Tài xế Lê Ngọc Hoàng tại phiên xử phúc thẩm mới đây (Ảnh: CTV) |
Được biết, Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán cùng sự tham gia của Kiểm sát viên của VKSND Cấp cao. Đến nay, vụ án đã trải qua 8 lần xét xử cấp sơ thẩm, 4 phiên cấp phúc thẩm. Tại phiên toà phúc thẩm mở đầu tháng 11 vừa qua, TAND tỉnh Thái Nguyên tuyên bản án 6 năm tù cho anh Lê Ngọc Hoàng (33 tuổi, tài xế xe container) và 9 năm tù cho anh Ngô Văn Sơn (40 tuổi, tài xế xe Innova).
Ngay sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng bản án chưa đảm bảo tính khách quan, công bằng và còn nhiều thông tin gây tranh cãi.
Theo kháng nghị giám đốc thẩm ngày 21/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cơ quan công an điều tra lại.
TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đã chỉ ra hàng loạt vấn đề chưa được làm rõ cần phải điều tra, xác minh thêm. Trong đó, cần xác định khoảng cách giữa 2 xe còn bao nhiêu mét thì tài xế Hoàng mới rà phanh, định chuyển làn đường? Xác định điểm va chạm đầu tiên của xe container và xe ô tô Innova trên sơ đồ hiện trường.
Bên cạnh đó, cần làm rõ tốc độ lùi của xe Innova, xác định khi xe Innova bắt đầu lùi thì ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường và lùi được bao nhiêu thời gian thì bị đâm? Khi bị đâm xe Innova đang ở làn đường nào?
Quyết định kháng nghị cũng chỉ ra rằng, cần làm rõ tại thời điểm xe container mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình thì xe đang ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường? Nguyên nhân mất tín hiệu của thiết bị giám sát hành trình là gì? Có phải khi thiết bị mất nguồn điện thì dữ liệu thể hiện mặc định là bằng 0 km/h?...
Văn bản kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị huỷ án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung. |
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, sau khi TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thì Uỷ ban Thẩm phán của TAND Cấp cao tại Hà Nội xử giám đốc thẩm.
“Uỷ ban Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị”- ông Tuệ nói và cho biết, nếu Uỷ ban Thẩm phán chấp thuận kháng nghị huỷ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm thì sẽ giao Công an tỉnh Thái Nguyên điều tra bổ sung vụ án này. Khi có kết luận điều tra bổ sung thì toà án sẽ tiến hành xét xử lại vụ án theo trình tự sơ thẩm.
Theo quy định tại Điều 370 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Tác giả: Nguyễn Trường - Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí