Tuổi trẻ Hà Tĩnh

Nghi xuân: Con đường hoàn lương của "Phương người Dơi"

Về mảnh đất Nghi Xuân – Hà Tĩnh hỏi nhà anh Trần Thế Phương thì ai cũng biết.

Thậm chí, nhiều người còn quả quyết: “Thằng Phương là người “nổi tiếng” trong vùng bởi sự lì lợm, xem trời “bằng vung”, là con nghiện ma túy gần 8 năm, nhưng đã tự mình cai nghiện thành công để trở thành một ông chủ lò gạch uy tín trong vùng”. Tưởng rằng, những năm tháng “thiêu thân” với ma túy, Phương sẽ tự chôn vùi tương lai của mình trong “địa ngục trần gian” của “nàng tiên nâu”, nhưng không ngờ, ngay bên bờ vực giữa sự sống và cái chết, Phương đã đứng dậy để trở thành một ông chủ của xí nghiệp đóng gạch nhỏ và giúp cho nhiều mảnh đời bất hạnh, lầm lỡ khác trong vùng có công ăn việc làm ổn định, tránh xa ma túy. Chính vì những năm tháng phiêu bạt giang hồ, Phương được các “chiến hữu” của mình đặt cho cái biệt danh “Phương người dơi” cũng chính là vì lẽ đó.


8 NĂM SỐNG TRONG BÓNG TỐI


Bố mẹ mất sớm, 2 anh em Phương sống phải nhờ cậy vào các cô chú và sự đùm bọc thương yêu của bà con hàng xóm láng giềng. Trong khi người anh trai của Phương là Trần Thế Diệt 45 tuổi vẫn ở nhà miệt mài với ruộng đồng và làm thuê với đủ nghề khó nhọc để đắp đổi miếng cơm manh áo qua ngày thì con đường của Phương đi gặp vô vàn trắc trở, với một cuộc hành trình phiêu bạt đầy éo le. Học xong lớp 8, chàng trai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo ở thôn Hồng Thủy (Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đành gác lại chuyện học hành để phiêu bạt khắp mọi miền tổ quốc mưu sinh.


Ra đi từ hai bàn tay trắng, chỉ một chiếc ba lô đơn sơ, vài bộ quần áo rách nát và một ít lương thực, cậu bé Phương đã đi khắp mọi nơi từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Miền Nam, Tây Nguyên…Chính những năm tháng bôn ba, lại thiếu sự dạy bảo của cha mẹ, Phương đã bị cuốn vào vòng xoáy của những tội lỗi một cách đầy nghiệt ngã. Năm 1997, sau một thời gian phiêu bạt, Phương quay về nhà và đi đến một quyết định táo bạo. Đó là dẫn một tốp thanh niên khỏe mạnh, có “máu mặt” trong vùng lên tận Mường Xén, Kỳ Sơn- Nghệ An để khai thác gỗ, sỏi, cát, đá… Khi mới “chân ướt chân ráo” đặt chân tới mảnh đất mới, nhóm của anh Phương đã bị sự chèn ép, đánh đập của người dân thổ cư và những nhóm bảo kê khét tiếng ở đây. Bọn này rất lì lợm và thường ngày tìm cách “làm luật”, thậm chí nhóm “xã hội đen” bảo kê ở đây đã nhiều lần tìm cách lật đổ nhóm người của Phương để chiếm đoạt “lãnh địa” làm ăn. Chính trong môi trường làm ăn khốc liệt, bon chen như vậy, Phương ngày một liều lĩnh. Anh Phương tâm sự: “Lúc đó, nhiều lần mình cũng muốn bỏ về quê, nhưng lại nghĩ, đưa anh em đi làm chưa nên cơm cháo gì thì về quê ai xem ra cái gì. Nên tôi quyết định bám trụ lại, tôi dần làm quen với những tên “đầu gấu” và sống với họ như anh em. Để thể hiện mình với dân chơi “anh chị”, tôi đã tìm đến với ma túy như một lẽ thường tình với chân lý “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Rồi những ngày hút, chích cứ ngày một dày lên”.


Trong 2 năm liên tục hút hít, chàng trai Phương vốn “quê mùa” không hề biết mình đã bị “nàng tiên nâu” thôi miên. Không hề biết mình nghiện ma túy, chỉ sau 2 năm, trong một ngày thử không hút chích nữa, những cơn sốt, vật vã, co giật lại liên tục hành hạ. Những lúc ấy, anh lại đi tìm thuốc để thỏa mãn cơn nghiện. Từ năm 1997 đến năm 2000, mỗi ngày anh phải mất 500 đến 1 triệu để mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. Khoảng thời gian nặng độ nhất là từ năm 2000 đến 2004, mỗi ngày anh phải mất hơn 1 triệu để hút chích. Có khi tụ tập bạn bè “chơi tới bến” anh cũng phải tiêu tốn đến cả chục triệu đồng để “quậy” tưng bừng với những bữa tiệc ma túy hoành tráng.


Cuộc đời Phương cứ thế tràn ngập trong thế giới “ảo tưởng” của cái chết trắng. Số tiền công nhân làm ra như nước, nhưng cuối cùng cũng bị anh nướng hết vào đỏ đen, ma túy, nhậu nhẹt và những cuộc vui chơi “thâu đêm suốt sáng”. Anh Phương tâm sự: ” Tiền bạc hồi ấy làm ra nhiều lắm. Nếu biết tiết kiệm thì bây giờ tôi đã có nhà cao, cửa rộng, xe hơi…Có lần buôn gỗ từ Mường Xén ra Hà Nội, tôi không thể đếm được trong bao tải có bao nhiêu tiền nữa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, cả đống tiền ấy rồi cũng đổ sông, đổ bể, vì thực tình lúc ấy tôi đã trở thành một con nghiện rất nặng”.


BƯỚC RA ÁNH SÁNG


Năm 2001, dù biết mình là một con nghiện rất nặng, nhưng anh Phương vẫn lấy vợ. Mặc dù chung sống với nhau, nhưng sau 2 năm chị Nguyễn Thị Phương mới phát hiện ra mình lấy phải một người chồng nghiện ngập. Chị cho biết :”2 năm đầu thấy anh Phương vẫn tu chí đi làm ăn, hóa ra đó chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, còn thực tế anh vẫn theo đám bạn bè xấu tụ tập hút chích rất đều đặn. Có điều ” cái kim dấu trong bọc cũng có ngày loài ra”. Một lần tôi phát hiện anh lên cơn co giật, không có tiền để hút chích, anh về nhà lấy đồ đạc để mang đi bán thỏa mãn cơn ngiện. Bắt được anh đang sử dụng ma túy, hỏi ra thì anh mới nói lên sự thật là anh đã bị nghiện ngập từ lâu nhưng dấu vợ. Những ngày đó, 2 vợ chồng thường xuyên lục đục, vợ đòi li dị, đòi tự tử, trong nhà lúc nào cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” cứ diễn ra hết ngày này đến tháng khác”.


Năm 2003, với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Phan Thông, Đội trưởng đội phòng chống ma túy huyện Nghi Xuân, công với sự kiên trì của mình, Phương đã bắt đầu cuộc hành trình cai nghiện vô cùng khó khăn. Anh tâm sự: ” Những lúc không có tiền để hút chích, mình thấy quá nhục nhã. Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa giờ đã thành đạt. Thương vợ, thương con nên tôi đã cắn răng để cai nghiện cho bằng được với mong ước, một là chết, hai là phải cai nghiện bằng mọi giá”. Nói là làm, anh đi ra chợ mua khóa và một sợi dây xích to tướng rồi tự xích mình vào một căn phòng nhỏ. Ngày đầu tiền bị giam hãm, anh đã lên cơn co giật, mồ hôi chảy như nước mưa, miệng sủi bọt, chân tay vũng vẫy, máu chảy đầm đìa, có lúc không chịu nỗi thèm khát, anh còn đập đầu vào tường, miệng hét như người điên dại. Những lúc ấy, vợ và bà con hàng xóm lại đến động viên anh. Một ngày… 2 ngày… rồi 3 tháng trôi qua, anh vẫn làm bạn với sợi dây xích và căn phòng oi bức, những cơn đau vẫn hành hạ, những cuộc vật lận với sự sống vẫn không dừng lại. Hơn 3 tháng xiềng xích, anh đã phần nào lánh xa được ma túy. Nhưng khi được tự do, mỗi lúc thấy bạn bè rủ rê, anh lại bắt đầu thấy nhớ “nàng tiên nâu” đến mê mệt. Nhưng rồi với quyết tâm của mình, sự giúp đỡ của vợ, của chính quyền xã và huyện, anh Phương quyết tâm đi làm thuê đóng gạch táplô cho một người bác. Được sự giúp đỡ của bác, anh Phương dần dần đã quên đi ma túy.


Năm 2004, sau khi đã học được nghề đóng gạch từ người bác, vợ chồng anh đã vay ngân hàng mua máy trộn, máy đập, vật liệu… và thuê công nhân làm việc. Chỉ mấy năm sau, với sự tảo tần của người vợ, sự chăm chỉ của anh Phương, gia đình anh đã trả nợ được ngân hàng và xây được ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Không chỉ thoát khỏi ma túy, vươn lên làm giàu, mà anh Phương còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ ở quê hương mình. Hiện tại, gia đình anh có 4 công nhân làm việc ổn định với thu nhập gần 4 triệu đồng /tháng. Có thời điểm, công việc nhiều anh thuê từ 10 đến 20 người đến phụ giúp. Không những vậy, anh Phương còn ra tay cưu mang những mảnh đời lẫm lỡ một thời như mình, những người đã trót mang trong mình cơn nghiện ngập, giúp họ cả về vật chất lẫn tinh thần để tránh xa ma túy. Anh tâm sự: “Tôi thường lấy bản thân mình ra để làm gương cho những người đã lỡ nghiện ngập hãy cố gắng cai nghiện, để làm lại cuộc đời”. Chị Phạm Thị Lan, một công nhân làm việc cho anh Phương tâm sự: “Chồng mất, 3 đứa con còn nhỏ. Gia đình nghèo, có anh Phương tạo công ăn việc làm cho nên cuộc sống giờ cũng đã ổn định”.


Chia tay anh Phương, tôi vẫn nhớ cái cảnh vợ chồng anh và 2 đứa con trai đang hạnh phúc bên mâm cơm trưa. Thế mới biết, hạnh phúc đến với anh thật không bằng phẳng chút nào, mà nó phải đánh đổ bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là sinh mạng. Hạnh phúc với “Phương người dơi” chính là anh đã giúp được những người nghèo, những người lẫm lỡ một thời như anh tìm về con đường có ánh sáng phía trước.


Bài và ảnh: Đinh Tiến Giang

Nghi Xuân

  Từ khóa: HOÀN LƯƠNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP