|
Báo Air Force Times dẫn đính chính của Lầu Năm Góc cho biết, ngoài các tàu khu trục, máy bay ném bom B-1B Lancer, tên lửa hành trình Tomahawk, thì máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ cũng tham gia vào đợt không kích Syria rạng sáng 14/4.
Trước đó, Trung tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Ban tham mưu liên quân của Lầu Năm Góc, nói rằng do không có khí tài nào của liên quân phải đi vào không phận Syria để tiến hành không kích do vậy không cần máy bay F-22 nào để hộ tống và bảo vệ các máy bay B-1B.
Theo phát ngôn viên Bộ chỉ huy trung ương Không quân Mỹ Mark Graff, các máy bay F-22 Raptor đóng vai trò bảo vệ các lực lượng trên mặt đất của đồng minh trong và sau cuộc không kích vào các cơ sở nghi phục vụ chương trình vũ khí hóa học của Syria.
Tuy nhiên, ông Graff không tiết lộ cụ thể số máy bay F-22 tham gia vào nhiệm vụ này cũng như khu vực hoạt động của chúng. “Nhờ những đặc tính ưu việt của máy bay chiến đấu thế hệ năm, F-22 là máy bay chiến đấu duy nhất thích hợp cho nhiệm vụ hoạt động bên trong khu vực phòng không của Syria, một lựa chọn giúp ngăn ngừa các mối đe dọa từ hệ thống phòng không Syria đối với lực lượng và khí tài của chúng ta trong khu vực, tạo lá chắn yểm trợ lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh”, ông nói.
Hiện không rõ vì sao ban đầu quân đội Mỹ không tiết lộ vai trò của F-22 trong chiến dịch không kích Syria.
Một thông tin khác cũng được đính chính là, hai máy bay ném bom B-1B của Mỹ đã phóng 19 tên lửa tên lửa hành trình không đối đất phóng từ ngoài vùng phòng không (JASSM) phiên bản tiêu chuẩn (JASSM-A), không phải phiên bản mở rộng tầm bắn JASSM-ER như tuyên bố trước đó.
Tuy vậy, việc sử dụng các tên lửa JASSM cũng đánh dấu lần đầu tiên Mỹ đưa biến thể tên lửa này vào tác chiến.
Rạng sáng 14/4, Mỹ và đồng minh Anh, Pháp đã nã tổng cộng 105 tên lửa vào các mục tiêu ở Syria. Mỹ đã phóng tổng cộng 85 tên lửa, trong đó có 66 tên lửa hành trình Tomahawk và 19 tên lửa JASSM. Lầu Năm Góc khẳng định, các tên lửa đều trúng mục tiêu.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí