Bớt áp lực chạy miếng ăn mỗi ngày
Tại căn nhà thuê rộng chừng 40m2 ngổn ngang đồ đạc, phế liệu chất đầy. Hai tấm nệm cũ trải giữa nhà, đó là chỗ ngủ của cả gia đình. Trên gác được cho thuê lại để phụ thêm tiền nhà. Thấy phóng viên nhìn mấy chiếc xe tay ga dựng trong nhà, chưa đợi hỏi, anh Vương chồng chị Hồng nói đó là của mấy người trọ gửi nhờ, chứ gia đình anh không có để tiền mua những thứ này.
Anh Vương vừa tuốt dây điện lấy lõi đồng vừa trò chuyện tiếp phóng viên. Anh vui vẻ nói, từ ngày có thêm khoản tiền trời ban, cuộc sống đỡ áp lực nhiều. Vẫn công việc như thế, kiếm ăn hàng ngày, nhưng tâm lý thoải mái hơn, khiến cho người cũng nhẹ nhàng, vui vẻ, ấy vậy mà công việc lại may mắn suôn sẻ hơn. Có việc đều đều, nhiều mối hàng kêu bán đều đặn hơn.
Kế bên nhà là nơi nhận gia công cắt may quần jean, bên đó, con gái đầu 15 tuổi của anh chị đang theo phụ việc, học nghề. Anh Vương cho biết con bé đã nghỉ học gần 2 năm nay. Đợt này anh chị đem 2 đứa con vào để có tương lai hơn, cho học chữ và học nghề đàng hoàng.
Trò chuyện được một lúc, chị Hồng vừa đi mua phế liệu tại đường Thạch Lam (quận Tân Phú) trở về. Mồ hôi nhễ nhại ướt cả mặt, nhưng vẫn không giấu được vẻ rạng rỡ hạnh phúc khi được nhắc đến chuyện nhặt được tiền hi hữu.
Vừa tranh thủ chuyển hàng phế liệu vào nhà, chị Hồng vừa khoe với phóng viên đã được ngân hàng thông báo đã đổi được hơn 1 triệu Yen tiền rách.
Tấm nệm giữa nhà được dựng lên, bao nhiêu là đồng nát được chuyển vào. Nào là cái ghế cũ, chiếc nồi hơi bị bung nắp, cây đèn tuýp bể còn trơ khung, loằng nhoằng mớ dây điện cũ…và hằng hà sa số thứ không thể kể ra tên được đổ đầy nhà. Nhờ có vốn, chị Hồng mạnh dạn trả giá cao, “thầu” hàng phế liệu nhiều hơn, mang về chịu khó bỏ công sàng lọc, phân loại để đem bán lại cho vựa với hy vọng nhiều hàng thì nhiều tiền.
Chỉ vào đống đồ cũ nát đó, chị Hồng bọc bạch: “Cũng từ cái nghề này đã giúp gia đình tôi bám trụ tại đất Sài Gòn hơn 15 năm. Cũng từ công việc này mà ông trời ngó xuống thương gia đình tôi mà ban lộc, để có thể đưa con cái từ quê nghèo vào đây học hành, gia đình sum vầy, đoàn tụ”.
Không để “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”
Không phải ai cũng may mắn bỗng dưng có được gần 1 tỉ đồng như gia đình chị Hồng. Cách thức sử dụng số tiền như thế nào để trở nên ý nghĩa, thiết thực là điều được mọi người quan tâm hơn cả. Dường như hiểu được điều này, chị Hồng vừa vui mừng nhưng cũng có nhiều suy tính khi sử dụng số tiền này.
Chị Hồng cho biết, khi nhận được số tiền gần 700 triệu đồng đổi ra từ 4 triệu Yen Nhật chị dành một phần giúp đỡ gia đình, mua chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, phần còn lại gửi ngân hàng làm vốn. Tiền lãi có thể trang trải tiền nhà trọ. “Lộc trời không dễ đến 2 lần, nên vợ chồng tôi phải tiết kiệm, làm gì cũng tính cho thật kỹ”, chị Hồng nói.
Còn hơn 1 triệu Yen Nhật sắp tới được ngân hàng đổi sẽ được thêm khoảng 200 triệu đồng nữa, chị Hồng cho biết cũng gửi ngân hàng luôn. Hỏi chị sao không mua nhà để ở, anh Vương chồng chị Hồng nói: “Nếu mua nhà thì phải ở xa, sợ nhà không có giấy tờ, mà vợ chồng tôi không rành rẽ chuyện nhà cửa, giấy tờ. Quen ở khu này, mối mang hàng họ cũng biết mình rồi, dễ làm việc”.
Có được số tiền này không phải là quá lớn với ai đó, nhưng với những người như gia đình chị Hồng là một gia tài. Trò chuyện với chị Hồng mới nhận ra rằng với chị, giờ dùng tiền làm gì cũng sợ, sợ hao hụt đi mất. Chỉ có thể chi tiêu tối thiểu và gửi ngân hàng là còn yên đó.
“Mình không có trình độ, không dám tính toán làm ăn gì hết. Trước mắt cứ để ngân hàng đó, có chút vốn mua nhiều phế liệu hơn. Vậy được rồi”, chị Hồng thực thà chia sẻ.
Câu chuyện còn dang dở thì điện thoại chị Hồng lại rung lên. Gần đó có nơi kêu đến mua phế liệu. Chị Hồng lại tất tả đẩy xe 3 bánh đến nơi thu gom. Theo chân chị đi mua đồng nát, mới thấy người đàn bà tháo vát này không ngại khó, ngại dơ, hay ỷ lại vào số tiền có được mà lơ là công việc. Người phụ nữ nhanh nhẹn ra giá, rồi thu gom, rồi chất hàng lên xe, đẩy, kéo, vác từng bao phế liệu không khác gì đàn ông mà vẫn vui vẻ nói cười.
Những người quen khu này nói chính bởi chị như thế nên người ta mới thương mà kêu chị mua phế liệu, biết chị nhặt được tiền ai cũng mừng thay và biết đâu trời cũng có mắt biết chọn người mà cho.
Theo Thảo Hương
Một thế giới