Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Ngân hàng “tỉnh lẻ” lo đầu vào cao, đầu ra thấp

Theo lãnh đạo các NHTM trên địa bàn các tỉnh thì tiền gửi huy động tăng là tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy nguồn dự trữ trong dân rất tốt và tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn. Và các NH đều hiểu phải nhanh chóng tìm đầu ra cho đồng vốn. Song việc này không đơn giản.

Nếu như trước đây, các NH thường phải điều hòa vốn từ trung ương về các chi nhánh thì nay, ngay tại các tỉnh, thành phố nhỏ đã có tốc độ tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng. Không những thế, các khoản cho vay tại địa phương thường nhỏ lẻ với lãi suất ưu đãi, càng làm tăng áp lực dư vốn lên hệ thống NH địa phương. Thống kê từ NHNN chi nhánh các tỉnh cho thấy, áp lực này đang tăng dần ở nhiều địa phương.


NH địa phương có tốc độ tăng trưởng huy động cao hơn tăng trưởng tín dụng

Ví dụ, tại Hà Tĩnh, tổng nguồn vốn huy động và quản lý tại địa bàn đạt 25.916 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 2013, trong khi đó, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 21.534 tỷ đồng, tăng 7,22%. Tại Thái Bình: Tổng nguồn vốn huy động năm 2014 đạt 26.675 tỷ đồng, tăng 23,4% so cuối năm 2013. Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 27.750 tỷ đồng, tăng 6,1% so 31/12/2013. Còn theo số liệu của NHNN Chi nhánh Hải Dương, tổng nguồn vốn huy động đạt 47.895 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cuối năm 2013, nhưng tổng dư nợ chỉ đạt 38.912 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm 2013.

Mặc dù lãi suất huy động đã được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, nhưng kênh gửi tiền tiết kiệm vẫn thu hút được khách hàng. Đặc biệt, 2014 là năm có tiền gửi từ dân cư tăng khá mạnh. Chẳng hạn như trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, tiền gửi từ khu vực dân cư tăng 19,25%. Bên cạnh đó, báo cáo từ các tỉnh, thành phố cho thấy người dân cũng chuyển từ gửi tiết kiệm các kỳ hạn ngắn sang dài ngày càng nhiều. Ví dụ, tại địa bàn tỉnh Hải Dương, tiền gửi trên 12 tháng đã tăng đến 62,5%.

Theo lãnh đạo các NHTM trên địa bàn các tỉnh thì tiền gửi huy động tăng là tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy nguồn dự trữ trong dân rất tốt và tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn. Và các NH đều hiểu phải nhanh chóng tìm đầu ra cho đồng vốn. Song việc này không đơn giản.

Lãnh đạo NHNN chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: Do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách năm 2014 của Hà Tĩnh lớn, bên cạnh đó tỉnh cũng đã chỉ đạo tốt công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt tỷ lệ cao, cộng với cơ chế tạm ứng nguồn vốn ngân sách để thi công tăng lên (theo chỉ đạo của Chính phủ về mức tạm ứng tối đa là 30% kế hoạch năm và 50% giá trị hợp đồng), vì vậy các DN thi công có hướng tăng sử dụng nguồn vốn tạm ứng và nguồn vốn thanh toán từ dự án. Yếu tố này cũng tác động đến mức tăng dư nợ tín dụng.

Bên cạnh đó, do các quy định của pháp luật về điều kiện vay vốn không thay đổi, trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn khó khăn, việc các DN đáp ứng tất cả các điều kiện vay vốn là rất khó thỏa mãn. Do biến động của thị trường, do các yếu tố khách quan tác động nên tính hiệu quả, tính khả thi của nhiều dự án, phương án sản xuất không cao, để bảo toàn vốn các TCTD thường yêu cầu vay có tài sản đảm bảo, càng làm cho DN gặp thêm khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng.

Ông Phùng Tuấn Kiệt – Giám đốc Agribank Hải Dương cho biết, với nguồn huy động vẫn đang tốt, trong năm 2015 đơn vị sẽ phải nỗ lực để đẩy vốn ra nền kinh tế. Theo ông Kiệt, bên cạnh việc NH phải đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng thì việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định 41 sửa đổi sẽ giúp mở rộng tiếp cận vốn vay cho người nông dân, qua đó giúp tín dụng của NH cũng tăng. Ngoài ra, các NH phải nỗ lực tìm kiếm cho vay các dự án trung và dài hạn. Bởi cho vay trung và dài hạn sẽ giúp cho dư nợ tăng trưởng ổn định. Cùng với đó, việc các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc cấp sổ hồng, sổ đỏ cho người dân làm tài sản bảo đảm tiếp cận vốn vay NH sẽ giúp cho tín dụng tăng.

Ông Trần Hữu Cần, Phó giám đốc NHNN Hà Tĩnh cho biết, để đẩy mạnh cho vay nền kinh tế, năm 2015 ngành NH trên địa bàn tiếp tục phối hợp với các ngành, Hội DN Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động tọa đàm, đối thoại, kết nối giữa NH – DN theo Kế hoạch số 364/KH-UBND ngày 10/9/2014. Chỉ đạo các NHTM thực hiện các giải pháp như: chủ động trong việc tiếp cận các DN, các hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh khác để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và mở rộng việc đầu tư tín dụng có hiệu quả, với lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh gọn. Có giải pháp để tiếp tục phát huy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tín dụng trong việc tìm giải pháp có hiệu quả, có trách nhiệm cao để xử lý linh hoạt, năng động các yêu cầu về điều kiện, về thủ tục trong cho vay.

Đức Nghiêm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP