Da liễu là một chuyên ngành bao gồm hai nhóm bệnh chính: Các bệnh da (bao gồm bệnh phong) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài việc khám, chăm sóc và điều trị các bệnh da, nhiệm vụ của chuyên ngành Da liễu còn bao gồm loại trừ để tiến tới thanh toán bệnh phong và khống chế các bệnh lây truyền qua đường tình dục, góp phần giảm thiểu sự lây lan HIV/AIDS. Ngoài ra, phẫu thuật chỉnh hình, thẩm mỹ, chống lão hoá cũng có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
PGS. TS Nguyễn Văn Thường – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống ngành Da liễu Việt Nam.
Theo nhiều nghiên cứu đã được báo cáo, tỷ lệ mắc bệnh da trong công đồng hiện nay rất cao, từ 15% – 20%, tuỳ từng vùng. Có nhiều bệnh da mãn tính rất khó điều trị, phải theo dõi suốt đời như: vẩy nến, lao da, ung thư da, các bệnh da tự miễn… tuy nhiên, sự đáp ứng của của dịch vụ y tế lại chưa được như mong muốn.
Hiện, hầu hết ở tuyến huyện chưa có khoa da liễu nên người dân cũng không được điều trị đúng mà chủ yếu tự mua thuốc điều trị hoặc điều trị ở cơ sở y tế không có chuyên khoa.
Khoa da liễu ở bệnh viện tuyến tỉnh cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay nên người dân phải lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, việc chuyển viện còn có nhiều phiền hà về thủ tục giấy tờ.
GS.TS.TTND Trần Hậu Khang khám hội chẩn với các bác sĩ tại Trung tâm Da liễu Hà Tĩnh cho bệnh nhân phong.
Đến ngày 31/12/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra Quyết định số 5656/QĐ-BYT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chuyên ngành da liễu giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định nêu mục tiêu tăng cường và hoàn thiện mạng lưới khám, chữa bệnh chuyên ngành da liễu trong toàn quốc giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh da liễu của nhân dân, đồng thời để hoàn thiện hệ thống tổ chức, nhân lực từ tuyến Trung ương đến cơ sở.
Theo số liệu thống kê báo cáo của Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho đến nay cả nước ta có 28/63 tỉnh thành có đơn vị da liễu độc lập bao gồm: Bệnh viện Da liễu và Trung tâm Da liễu.
Theo tiêu chuẩn tại Quyết định này thì mỗi tỉnh có 5 bác sĩ chuyên khoa da liễu và có dân số trên, dưới 1 triệu người nhưng có nhu cầu khám chữa bệnh cao, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị thì thành lập Bệnh viện Da liễu tỉnh. Quyết định cũng nói rõ, Sở Y tế các tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh trong việc kiện toàn mạng lưới, phát triển chuyên môn kỷ thuật và đầu tư nguồn lực phát triển chuyên ngành da liễu trong phạm vi quản lý.
Quyết định chỉ rõ 5 giải pháp thực hiện: hoàn thiện chính sách pháp luật; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế; khoa học – công nghệ; truyền thông – giáo dục sức khỏe.
Để đáp ứng tốt nhu cầu khám bệnh chữa bệnh cho người dân, cần xây dựng và nâng cao năng lực mạng lưới chăm sóc ban đầu các bệnh về da tại tuyến cơ sở, tránh người bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi khi bị bệnh. Đặc biệt là dựa vào tình hình thực tế để có một chiến lược phát triển chuyên ngành da liễu một cách thiết thực và hợp lý.
P.V