Giáo dục - Đào tạo

Ngày hội nghề nghiệp: Sinh viên đến nhận quà, nghe hát rồi… về

3 trong số 6 sinh viên đến tham gia hội thảo “Làm việc hiệu quả trong môi trường chuyên nghiệp” được tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM mới đây

3 trong số 6 sinh viên đến tham gia hội thảo "Làm việc hiệu quả trong môi trường chuyên nghiệp” được tổ chức tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM mới đây /// Ảnh: T.A

Có 40 gian hàng của các doanh nghiệp với toàn giám đốc nhân sự, trưởng phòng ngồi cả ngày đợi sinh viên nhưng chỉ lèo tèo vài bạn quan tâm. Số còn lại thì chen chân xếp hàng để đợi nhận quà tặng! Nhận quà xong thì ra bãi xe lấy xe đi về…
Trong một chương trình mang tên Tuần lễ vàng của một trường ĐH tổ chức dành cho sinh viên với nhiều hoạt động như gặp gỡ các nhà tuyển dụng, phỏng vấn thực tập, việc làm…, mặc dù sinh viên đăng ký tham gia rất đông, thế nhưng chỉ khoảng 20% có mặt.
Mắc cỡ với doanh nghiệp
Bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Quan hệ Công chúng và Doanh nghiệp, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm doanh nghiệp và mời doanh nghiệp về trường để phỏng vấn tuyển dụng sinh viên (SV) rất khó. Nhưng trước khi sự kiện diễn ra, số lượng SV tình nguyện đăng ký tham gia gặp gỡ mỗi doanh nghiệp là khoảng trên 50 bạn, có doanh nghiệp được hơn 200 bạn. Gần đến ngày phỏng vấn, ban tổ chức tiếp tục gửi thư nhắc, gọi điện nhắc nhưng con số xác nhận đến dự chỉ khoảng dưới 30% và con số thực sự đến dự còn thấp hơn nhiều. Ban tổ chức đã phải hủy 4 công ty”.
Cụ thể, tại hội thảo với chủ đề “Hãy để cho kỳ thực tập 2016 của bạn được tỏa sáng”, số lượng SV đăng ký tham gia là 82, số đến dự theo danh sách 30. Tại buổi phỏng vấn của Công ty C. chỉ có 12 SV tới trong khi đăng ký là 53, Công ty T.l có 113 SV đăng ký trong khi số đến thực tế là 41.
Chúng tôi rất mắc cỡ với các doanh nghiệp khi số lượng SV đăng ký và số SV thực đến quá chênh lệch. Vẫn biết con số tuyển dụng của mỗi công ty chỉ vào khoảng 10 – 15 hoặc ít hơn, nhưng nếu SV không tiếp xúc làm sao biết nhà tuyển dụng cần gì ở bạn, bạn đã đáp ứng được những gì mà nhà tuyển dụng yêu cầu để có thể chuẩn bị tốt hơn cho quá trình xin việc sau này? Và thật tiếc khi bạn đã tự tước đi cơ hội cạnh tranh của chính mình”, bà Tuyết nhận định.
Tương tự, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam tổ chức một buổi hội thảo với nội dung “Làm việc hiệu quả trong môi trường chuyên nghiệp” tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Hội thảo nhằm giúp cho SV năm 3, 4 hoặc đã tốt nghiệp hiểu đúng về môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó rút ra những vấn đề để tự đào tạo phát triển và thành công khi làm việc. Mặc dù trước đó, ông Tuấn Anh và các cộng sự đã có gần 3 tuần đăng thông tin, quay các clip, phát trên website, Youtube, Facebook và bảng điện tử tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, nhưng khi hội thảo diễn ra, ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 SV có mặt trong hội trường 200 chỗ, một lúc sau có thêm 3 SV tới. Mặc dù vậy, vị diễn giả này cùng các cộng sự đã dời tới một căn phòng nhỏ hơn và vẫn thực hiện đúng các nội dung đã chuẩn bị.
Chỉ 5% SV thực sự nghiêm túc với tương lai nghề nghiệp
Đại diện nhiều trường ĐH xác nhận, đúng là có chuyện SV rất thờ ơ trước những hoạt động của trường hoặc bên ngoài ngay cả khi những hoạt động đó mang đến cho mình những thông tin bổ ích, những cơ hội nghề nghiệp. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhận định: “Nhà trường thường rất nỗ lực tổ chức nhiều sự kiện để tạo điều kiện cho SV tiếp xúc với doanh nghiệp, học tập kỹ năng, kinh nghiệm làm việc nhưng phần lớn SV không quan tâm, không hào hứng. Ngay cả lịch học, lịch thi, kế hoạch học tập hoặc những thông báo của khoa, của trường được đưa ra trước cả năm mà nhiều bạn cũng không chịu đọc hoặc tìm hiểu. Để rồi cuối cùng xảy ra chuyện gì mới lại thắc mắc. Do các em còn quá thụ động và không nhận thức được tầm quan trọng của những hoạt động đó đối với quá trình xin việc, làm việc sau này”.
Ông Nguyễn Hà Tiên, giảng viên Trường ĐH Tài chính – Markering,cũng cho rằng, chỉ rất ít SV thực sự ham học hỏi, nghiêm túc với các kế hoạch học tập, kế hoạch làm chủ tương lai của mình. Ông cho biết: “Khi trường tổ chức các hội thảo, hoặc sự kiện gần đây nhất là Cộng đồng ASEAN thành lập, trường cũng mang đến những thông tin giúp SV chuẩn bị cho quá trình hội nhập, nhưng phần lớn các em không tham gia”.
Thế nhưng, tại những sự kiện tương tự được tổ chức có quà tặng hấp dẫn, có ca sĩ trẻ hát, thì SV lại chen chân đến rất sớm. Ông Vũ Tuấn Anh kể lại: “Trong rất nhiều ngày hội nghề nghiệp mà tôi tham gia, tình trạng chung là SV chưa thực sự quan tâm dù đó là cơ hội lớn cho mình. Tại một ngày hội việc làm diễn ra ở một trường ĐH lớn, có 40 gian hàng của các doanh nghiệp với toàn giám đốc nhân sự, trưởng phòng ngồi cả ngày đợi SV đến hỏi nhưng chỉ lèo tèo vài bạn quan tâm. Số còn lại thì chen chân xếp hàng để đợi nhận quà tặng! Nhận quà xong thì ra bãi xe lấy xe đi về. Bình thường một SV đâu dễ gì gặp được những vị giám đốc của doanh nghiệp để trò chuyện, nhưng khi tạo cơ hội cho các bạn gặp, thì các bạn lại bỏ qua”.
Theo ông Tuấn Anh, trong suốt nhiều năm tổ chức các buổi hội thảo, khóa học miễn phí cho SV, thì chỉ có khoảng 5% SV thực sự nghiêm túc học tập, học hỏi để chuẩn bị hành trang cho tương lai nghề nghiệp.
Thạc sĩ Hồ Thị Ánh Tuyết cũng thừa nhận, vì lo sợ không có ai tới nên ban tổ chức một số sự kiện dành cho SV thường thu hút bằng việc tặng quà, mời nghệ sĩ tới biểu diễn. “Tuy nhiên đến nhận quà xong, nghe hát xong thì các bạn về, đâu cần biết hội thảo đang nói về vấn đề gì? Cách tổ chức như vậy không mang đến hiệu quả thực sự. Thật đáng lo ngại khi rất nhiều SV có nhận thức lệch lạc như vậy”, bà Tuyết chia sẻ.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, việc thờ ơ với các cơ hội học hỏi, lười tham gia những sự kiện thiết thực cho nghề nghiệp, chính là một phần nguyên nhân khiến SV thất nghiệp.

Mỹ Quyên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP