Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên là chủ đề của hội thảo khoa học diễn ra sáng nay, 13-12, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM.
Tại hội thảo, bên cạnh các ý kiến, tham luận đồng tình việc tiếp tục bao cấp học phí cho các trường sư phạm, còn xuất hiện những tranh luận trái chiều đáng chú ý.
"Theo tôi, nhà nước nên bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm ngay lập tức. Điều này gây bất công với những học sinh đóng học phí", ông Dũng thẳng thắn.
Theo vị hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM hiện có 13 ngành được miễn cấp bù sư phạm nhưng vẫn không được thí sinh quan tâm bằng các ngành học khác. Ông Dũng cho biết 90% sinh viên khối sư phạm tốt nghiệp giỏi giang đều đi làm công ty, xí nghiệp. Theo ông, so với nhiều năm trước, hiện nay vấn đề học phí không còn ý nghĩa nhiều nữa đối với đại đa số các gia đình. Một số chuyên gia trong hội thảo cũng đã đồng tình với ý kiến này, cho rằng do vật giá thay đổi nên gánh nặng chủ yếu cho các gia đình là chi phí sinh hoạt, ăn ở tại các thành phố. Học phí chỉ chiếm một phần nhỏ. Ông Dũng đề xuất các trường sư phạm chỉ nên lập tức xét cấp học bổng cho các học sinh cực kỳ khó khăn. Đối với các học sinh khác, trường vẫn thu học phí bình thường, sau đó nếu ra trường em nào theo nghề, nhà nước sẽ chuyển tiền về cho nhà trường nơi các em công tác, tạo điều kiện giáo viên trẻ cống hiến tốt hơn.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng nên dừng ngay việc cấp bù sư phạm |
Đồng ý kiến với PGS-TS Dũng, ThS Huỳnh Cát Dung, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM cũng ủng hộ quyết liệt quan điểm nên xóa bỏ chế độ cấp bù học phí vì cho rằng "gây ảnh hưởng tiêu cực đến động cơ học tập của sinh viên", gây giảm cảm xúc của người học, mất, giảm sút niềm tin vào ngành học, dựa trên việc phân tích thuyết hoạt động và thuyết công bằng. Cô Dung đưa ra ví dụ để minh họa cho việc miễn học phí sư phạm. "Trong một gia đình, đứa con nào khiến cha mẹ lo lắng và chu cấp nhiều nhất, thường là đứa hạn chế nhất, kiếm được ít tiền nhất hoặc yếu kém về thể chất nhất!", cô Dung nói.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc miễn giảm học phí rất hiệu quả trong việc tuyển sinh và đào tạo, nên duy trì. PGS-TS Nguyễn Thám - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế - cho rằng chính sách miễn học phí (cấp bù sư phạm) trong thời gian dài đã có tác động tích cực, là một trong những động lực thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế sinh viên sư phạm tốt nghiệp thất nghiệp tràn lan và nguồn ngân sách đầu tư cho chính sách cấp bù, chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí. Còn nếu lập tức bỏ, các trường sư phạm sẽ hết sức khó khăn, chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu là cùng. Do đó, ông đề xuất cần cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, khống chế chỉ tiêu rồi dần dần tiến đến việc bỏ cấp bù, tự chủ toàn diện. Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cũng góp ý kiến rằng ngoài việc miễn học phí, nhà nước cần có khoản trợ cấp cho sinh viên khối này chỗ ở, chi phí sinh hoạt.
Giữ quan điểm vẫn tiếp tục chế độ cấp bù đầy đủ với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM đề xuất nhà nước cần có thêm những chính sách thêm về tín dụng cho sinh viên khối này như tăng cho vay, chỗ ở…. PGS-TS Lê Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM đồng tình với ý kiến nên bỏ chế độ miễn học phí sư phạm nhưng với 2 điều kiện: Theo lộ trình và các điều kiện cần thiết đi kèm.
Nên có bài thi năng lực Giảng viên Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh Huỳnh Trần Hoài Đức đề xuất để có được các giáo viên thực sự yêu nghề, các trường sư phạm nên cho học sinh làm bài kiểm tra năng lực và phẩm chất. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đồng tình việc có thêm bài kiểm tra năng lực về mức độ thích hợp với nghề giáo. PGS-TS Nguyễn Thám nói rằng để giảm thiểu tình trạng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", tại Phần Lan, ngoài điểm thi đầu vào, người ta còn căn cứ vào bài test về tình cảm sinh viên dành cho người học để tìm ra người phù hợp sư phạm. |
Tác giả: Lê Thoa
Nguồn tin: Báo Người lao động