Chia sẻ trên diễn đàn của giáo viên một cô giáo trẻ tại Quảng Bình đã khiến bao người phải ngậm ngùi như được chứng kiến tận mắt sự vất vả, yêu thương học sinh hết mực của những giáo viên mầm non.
Dòng nhật ký được viết vào ngày 8/9 vừa qua và hiện đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận bày tỏ sự đồng cảm với giáo viên này.
Nguyên văn dòng nhật ký như sau:
Bây giờ là 12h45p. Các con vẫn đang ngủ, thi thoảng một vài tiếng nấc nhẹ vang lên "Mẹ ơi, huhu" khiến cô giật mình chạy đến vỗ về.
Hôm nay đã là ngày thứ 3 các con ở bán trú tại trường. Mặc dù đã xác định rằng, việc khóc lóc, la hét sẽ rất nhiều, sẽ mệt lắm, nhưng sao vẫn cứ xót như thế này? Từ nãy đến giờ cô vẫn chưa được ăn trưa. Đơn giản chỉ vì chẳng dám bỏ các con ở lại lớp một mình để đi ăn.
Cô cùng lớp có con nhỏ nên phải về cho em ti, một mình cô ở lại. Với 34 đứa trẻ đang ngủ. Giấc ngủ chập chờn vì nhớ Mẹ, nhớ Ba, vì cảm giác lạ lẫm, tủi thân khi không có người thân bên cạnh.
"Lại chạy đến bế Tí lên và đưa sang chỗ bạn Mưa, vừa vỗ về bạn này, vừa động viên bạn khác". |
Không gian đang yên ắng, bỗng tiếng bạn Mưa hét lên: "Mẹ đâu rồi? Huhuuuu... ". Vội vã đặt bạn Gia Tuấn xuống chiếu, cô vội chạy sang dỗ bạn Mưa, nhẹ nhàng trò chuyện và an ủi. Bạn Mưa chưa kịp nín, lại tiếng nức nở của Tí vang lên. Lại chạy đến bế Tí lên và đưa sang chỗ bạn Mưa, vừa vỗ về bạn này, vừa động viên bạn khác.
Cô lớp bên cạnh thấy ồn, chạy sao bảo nhỏ: "Sao lớp khóc nhiều vậy cháu? Đã ăn uống gì chưa? Tranh thủ ngủ đi không chiều lại mệt đó!". Cô chỉ mỉm cười, trả lời khe khẽ các câu hỏi, chẳng dám nói to, sợ các con tỉnh giấc.
Lớp lại trở về không gian yên ắng. Bỗng tiếng thút thít của bạn Xoài, cô vội vàng chạy đến, khẽ hỏi: "Sao vậy con?" Bạn lại khóc thút thít. Cô hoảng sợ vội sờ trán, xoa bụng. Sao nóng thế này? Mình phải làm gì đây?
Vội vã đi lấy thuốc, rồi pha, rồi mang sang cho bạn uống. Bạn lại ngoan, lại nín khóc. Cô ôm bạn suốt buổi trưa, thỉnh thoảng lại sờ trán bạn. Trán đã bình thường, cô thở phào nhẹ nhõm...
Cứ như thế, hết bạn này đến bạn khác. Cơm cô chẳng kịp ăn, ngủ cũng chẳng kịp giấc, chỉ cầu mong các con ngủ ngoan, yên giấc đến chiều.
Nhiều người cứ bảo, làm giáo viên mầm non có gì đâu vất vả. Suốt ngày nhảy múa hát ca, nói chuyện phiếm với sắp nhỏ. Những lúc như thế, cô buồn lắm. Cô buồn vì người ta chẳng biết đến sự vất vả của cô. Cô buồn vì đâu đó trong xã hội này, nhiều người nghĩ, nghề mà cô đang chọn, nó nhẹ nhàng lắm, thư thái lắm.
Nhiều bạn hỏi cô: "Đã bao giờ muốn bỏ nghề chưa? Thấy yêu trẻ con như vậy, chắc chẳng bỏ nghề đâu ha!". Thật sự là đã có lúc cô muốn bỏ nghề, bỏ đi cái công việc quá đỗi vất vả như thế này.
Cô, một cô gái 25 tuổi, chưa từng làm mẹ, thậm chí làm vợ, cô cũng chưa từng. Đứng trước sự vất vả của công việc, áp lực bài giảng, giáo án, áp lực đảm bảo an toàn cho hơn 30 đứa trẻ, chăm lo từng giấc ngủ, bữa cơm, áp lực sổ sách, giấy tờ, áp lực phụ huynh, áp lực từ chính đồng nghiệp, thử hỏi, sao có thể đủ sức chống chọi?
Đã có lúc cô nghĩ rằng, hay là bỏ đi! Tìm một công việc khác nhẹ nhàng hơn, rảnh rỗi hơn, có thu nhập hơn. Ấy vậy mà nghĩ thế thôi, khi nhìn thấy nụ cười của các con, ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ, các câu nói nghịch ngợm, tình cảm dành cho cô, tự nhiên lại thấy yêu nghề, yêu các con đến lạ.
Hôm nay, cô mệt lắm, thật sự rất mệt. Cô tin rằng, trong cộng đồng giáo viên mầm non khắp Việt Nam, không chỉ mỗi cô mệt. Các cô giáo khác, từ khắp mọi miền tổ quốc, cũng đang rất mệt mỏi, rất áp lực, rất muốn giải tỏa nỗi buồn và sự mệt mỏi này.
Cô giáo Trần Thị Thu Phượng bên học sinh của mình. |
Bài viết này chẳng hề có ý than vãn hay cầu xin sự thương hại của mọi người. Chỉ là cảm xúc của cô, cảm xúc của một cô giáo nhạy cảm với nghề, là cách để đâu đó, ai đó đọc được, sẽ hiểu rằng các cô giáo mầm non cũng vất vả lắm, không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ.
Ừ thì, nghề nào cũng có áp lực, có khó khăn. Các bác sĩ ngày đêm túc trực tại bệnh viện cứu người, các chú bộ đội nơi biên cương, hải đảo xa xôi ngày đêm ôm tay súng bảo vệ bình yên tổ quốc, các cô chú công nhân vẫn tích cực hàng ngày, hàng giờ tạo ra các công trình, từng chiếc áo, chiếc quần, các bác nông dân cần mẫn trên khắp cánh đồng với bao giọt mồ hôi,... Công việc nào cũng vất vả, cũng lắm khó khăn. Cô hiểu hết. Cô trân trọng từng nghề nghiệp, từng lĩnh vực mà các cô chú, các bác vẫn đang làm.
Cô biết, nỗi vất vả của các cô cũng như các ngành nghề khác thôi. Nghề nào mà chẳng có niềm vui, nỗi buồn. Nhưng mà cô vẫn viết, như cách để cô tâm sự, để đưa mầm non đến gần hơn với cộng đồng, để mọi người yêu thương các cô hơn, tôn trọng lao động của các cô hơn.
Các con vẫn đang ngủ ngon lắm! Cô chúc các thiên thần của cô mãi ngoan, yêu thương Ba mẹ, yêu thương nhân loại. Và mai sau đây, dù có làm ngành nghề gì, các con, vẫn luôn và mãi luôn là niềm tự hào, là các bạn nhỏ thân yêu trong trái tim của cô. Yêu các con hơn những gì cô nói".
Liên hệ với tác giả, được biết dòng nhật ký trên là của cô giáo Trần Thị Thu Phượng, SN 1993, hiện là giáo viên mầm non tại Quảng Bình.
"Em khá bất ngờ vì bài viết lại được quan tâm nhiều như vậy. Lúc em viết, đó là cảm xúc thật chứ không có ý nghĩ rằng sẽ được chia sẻ rộng rãi thế. Em nghĩ, có lẽ bài viết của em chạm đến nỗi niềm của rất nhiều giáo viên mầm non trên khắp đất nước".
Mức thu nhập của giáo viên mầm non Mức thu nhập trong 1 tháng (bao gồm lương và phụ cấp cơ bản, phụ cấp trách nhiệm, chính sách hỗ trợ và các khoản khác nếu có) của GV có thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm là mầm non hơn 2,2 triệu đồng. (Thông tin trích dẫn từ bài viết: "Giáo viên mới đi dạy: Lương bao nhiêu?" đăng trên báo Người lao động năm 2016) Lịch làm việc: Buổi sáng 7h các cô phải có mặt tại trường và làm đến 6h tối mới được về do phụ huynh đến đón con muộn. Ở trường công lập, giáo viên được về sớm hơn (khoảng 5h chiều). Công việc hàng ngày: Sáng đến quét dọn lớp, đón trẻ, cho trẻ ăn 2 hoặc 3 bữa, dạy học, cho trẻ đi vệ sinh, dỗ trẻ, cho trẻ ngủ...
Tham khảo: Thời gian biểu của học sinh mầm non |
Tác giả: Tào Nga
Nguồn tin: khampha.vn