Trong nước

Ngày càng nhiều cán bộ “một dạ, hai vâng” ham muốn làm lãnh đạo!

Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều là câu hỏi của đại biểu khiến Bộ trưởng Nội vụ “than” khó khi trả lời.

Ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề “nóng” như “lạm phát” cấp phó, bộ máy cồng kềnh và tinh giản biên chế, vấn đề tăng lương được các đại biểu đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Nội cho biết, nhiều Bộ muốn có nhiều Thứ trưởng
Bộ trưởng Bộ Nội cho biết, nhiều Bộ muốn có nhiều Thứ trưởng

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu ra vấn đề vừa qua cử tri cả nước rất bức xúc trước thông tin thi tuyển công chức ở Bộ Công thương. “Được biết tháng 8 vừa qua Bộ Nội vụ đã ra quyết định thanh tra toàn diện việc thi tuyển công chức và quản lý biên chế tại Bộ Công thương (thời gian thanh tra 45 ngày). Với tư cách là người giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công chức, xin Bộ trưởng cho biết, kết quả thanh tra như thế nào? Nếu có sai phạm thì đã xử lý được bao nhiêu cán bộ. Tôi cũng xin chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Công thương”, đại biểu Xuân nói.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu ra vấn đề cử tri rất nhiều lần phản ánh “lạm phát” cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. “Đó là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả lãng phí, không đúng quy định của Chính phủ về số lượng cấp phó. Vậy xin đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và giải pháp tới đây thế nào?”, đại biểu Bùi Thị An đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm rõ.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dư luận phản ánh hiện nay có tình trạng những người có năng lực không vào khu vực nhà nước và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước, chính điều này làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Đại biểu cũng hỏi Bộ trưởng Bình, vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. “Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng. Vậy xin hỏi Bộ trưởng nguyên nhân do đâu và giải pháp đột phá để tham mưu cho Đảng và Nhà nước khắc phục tình trạng này”, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, trong quá trình tổ chức thi, như đại biểu phản ánh có một số đơn vị có tiêu cực. Với chức năng Bộ Nội vụ đã xuống một số nơi để kiểm tra và đề nghị một số địa phương có sai sót khắc phục sửa đổi. Một số địa phương, đơn vị có xử lý, kỷ luật một số trường hợp vi phạm.

“Riêng đối với Bộ Công thương, chúng tôi lấy mốc thanh tra từ đầu nhiệm kỳ đến nay do đó công việc nhiều nên thời gian kết thúc thanh tra cũng đang hoàn thành để có trao đổi sớm nhất”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói.

Đại biểu Bùi Thị An nêu vấn đề lạm phát Thứ trưởng
Đại biểu Bùi Thị An nêu vấn đề “lạm phát” Thứ trưởng

Vấn đề đại biểu Bùi Thị An nêu ra được ông Nguyễn Thái Bình trả lời khá chi tiết. Theo ông Bình, cấp Thứ trưởng ở các Bộ đã có quy định rõ nhưng quy định không cứng. Theo đó, 1 Bộ, cơ quan ngang bộ có 4 Thứ trưởng, nếu muốn tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền quyết định theo đề xuất của các bộ. Chính vì vậy có nhiều ý kiến phản ảnh xung quanh về số lượng Thứ trưởng.

Ông Bình cho biết, do còn có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này nên Thủ tướng cũng có chỉ đạo, Bộ Nội vụ cũng có nhiều lần đề nghị với số Thứ trưởng nên quy định “cứng” chứ không quy định “mềm” nữa. Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Nội vụ đưa ra thảo luận, rồi bỏ phiếu nhưng không lần nào quá bán. Chính vì vậy, Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phải thảo luận với các bộ, thế nhưng Bộ Nội vụ đề nghị số lượng Thứ trưởng ít, còn các Bộ đề nghị số lượng nhiều nên quan điểm không gặp được nhau.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng nên có quy định “cứng” để tạo điều kiện thống nhất, không để tình trạng này kéo dài. Bây giờ đang hoàn thiện sửa đổi để quy định Bộ nào mấy Thứ trưởng thì quy định cho rõ, sau này không có sự bàn cãi. Còn tất cả chức danh cấp phó còn lại đều quy định “cứng” cả rồi nhưng trong thực tế cuộc sống không theo quy định đó”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng thống nhất với các đại biểu về việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí, không được sự đồng thuận trong xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, được ông Bình chỉ rõ, là do sức ép công việc quá nặng nề cần phải có người trực tiếp xử lý, do đặc thù của một số ngành cần phải có cán bộ thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao… Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan quá nhiều cấp phó nhưng không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là do bổ nhiệm vì lý do nào đó.

Giải pháp cho vấn đề này được ông Bình cho biết, sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra nếu có sai thì kiến nghị xử lý. Còn nếu chức danh, chức vụ có quy định cứng rồi nếu vượt phải đề nghị ngành đó phải điều chỉnh. Còn giải pháp mạnh mẽ hơn thì các ngành phải ngồi lại với nhau để bàn đưa ra số lượng cấp phó phù hợp.

Ông Nguyễn Thái Bình thừa nhận câu hỏi của Đại biểu Đỗ Văn Đương rất khó. Đại biểu nêu ra vấn đề người có năng lực thì ra khỏi cơ quan nhà nước trong khi đó vẫn thiếu cán bộ tâm huyết với nghề nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, được ông Bình cho biết, là do sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm, chế độ tiền lương; ngoài ra chế độ tuyển đầu vào cũng chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.

Giải pháp cho vấn đề này được ông Bình cho biết, sẽ đổi mới cơ chế đánh giá như cấp trên đánh giá cấp dưới, trọng dụng người có tài năng làm được việc. Bộ Nội vụ cũng được Chính phủ xây dựng đề án tạo nguồn nhân lực. Bộ này cũng đang xây dựng nghị định trọng dụng nhân tài. Về những người không có năng lực, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.

Quang Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP