Từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch là mùa rươi của người dân Hưng Nguyên. Mỗi tháng có 2 kỳ bắt rươi, mỗi kỳ diễn ra khoảng 3 – 4 ngày. Ban đêm, ngoài ruộng vui hơn ở nhà. Khắp nơi, đèn pin lấp lánh như sao. Hưng Nhân là trong những xã nhiều rươi nhất ở Hưng Nguyên. |
Khi nước triều đã lên đỉnh trên ruộng rươi, người dân mang lưới, xô, chậu, vợt… ra ruộng bắt rươi. Trong ảnh, người dân ở xóm 1, xã Hưng Nhân, ra đồng bắt rươi lúc 1 giờ sáng. |
Trước kia, khi rươi chưa “có giá”, mọi người đi bắt rươi tự do, nay ruộng nhà nào, nhà đó bắt. Lưới có thể được giăng sẵn từ trước, khi nước sông dâng vào ruộng thì chỉ việc đi dém lưới để khỏi rươi ra. |
Nếu ruộng rươi có 1 góc trũng để thoát nước thì có thể dùng lưới trủ để hứng rươi. Cách bắt rươi bằng lưới trủ ra đời cách nay khoảng chục năm, là cách bắt rươi tốn ít công sức nhất |
Sau khi giăng lưới, chủ nhân chỉ việc ngồi trên bờ chờ đợi nước ra, rươi sẽ chạy theo nước mà chui vào lưới. |
Đang mùa rươi nhiều, chỉ sau 10 – 15 phút người dân lại mở đuôi trủ để đổ rươi , mỗi lần như vậy thường được từ 1- 2 kg. |
Nếu ruộng nhà nào không có bờ ngăn thì phải đội đèn pin, cầm vợt đi vớt rươi trên ruộng, cách này tốn công nhất. Công việc bắt rươi không chỉ phải thức đêm, mà phần lớn phải làm trong những ngày mưa dầm, gió rét |
Cả gia đình cùng theo dõi con nước lên, xuống để bắt rươi |
Nhiều em bé cũng thức cả đêm để bắt rươi cùng gia đình. Nhiệm vụ chính của các bé là canh trủ rươi, đổ lấy rươi và phòng mất trộm |
Sau khi đổ rươi, mọi người thường loại ngay cá, cua, rác dưới ánh đèn pin |
Sau đó, rươi được đổ vào 1 cái rổ nhựa mắt thưa, để cho rươi tự chui xuống xô, loại bỏ rác bẩn |
Khi trời chưa sáng rõ, mọi người cuốn lưới ra về, phấn khởi với số rươi vừa bắt được. Tùy vào loại ruộng, con nước, hên xui…mà ‘lộc trời” được nhiều hay ít. Nếu được mùa, cả vụ rươi cũng bắt được khoảng 20 kg/sào. Nhà nào trúng vụ, mỗi năm cũng kiếm được vài tạ rươi. |
Mùa rươi, lái buôn thường có mặt ngay trên ruộng để mua rươi cho bà con. Những năm qua, rươi là món hàng đắt khách, cung không đáp ứng nổi cầu, giá giao động từ 450 000 – 500 000 đ/kg. Rươi đang đem lại niềm vui cho bà con nông dân nhiều xã ven sông ở Hưng Nguyên. |
Huy Thư