Tôi hiểu ra rằng, quá khứ đầy bi tráng đã biến thành máu thịt trong mỗi con người hôm nay khi trở về với ngã ba Đồng Lộc linh thiêng.
Qua thông tin từ người bạn thơ, tôi biết Báo Phụ Nữ TP.HCM vừa có chuyến hành hương về quê Bác và Trường Sơn huyền thoại. Điều khiến tôi bồi hồi xúc động khi biết họ đã gặp gỡ, tặng quà cho thân nhân của 10 cô gái anh hùng đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc. Trong tôi bỗng sống lại những năm tháng chiến tranh mà mình đã đi qua nơi ấy, đã gặp những con người “xa nhau không hề rơi nước mắt/ nước mắt dành cho ngày gặp mặt” (Nam Hà). Những năm chiến tranh ác liệt ấy, khi tôi đến ngã ba Đồng Lộc thì 10 cô gái anh hùng bám trụ giữa trọng điểm này đã hy sinh, thế mà tôi và đồng đội vẫn không kịp thắp một nén hương. Những người lính chúng tôi vẫn tiếp tục đi về phương Nam.
Mấy năm sau, đơn vị tôi đóng quân ở Hà Tĩnh, nhà thơ Nguyễn Quốc Anh đưa tôi đi xe đạp thăm lại Đồng Lộc. Tôi thấy những ngôi mộ liệt sĩ ở đây đều được dựng bia nhỏ và trên mỗi tấm bia được khắc một ngôi sao. Chúng tôi tha thẩn rất lâu bên những ngôi mộ của 10 cô gái, lòng trào dâng những cảm giác khó tả, vừa thương cảm vừa kính trọng. Nhưng khi Nguyễn Quốc Anh chỉ về phía 10 cây bạch đàn và nói: “Hồi trước, ở đây trồng nhiều bạch đàn, nhưng vì bom đạn chỉ con lại 10 cây này. Nó cứ sống như có một linh ứng nào đấy với 10 cô gái Đồng Lộc”. Câu nói ấy đã khiến tôi muốn viết một bài thơ về 10 cây bạch đàn như là sự tồn tại linh hồn 10 nữ thần tiêu biểu cho Đồng Lộc những năm chiến tranh ác liệt. Đêm đó tôi viết bài thơ mà không thành. Và tôi đặt bút lên cuốn sổ giấy trắng viết một dòng chữ lớn: “Con đường của những vì sao hay Trường ca Đồng Lộc”. Có nhiều câu chuyện có thể viết thành truyện, nhưng tôi đã lựa chọn thể loại trường ca, bởi cảm hứng anh hùng ca về Đồng Lộc đã xâm chiếm hồn tôi.
Dù câu chuyện có hư cấu thì sự thật tinh thần của thời kháng chiến ở ngã ba Đồng Lộc luôn được trân trọng, đúng như lời mở đầu trường ca tôi đã tuyên ngôn: “Không đùa đâu, thơ tôi nói thật lòng/ trước niềm đau, trước niềm vui có lẽ nào dối trá/ (thật kinh tởm sau cơn đau trở dạ/ lại sinh ra một con búp bê vàng!). Tôi sống lại cái cảm giác chiến tranh thuở nào, và nhiều chương của trường ca này đã được viết ra như thế. Cái cảm giác chơi vơi giữa sự sống và cái chết, của tình yêu và biệt ly: “nếu anh được nói lời sâu kín nhất/ rất có thể em nghe, em sẽ khóc /- ước gì chúng mình cưới nhau hôm qua/ ước gì chúng mình cưới nhau bữa trước / để trong đêm ly biệt / nói chuyện tương lai / em ước con trai / anh mong con gái…”.
Tôi luôn giữ được cảm xúc chân thật và liền mạch suốt mấy tháng liền khi viết trường ca này. Có thể nói mỗi khi viết, tôi thực sự sống lại thời chiến tranh mà mình đã trải qua. Và có khác chăng là sau mỗi hiện thực được miêu tả là cái nhìn chiêm nghiệm khái quát: “đất và đá/ yếu mềm và cứng rắn/ cán xẻng với tay người/ đòn gánh với vai người/ con đường và trái núi / phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau…”.
Tôi đã dành trọn chương “Độc thoại của máu” để viết về sự hy sinh vĩ đại của những người chiến đấu cho Tổ quốc: “ở đâu hạt máu lang thang / ở đâu hạt máu huy hoàng muôn năm?/ …máu ta không chịu đeo xiềng/ máu ta không chịu chia niềm đau thương/ máu đi về phía chiến trường”. Cuộc chiến đấu ấy là cuộc chiến đấu chấp nhận hy sinh cho thắng lợi cuối cùng. Tôi dồn bút vào chương “Đỉnh cao” viết về sự hy sinh của 10 cô gái anh hùng, và cuối cùng phải buông một câu đầy tính lãng mạn như là an ủi cho chính mình: “mái tóc bay trong đất – tóc hai mươi/ tóc trong đất, gió thời gian thổi mãi…”.
Và nhận ra sức mạnh cùng lòng nhân hậu vô bờ của nhân dân những ngày kháng chiến: “Nhân Dân sống Nhân Dân làm lụng/ áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên/ Nhân Dân căm hờn như núi dựng chông/ Nhân Dân yêu thương đồng dâng gạo trắng/ bom đạn giặc từ trời cao ném xuống/ Nhân Dân từ ruột đất trồi lên!”…
Năm 1998, cùng đoàn nhạc sĩ Việt Nam thăm lại ngã ba Đồng Lộc, tôi cứ đứng trào nước mắt rất lâu trước khu mộ 10 cô gái. Mọi người đã đi hết, tôi vẫn còn đứng lại sau tấm bia lớn ghi tên 10 cô gái. Không làm sao lau khô được dòng nước mắt. Phải chăng tôi quá yếu mềm? Có lẽ không phải thế. Có một điều gì đó thật sâu xa từ những thân phận bi tráng này đã xúc động sâu thẳm lòng tôi. Và đêm đó tôi đã viết được ca khúc Đồng Lộc thông ru như một tiếng gọi hồn, một sự nhập hồn.
Nhớ một thời kháng chiến Con đường trên tay em…
Tôi hiểu ra rằng, quá khứ đầy bi tráng đã biến thành máu thịt trong mỗi con người hôm nay khi trở về với ngã ba Đồng Lộc linh thiêng.
Nguyễn Trọng Tạo
PN