Giáo dục

Giáo viên vẫn sợ học sinh đánh giá mình?

Vẫn còn những thầy cô hễ có học trò, tập thể đứng lên cãi, lý sự lại thầy cô, đánh giá thầy cô là cảm thấy khó chịu, cho là học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô giáo và tìm mọi cách "trừng trị" cho tụi nó sợ

Cách đây 21 năm, khi là giáo sinh thực tập tại trường THPT số 2 Mộ Đức ( Quảng Ngãi), sau hơn hai tháng thực tập sư phạm, tôi từng tự làm phiếu với 5 câu hỏi để học sinh lớp 10A2 đánh giá về công việc thực tập chủ nhiệm và giảng dạy của mình.

Lần đầu tiên được một thầy giáo thực tập cho cái "quyền" đánh giá, nhận xét về người dạy, chủ nhiệm mình, các em khá hào hứng. Các em nhận xét, ý kiến rất vô tư, trong đó có những ý kiến xác đáng, thầy còn hạn chế chỗ này, chưa được chỗ kia…Tốt nghiệp ra trường, về công tác tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) từ năm 1996 đến nay, tôi cũng từng nhiều lần phát phiếu cho học sinh lớp chủ nhiệm và các lớp giảng dạy đánh giá về ưu điểm, hạn chế cần khắc phục của thầy giáo vào cuối học kỳ 1 và kết thúc năm học.Qua những phiếu góp ý, nhận xét của học sinh như vậy, tôi hiểu các em hơn và có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp trong công tác giảng dạy và chủ nhiệm với mong muốn chất lượng, hiệu quả giáo dục cao hơn. Tôi biết, một số trường cuối năm từng phát phiếu cho học sinh đánh giá giáo viên, sau khi thống kê, tổng hợp ý kiến, một số giáo viên nhận tỉ lệ "đồng ý" của học sinh thấp có biểu hiện rất bực bội, lên lớp không chịu dạy, dành cả tiết la mắng, phê bình các em gay gắt, thậm tệ, các em thế này, thế nọ…Thế mới biết, nhiều giáo viên vẫn còn nặng nề, định kiến việc học sinh, sinh viên góp ý về mình.

Tôi cho rằng, cái quan niệm, tư tưởng giáo dục phong kiến trước kia, là học trò là phải nhất nhất vâng theo, nghe theo, làm theo tất cả những gì mà thầy cô giáo chỉ dạy, truyền thụ, là học sinh phải tuyệt đối không được cãi lại , không được tranh luận với giáo viên vẫn còn đè nặng, tồn tại khá phổ biến trong suy nghĩ, nhận thức, hành động của số đông đội ngũ thầy cô. Được biết, nhiều nước trên thế giới, học trò tranh luận với thầy, dám nhận xét thầy làm sai, làm chưa đúng ngay trong giờ học, trong giáo dục đạo đức là chuyện bình thường, đã có tiền lệ từ lâu rồi. Khi chân lý, sự thật đã sáng tỏ, thầy và trò cũng không hề có điều gì khó xử, rất thân thiện, cởi mở với nhau.

Còn ở nền giáo dục của ta, trong thực tế, điều ấy còn rất hiếm khi xảy ra, nhất là trong kiến thức khoa học. Hễ có học trò, tập thể đứng lên cãi, lí sự lại thầy cô, đánh giá thầy cô, là thầy, cô cảm thấy khó chịu, cho là học trò vô lễ, không tôn trọng thầy cô giáo và tìm mọi cách "trừng trị"cho tụi nó sợ, lần sau không còn hó hé, gây phiền phức nữa. Hễ thấy bài kiểm tra của học sinh, sinh viên làm đúng nhưng khác với cách của mình, là giáo viên không chấm, hoặc trừ điểm nặng. Hễ thấy, tập thể, các em ý kiến không tốt về mình là hờn dỗi, bực tức, lý sự.

Cứ giẫm đạp mãi theo lối này thì chỉ có làm thui chột, trì trệ thêm sự sáng tạo, dân chủ cần có trong giáo dục, trong dạy và học. Lâu nay, học sinh, sinh viên Việt Nam thường nhút nhát, rụt rè, thiếu tự tin, không dám thể hiện chính kiến của mình trước đám đông, mọi người so với học sinh, sinh viên các nước, hạn chế, yếu điểm này có một phần do cách giáo dục của đội ngũ giáo viên.

Người thầy cần khuyến khích học sinh mạnh dạn tranh luận, thể hiện suy nghĩ độc lập. Ảnh: Tấn Thạnh

Làm thầy, cô giáo, trong suốt quá trình giảng dạy và quản lí giáo dục làm sao tránh khỏi những sai sót, nhầm lẫn, bởi tri thức loài người là vô tận, hiểu biết của người thầy giáo cũng chỉ có giới hạn. Khi ấy, có thể học trò nhận ra và mạnh dạn góp ý, nhắc nhở thầy cô sửa chữa, thay đổi lại cho đúng, cho tốt hơn, thì người thầy cô giáo phải biết ơn và hoan nghênh. Hơn nữa, tri thức khoa học, đời sống đâu chỉ cứ nhất nhất như đinh đóng vào cột, nó luôn luôn vận động, thay đổi và có nhiều hướng tiếp cận, lí giải khác nhau, thầy cô nào có đủ dũng khí, để khích lệ, khơi dậy tinh thần sáng tạo, suy nghĩ độc lập, mạnh dạn, thẳng thắn tranh luận, phê bình của học sinh, chính là thầy cô đã rũ bỏ được nhận thức, suy nghĩ cũ kĩ, lạc hậu trước kia và biết tôn trọng tiềm năng của người học và tri thức khoa học.

Dạy ở một lớp mà có nhiều em dám hỏi thầy, tranh luận, phê bình thầy thì thật hạnh phúc vô cùng, vì nó không chỉ đem đến cho lớp học, thầy và trò một luồng sinh khí mới, rất sống động, hứng thú, cởi mở trong dạy học mà còn buộc người thầy phải làm việc, nghiên cứu nhiều hơn, không thể chủ quan, coi thường vai trò, trách nhiệm của mình. Ở phía người học sinh cũng thế. Nhưng để đạt được điều đó, ở nền giáo dục nước ta còn phải phấn đấu, nỗ lực rất lớn.

Tôi thiết nghĩ, ngành giáo dục hiện cần cuộc "cách mạng", đổi mới sâu sắc, toàn diện về bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo lại, chọn lựa, tuyển dụng giáo viên để người thầy cô giáo hoàn thành sứ mệnh trồng người của mình trong hoàn cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế, để cho "ra lò" những sản phẩm, thế hệ học sinh, sinh viên có chất lượng, năng lực ngang bằng với các nước trong khu vực. Là nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo- những con người mô phạm, "kỹ sư tâm hồn" cần đầu tàu, làm gương, luôn hướng đến cái đúng đắn, tốt đẹp, nếu trong quá trình quản lý, dạy học có sai sót, làm trái với quy định, với học trò thì nên mạnh dạn, dũng cảm nhận khuyết điểm về mình và sớm sửa chữa ngay sai sót, đồng thời càng thêm trân trọng, khích lệ tinh thần "đấu tranh" đúng đắn, hợp lẽ ở học sinh, tập thể lớp và kể cả phụ huynh, dư luận xã hội.

Tác giả: ĐỖ TẤN NGỌC

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: học sinh , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP