Những ngày cuối tháng ba, chúng tôi có dịp về thăm làng nón Kỳ Thư, được nghe các cụ bà kể giai thoại làng nón Đan Du và cùng với những người nông dân thuần phác trải nghiệm nghề làm nón.
Nón lá Đan Du |
Chị Lê Thị Thúy Nga – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kỳ Thư cho biết: Dân làng Đan Du còn phát triển thêm nghề làm nón để tạo dựng cuộc sống cho gia đình và nón lá Kỳ Thư được khách thập phương biết đến như một thứ hàng hóa truyền thống nổi tiếng. Ngày nay, nghề nón ở Kỳ Thư không được rộn ràng như xưa nhưng nhiều gia đình thuần nông vẫn đang duy trì nghề để tăng thêm thu nhập. Sản phẩm nón lá Kỳ Thư vẫn đi khắp muôn phương. Đặc biệt, không chỉ để che nắng, che mưa, nón lá Kỳ Thư còn được các cô dâu mang theo khi về nhà chồng. Hình ảnh người phụ nữ thướt tha, đằm thắm trong tà áo dài với chiếc nón lá thơ mộng không bao giờ phai trong tâm thức mỗi người.
Cuối chiều, làng Đan Du như đẹp hơn bởi những sợi nắng mỏng tang, vàng óng lan tỏa khắp cánh đồng bát ngát lúa xuân thì con gái. Ngay từ đầu cổng làng, chúng tôi đã thấy các thôn nữ và các bà, các chị quây quần bên nhau thành từng nhóm, kẻ lên khuôn, người chăm chú luồn kim may nón với những tiếng cười nói râm ran. Bác Võ Thị Ngoãn (65 tuổi), chia sẻ: Chẳng biết nghề may nón lá được hình thành ở làng Đan Du này từ lúc nào, nhưng khi bà còn nhỏ, đã thấy cả làng làm nón. Trong nhà bà có đến 5 chị em cả gái lẫn trai, ai cũng biết may nón từ khi mới 5 tuổi. Ngoài làm nông, nghề làm nón rất nhẹ nhàng và đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho gia đình. Theo bà, chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, nếu cả nhà cùng may sẽ hoàn thành được 5 chiếc, giá 35-50.000 đồng/chiếc, trừ chi phí cũng thu gần trăm ngàn đồng.
Tuy nhiên, để làm được một chiếc nón phải qua nhiều công đoạn, từ mua sắm, sơ chế nguyên liệu, lên khuôn, may và hoàn thiện. Nguyên liệu làm nón chủ yếu là tre, đùng đình, sợi vọt, chỉ khâu. Thông thường lá nón (lá đọt) được lấy từ rừng về có thể luộc qua hoặc vò bằng chân cho nhũn, đem phơi nắng thật khô, lá càng được nắng càng trắng, sau đó lại ủi cho thật phẳng. Tre và đùng đình được chẻ, vót tròn rồi uốn thành từng vành trước khi bó lại để phơi nắng rồi đưa lên khuôn. Chỉ khâu thường dùng bằng sợi của bẹ móc lấy ở rừng hoặc cước. Mỗi chiếc nón được kết 3 lớp lá và từ 13-15 vành cả tre và đùng đình được vào khuôn theo thứ tự nhỏ dần. Nón được may dùng cho lao động, sản xuất thì vành cứng, thô hơn, còn nón cưới có vành thanh hơn và được chèn một số loại tranh vẽ hoa, cảnh xuyên sáng được đặt ở lớp lá giữa. Nón may xong được quét phủ thêm một lớp dầu bóng rất đẹp.
Trước đây, làng Đan Du chuyên may nón cưới và nón lá Kỳ Thư không chỉ phục vụ khách trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh bạn và ra cả nước ngoài. Kỳ Thư từng nổi danh có nhiều cô gái xinh đẹp, hát hay, may giỏi làm say đắm biết bao chàng trai. Nghề làm nón lá được hình thành như một nét đặc trưng của xứ Đan Du. Con gái Đan Du đã biết thổi hồn quê vào chiếc nón lá để những tao nhân, mặc khách khi đến với làng nón đã không nén nổi cảm xúc: Bàn tay em mềm mại dây tơ/ Khâu chìm nổi quanh bờ nón trắng/ Cho tôi thấy hiện trên khuôn trời mỏng/ Nét dịu dàng con gái Đan Du.
Bà Võ Thị Thế tuy đã 75 tuổi nhưng đường kim, mũi chỉ vẫn còn thoăn thoắt, lớp gái trẻ trong làng khó mà sánh kịp. Bà tâm sự: Ở Kỳ Thư, không chỉ phụ nữ mà ngay cả đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung và chằm nón. Tuổi tác đã cao nhưng bà vẫn không muốn rời khỏi cái khuôn nón vì đó là niềm đam mê của người kẻ Dua vốn đã được dòng tộc duy trì từ bao đời nay. Làm nón để giữ lại những nét đẹp truyền thống của làng nghề trong thời buổi cạnh tranh của kinh tế thị trường cũng là một niềm tự hào chính đáng. Như mạch nước ngầm ngàn đời tuôn chảy, làng nghề truyền thống luôn mang một biểu tượng văn hóa bền bỉ, đậm đà bản sắc riêng.
Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng rất đơn giản nhưng chứa đựng sự vất vả, kỳ công, khéo léo của những đôi bàn tay chân chất. Nét riêng của nón Kỳ Thư rất dễ nhận biết, thanh mảnh và nhẹ nhàng, được kết hợp với những khuôn hình vẽ các loài hoa và danh thắng Việt Nam, vừa đẹp, vừa bền, được nhiều người ưa thích. Theo tục lệ truyền thống trước đây, người con gái đi lấy chồng đã mang nghề đi theo và cứ thế, thương hiệu nón lá Kỳ Thư lan tỏa khắp các nẻo đường và trở nên gần gũi, thân quen trong cuộc sống thường nhật.
Trao đổi với chúng tôi, đa số những người dân làng nón Kỳ Thư đều có chung một tâm trạng là sợ các thế hệ con cháu Đan Du sau này sẽ lãng quên nghề. Vì hiện nay, cũng như nhiều làng nón khác, sản phẩm nón lá Kỳ Thư hầu như chưa có đầu ra. Thiết nghĩ, cùng với việc đa dạng các ngành nghề để phát triển kinh tế, cần phải có một đề án để bảo vệ nét đẹp của một làng nghề truyền thống, vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa phát huy được nét đẹp nghề truyền thống của làng quê Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
Quang Sáng