Tin Hà Tĩnh

Nghị định 67 ở Hà Tĩnh: Tàu xa bờ 'mắc cạn'

Ngày 7/7/2014 Nghị định (NĐ) số 67/2014/NĐ-CP ra đời đã mở cánh cửa vươn ra biển lớn cho hàng chục nghìn ngư dân ven biển các tỉnh, thành trên cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.

NĐ này được kỳ vọng sẽ thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, gia tăng hiệu quả kinh tế cho đại bộ phận ngư dân, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm quyết liệt triển khai có thể nói NĐ67 đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, kết quả không đạt như kỳ vọng ban đầu.

Đi chuyến nào lỗ chuyến đó

Sinh ra và lớn lên nơi cửa biển Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), ngư dân Nguyễn Văn Lòng (SN 1960) - thôn Hoa Thành không được học hành đến nơi đến chốn như bạn bè cùng trang lứa khác. Điều kiện gia đình khó khăn buộc ông phải bỏ học giữa chừng, theo cha vươn khơi bám biển từ tuổi 13. Người xưa nói “trăm hay không bằng tay quen”, dù không được tiếp cận sách vở, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhưng chỉ sau mươi năm đi biển ông Lòng trở thành bậc thầy nghề câu ở vùng biển Cửa Sót. Năm 1980 ông lấy vợ rồi lần lượt sinh hạ 4 người con, 2 trai, 2 gái. Cha truyền con nối, 2 người con trai và 2 người con rể của ông cũng dựa vào biển để mưu sinh.

Ngư dân Nguyễn Văn Lòng cho biết, tàu của ông đi biển chuyến nào thua lỗ chuyến đó

Đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà đan lưới. Hàng chục năm trời, mấy chục miệng ăn trong gia đình ông Lòng nhìn vào chiếc tàu 12CV rồi nâng dần lên đến 250CV. Theo ông Lòng, thời gian đi tàu nhỏ, tuy đánh bắt ven bờ nhưng mỗi năm bình quân lợi nhuận một lao động cũng đạt trên dưới 70 triệu đồng. Đến năm 2014, khi Chính phủ khuyến khích ngư dân đóng tàu vỏ thép, vươn khơi tăng gia sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, ông bàn với con cái đăng ký vay vốn tham gia. “Năm 2015 tôi bắt đầu làm thủ tục đăng ký, đến đầu năm 2016 ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Hà Tĩnh (BIDV Hà Tĩnh) cho vay 12,707 tỷ đồng. Sau khi ngân hàng giải ngân, để có vốn đối ứng tôi vay tiếp ngân hàng NN-PTNT gần 700 triệu”, ông Lòng nói.

Sau hơn 6 tháng lặn lội ra tận Hải Phòng thuê đóng tàu, cuối năm 2016, con “ngựa sắt” hơn 800CV được hạ thủy trong niềm vui tột cùng của 5 cha con ông Lòng. Theo chia sẻ của ngư dân Lòng, chuyến vươn khơi đầu tiên ông thuê 10 lao động (2,3 triệu đồng/người/chuyến); đổ 2.000 lít dầu (giá dầu thời điểm đó khoảng 14.000đ/lít, tương đương 28 triệu đồng); mua sắm thức ăn, đá lạnh… tổng chi phí cho chuyến đầu tiên hết khoảng 70 triệu đồng. Sau 7 ngày khai thác trở về, tiền bán hải sản chỉ thu về 50 triệu đồng, lỗ 20 triệu đồng.

“Chuyến đầu tiên thua lỗ tôi không nản và chỉ nghĩ do mình chưa có kinh nghiệm trong vận hành tàu lớn. Nhưng 10 chuyến sau đó, dù đi gần bờ hay xa bờ, chuyến nào cũng hòa vốn hoặc lỗ nặng. Hoảng quá, tôi tính toán lại thì xác định lựa chọn nghề câu là sai lầm”, ông Lòng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, trước đây, ông đăng ký nghề câu truyền thống đã theo ông mấy chục năm vì nghĩ nghề rê hay dã cào lắm rủi ro. Tuy nhiên, thực tế nghề câu chỉ phù hợp với đánh bắt ven bờ, tàu công suất nhỏ. Còn khi vươn khơi, vận hành tàu lớn thì ngoài yếu tố kinh nghiệm còn phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác, trong khi nghề câu đòi hỏi nhiều lao động mà nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiện nên hiệu quả đánh bắt hạn chế.

Chiếc tàu vỏ thép hơn 800CV của ông Lòng “mắc cạn” đã hơn 6 tháng

Đầu năm 2017, ông Lòng làm đơn xin chuyển đổi nghề gửi các cơ quan chức năng, song đề nghị này không được chấp thuận. Để duy trì hoạt động của tàu, ông chuyển từ khai thác vùng khơi sang vùng lộng, sáng đi tối về hoặc tối hôm nay đi sáng hôm sau về; giảm lao động xuốg còn… 5 cha con. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không hiệu quả, chuyến nào vươn khơi cũng hòa vốn hoặc lỗ.

Vẫn chưa bỏ cuộc, chuyến biển đầu tiên năm 2018 ông bỏ ra 70 triệu đồng vươn ra khu vực Bạch Long Vĩ khai thác. 7 ngày sau cập bờ, tiền bán hải sản chỉ thu về được 30 triệu, lỗ 40 triệu. 4 chuyến biển tiếp theo ông triển khai trong vòng 3 tháng (từ tháng 1 đến tháng 4) nhưng lúc này giá dầu lên cao nên hiệu quả cũng chỉ ở mức đủ bù chi phí ban đầu. Khó khăn chồng chất khó khăn, đúng thời điểm này tàu đến hạn mua bảo hiểm nhưng vì không thể vay mượn thêm nên ông đành neo tàu nằm bờ.

Nợ ba bề bốn bên

Ngư dân Nguyễn Văn Lòng cho biết, tính đến nay tàu của ông đã “mắc cạn” hơn 6 tháng. Nếu ngân hàng không tạo điều kiện cho vay thêm tiền để chuyển đổi nghề thì ông chỉ còn nước trả lại tàu cho ngân hàng. Bởi, chi phí dự kiến để chuyển đổi từ nghề câu sang lưới rê ước hết khoảng 5 tỷ đồng, trong khi điều kiện kinh tế gia đình ông hoàn toàn không thể vay mượn thêm.

“Hiện tại ngoài số nợ gốc và lãi hơn 1,5 tỷ đồng của BIDV Hà Tĩnh tôi còn nợ ngân hàng NN-PTNT Hà Tĩnh hơn 500 triệu đồng và 200 triệu tiền phí ra vào cảng, tiền mua đá, mua dầu, mua ngư lưới cụ…”, ông Lòng thởi dài ngao ngán.

Văn bản của BIDV Hà Tĩnh đề nghị BIDV Việt Nam cho thu hồi tàu của hộ ông Lòng để bán đấu giá

Tàu nằm bờ đồng nghĩa 5 trụ cột trong gia đình ông Lòng thất nghiệp. Cậu con trai út của ông phải ly hương ra Bắc làm nghề cơ khí, một anh con trai và hai anh con rể còn lại đang tìm tàu bạn để xin làm thuyền viên.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho hay, hai năm nay tàu cá của hộ ông Lòng ra khơi rất ít nên hiệu quả kinh tế gần như không có. Đặc biệt là mấy tháng gần đây, tàu nằm bờ hoàn toàn, nợ nần bủa vây, lãi mẹ đẻ lãi con đến nỗi mấy triệu đồng tiền phí ra vào cảng chủ tàu cũng không có để đóng. Khốn đốn hơn là tình cảnh của ngân hàng BIDV Hà Tĩnh. Hầu như tuần nào cán bộ ngân hàng này cũng đến đề nghị BQL cảng phối hợp, hỗ trợ họ trong công tác thu hồi nợ, song nguồn thu của hộ ông Lòng hoàn toàn không có nên công tác thu nợ cũng “tiến thoái lưỡng nan”.

“Để giảm thiểu rủi ro trong công tác thu hồi nợ, BVID Hà Tĩnh đã đề nghị BIDV Việt Nam cho thu hồi tàu của hộ ông Nguyễn Văn Lòng để bán đấu giá”, một lãnh đạo BIDV Hà Tĩnh nói.

Trưởng cảng cá Xuân Hội, huyện Nghi Xuan, ông Đinh Sỹ Long thông tin, hiện 26 tàu khai thác xa bờ (trong đó có 6 tàu vỏ thép) neo đậu tại cảng Xuân Hội đang nợ tiền giá dịch vụ ra vào cảng hơn 150 triệu đồng. Việc nợ giá dịch vụ này không chỉ tạo tiền lệ xấu về ý thức chấp hành các quy định của Nhà nước của ngư dân mà còn gây khó khăn cho hoạt động của cảng cá.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh, trong tổng số 11 tàu ngân hàng thương mại đã cho vay theo Nghị định 67 thì 2 tàu vay vốn của Ngân hàng NN-PTNT Hà Tĩnh đang thực hiện trả nợ gốc và lãi theo đúng cam kết. Còn 9 tàu vay vốn của BIDV Hà Tĩnh thì cả 9 chiếc đều đã phát sinh nợ xấu.

Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP