Hội nghị được tổ chức theo sáng kiến của Mỹ nhằm “thúc đẩy một tương lai hòa bình và an ninh tại Trung Đông” đã chính thức khai mạc hôm 13/2 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan. Đây là một sự kiện được dư luận khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm khi làm rõ hơn “tầm nhìn thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông là gia tăng sức ép tối đa chống Iran và tăng cường hỗ trợ chính quyền Israel.
Hội nghị hòa bình tại Ba Lan theo sáng kiến của Mỹ khai mạc hôm 13/2 được cho là sẽ làm rõ hơn “tầm nhìn thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: AP |
Diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/02, Hội nghị về hòa bình và an ninh Trung Đông tại Ba Lan đã thu hút được sự tham dự của đại diện khoảng 60 nước đến từ các châu lục. Đáng chú ý trong số này có Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt và Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu.
Dù mục đích công khai được tuyên bố là nhằm thúc đẩy hòa bình và ninh tại Trung Đông, song đối với nhiều người, không chỉ các chuyên gia chính trị, mà cả lãnh đạo nhiều nước, thì mục tiêu chính của hội nghị còn là nhằm cô lập hơn nữa, cũng như hạn chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực. Đây là quốc gia mà chính quyền Tổng thống Donald Trump coi là nguồn cơn khiến Trung Đông luôn là một điểm nóng trên thế giới, bất chấp việc Iran và các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ hồi năm 2015 đã đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm chấm dứt những lo ngại liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Trong phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/2 cũng ngầm khẳng định mục tiêu này:
“Chúng ta tập trung ở đây để nói về tương lai của sự ổn định và thịnh vượng tại Trung Đông. Chúng ta cũng sẽ nói về kế hoạch hòa bình ở Trung Đông, về các mối đe dọa và về cuộc chiến chống khủng bố . Đại diện 60 quốc gia đến từ tất cả các châu lục sẽ cùng nhau làm việc. Đây là một liên minh toàn cầu được xây dựng để thực hiện sứ mệnh quan trọng là đẩy lùi mối nguy cơ đã tồn tại quá lâu tại Trung Đông.”
Cũng chính vì lẽ đó mà Hội nghị về hòa bình và an ninh Trung Đông do Mỹ khởi xướng lại trở thành một sự kiện gây tranh cãi. Rất nhiều nước Châu Âu đã vắng mặt, trong đó có cả những đồng minh của Mỹ là Pháp và Đức. Phần lớn các quốc gia châu Âu chỉ cử các đại diện cấp thứ trưởng tham dự Hội nghị, ngoại trừ Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Điều này đã cho thấy những căng thẳng ngày một lớn giữa Liên minh châu Âu và Mỹ kể từ khi Mỹ quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và tái thiết lập các lệnh trừng phạt chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nga - nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 tất nhiên cũng không có mặt tại Hội nghị và đang lên kế hoạch về một hội nghị hòa bình Trung Đông khác. Theo Nga, cách tiếp cận một chiều của Mỹ sẽ đe dọa những nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc khủng hoảng tại Trung Đông. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói:
“Thật đáng tiếc là vấn đề các khu định cư của Israel trên những vùng lãnh thổ của Palestine đã không được giải quyết. Điều đáng lo ngại hơn cả cách tiếp cận của chính quyền Mỹ thực hiện những bước đi một chiều mà không cần xem xét ý kiến của các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế. Mục đích của họ là nhằm phá vỡ các công cụ nền tảng, quan trọng nhất cuả luật pháp quốc tế nhằm trả lơi những câu hỏi của người Palestine về các khu định cư.”
Là hai quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất sự kiện, cả Palestine và Iran đều không tham gia. Trong khi Palestine cho rằng “tầm nhìn thế kỷ" do Mỹ đề xuất về tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ chôn vùi hy vọng thành lập một nhà nước độc lập của người dân Palestine, thì Iran lại coi Hội nghị này là “một vở xiếc” do Mỹ và Israel dựng nên.
Theo chuyên gia phân tích Zbigniew Lewicki thuộc Viện các vấn đề quốc tế của Ba Lan, không tham gia không có nghĩa là những nước này đứng ngoài các sự kiện đang diễn ra tại Trung Đông. Nói về hòa bình và an ninh tại Trung Đông là một chuyện, còn để có thể đưa ra những biện pháp cụ thể thì lại là chuyện khác, khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt khi thiếu vắng những nước có vai trò quyết định như Nga, Iran và Palestine.
Tác giả: Thu Hoài
Nguồn tin: Báo VOV