Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói về công tác nhân sự. CLIP: Văn Duẩn
Chiều 20-10, tại Nhà Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội có xem xét bầu chức danh Chủ tịch nước hay không, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết đầu giờ sáng mai 21-10, tại phiên họp trù bị, sẽ trình Quốc hội về chương trình kỳ họp và xem xét thông qua chương trình kỳ họp, trong đó có chủ trương về công tác nhân sự.
Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết theo chương trình kỳ họp dự kiến, tại ngày làm việc đầu tiên (ngày 21-10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự đối với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
"Quy trình sẽ theo nguyên tắc đảng cử, dân bầu. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) đã thống nhất biểu quyết giới thiệu nhân sự để trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cụ thể hóa các quy định của Đảng" - bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, giới thiệu tóm tắt dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 8, ông Vũ Minh Tuấn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết Kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21-10, dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30-11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp thứ 8 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21-10 đến hết ngày 13-11; Đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng ngày 30-11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy. Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.
Theo ông Vũ Minh Tuấn, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH và một số vấn đề quan trọng khác.
Tác giả: Văn Duẩn
Nguồn tin: Báo Người Lao Động