lí tài chính, cơ cấu tổ chức trên đang gây khó khăn cho thực hiện hiệu quả các dự án ODA.
Lượng nhiều không phải là hạn chế duy nhất của các BQLDA. Khẳng định “quá vất vả” khi thực hiện một dự án ODA, bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc BQLDA Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: Dự án Vệ sinh môi trường thành phố Nha Trang được triển khai từ năm 2007. Khi chuẩn bị dự án, tỉnh thành lập Ban chuẩn bị dự án với Giám đốc dự án là Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang, còn Phó Giám đốc là Giám đốc Công ty Cấp thoát nước thành phố.
Cán bộ của Ban chuẩn bị dự án đều kiêm nhiệm nên đầu tư nghiên cứu không toàn tâm toàn ý. Cho nên việc nghiên cứu dự án không được triệt để. Khi dự án bắt đầu triển khai, tỉnh thành lập BQLDA mới, trực thuộc UBND tỉnh. Các vấn đề đều phải xin ý kiến của tỉnh, mất rất nhiều thời gian khiến chúng tôi không làm được gì hết.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Hương, qua 7 năm thực hiện dự án, các cán bộ đã tích lũy được kiến thức cũng như kinh nghiệm. Thế nhưng năm 2014, dự án này kết thúc thì BQLDA cũng phải giải thể, đồng nghĩa với việc các cán bộ không còn “đất dụng võ”. “Nếu 3-7 năm nữa Nha Trang xin được dự án mới thì đâu còn BQLDA này nữa, lại thành lập BQLDA mới, như vậy sẽ rất lãng phí” – bà Hương nói.
Chia sẻ với những bất cập này, ông Hoàng Viết Khang cho rằng: Nếu ban chuẩn bị dự án không được chuyển sang BQLDA thì kinh nghiệm của ban này chưa chắc được áp dụng cho giai đoạn tiếp theo. Nếu thành lập mới, tuyển mới BQLDA, đội ngũ cán bộ lại cần học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mới hoạt động tốt được. Cho nên việc thành lập BQLDA chuẩn, đúng và phù hợp sẽ giúp cho quá trình giải ngân nhanh các dự án ODA.
Tìm mô hình thích hợp
Đại diện Công ty tư vấn Mandala chuyên tư vấn cho việc xây dựng mô hình BQLDA đưa ra một số phương án trung hạn trong việc củng cố, sắp xếp lại cấu trúc tổ chức BQLDA, trong đó có việc thành lập BQLDA ODA trực thuộc UBND tỉnh, thành phố đối với các dự án đa ngành và dự án phát triển khu vực, mà điển hình là mô hình của tỉnh Lào Cai. Theo đó, mô hình này tập trung được công tác chỉ đạo, điều phối và nâng cao tính chuyên nghiệp hóa trong quản lí dự án ODA.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Lào Cai trong việc xây dựng các BQLDA, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai bày tỏ: Nếu để rời rạc mỗi dự án một BQLDA thì chi phí thường xuyên cho lương, máy móc, thiết bị, bàn ghế rất nhiều. Khi thành lập một BQLDA chung thì mỗi năm có thể tiết kiệm được 7-8 tỉ đồng so với BQLDA rời rạc.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cũng cho biết: Trước đây Hà Tĩnh cũng có tình trạng các dự án mới thì thành lập thêm BQLDA, do đó hoạt động các BQLDA khá rời rạc và năng lực rất hạn chế, bộ máy cồng kềnh, khả năng kiểm soát khó khăn. Cho nên từ chỗ có 42 ban ở mỗi huyện, thị xã thì giờ đây mỗi huyện, thị xã của Hà Tĩnh chỉ còn 1 BQLDA để quản lí chung vốn ODA… Điều này giúp tập hợp được nhân lực, cũng như các chuyên gia chuyên ngành trong việc triển khai dự án.
Đại diện của Công ty tư vấn Mandala cho rằng: Việc áp dụng một mô hình BQLDA cứng nhắc cho tất cả các địa phương là không thực tế chút nào. Ví dụ sử dụng mô hình BQLDA ở Đà Nẵng để áp dụng cho vùng núi Điện Biên là khó có thể phù hợp. Chính vì vậy phải có sự linh hoạt trong việc áp dụng các mô hình BQLDA trên cơ sở thống nhất về các nguyên tắc chung.
Lương Bằng
Hải Quan