Kinh tế

Muốn nông sản ‘chiếm lĩnh’ các siêu thị, chất lượng phải đi tiên phong

Nâng cao chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, chiết khấu hợp lý...là những giải pháp giúp nông sản có thể 'luồn sâu' hơn để tiêu thụ trong các siêu thị.

Từ lâu nay, bên cạnh các chợ thương mại, siêu thị là một trong những kênh tiêu thụ nông sản số lượng lớn với tính ổn định cao, đem lại giá trị gia tăng không hề nhỏ cho nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia, số lượng các mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay vào siêu thị chưa tương xứng với tiềm năng tiêu thụ của thị trường này. Trong đó, có cả những trường hợp ‘bất đắc dĩ’ khi siêu thị chính là nơi ‘giải cứu’ những mặt hàng nông sản ế ẩm, ‘được mùa, mất giá’.

Chẳng nói đâu xa, vào cuối tháng 3/2018, Saigon Co.op đã mua củ cải trắng, su hào, cà rốt và bắp cải trắng của huyện Mê Linh và Hưng Yên sắp bị ùn ứ cần giải cứu gấp. Thông qua hệ thống bán lẻ thành viên, Saigon Co.op đã giúp tiêu thụ 450 - 600 tấn nông sản.

Đến giữa tháng 5/2018, hệ thống siêu thị Big C cũng ngập tràn các băng rôn với nội dụng "Mỗi trái dưa- triệu tấm lòng" để hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu ở Quảng Ngãi, Quảng Nam khi trái cây này không có người mua. Kết quả, chỉ trong 7 ngày, có khoảng 250 tấn dưa hấu được "giải cứu" thông qua hệ thống siêu thị Big C. Trước đó một tuần, đơn vị này đã thu mua 60 tấn bí đỏ của người dân xã Cư Yang (Đắk Lắk). Vào giữa tháng 3 năm nay, Big C cũng đã tăng cường mua củ cải trắng của nông dân huyện Mê Linh (Hà Nội).

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, để các mặt hàng nông sản sạch được thúc đẩy tiêu thụ hơn nữa cần tăng chất lượng nguồn cung, tạo đà để thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng tăng lên chứ không chỉ thông qua những mùa “giải cứu” để nông sản được tiêu thụ tại siêu thị.

Nông sản được bán tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hán Hiển

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng sự yếu kém ở khâu sản xuất là một trong những lý do khiến cho lượng hàng nông sản sạch vào siêu thị còn khiêm tốn. Tuy nhiên, lý do quan trọng khác là sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng.

Thông thường, mức chiết khấu sẽ rơi vào khoảng 25-30%, cộng với những chi phí bất hợp lý khác. Thực tế trên làm nhiều nhà cung ứng không chịu nổi, nông sản sạch lại được bày bán ngoài thị trường, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn.

Mặt khác, việc đưa hàng hóa, nông sản vào siêu thị đang gặp nhiều khó khăn bởi nông dân hiện vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong khi quy định đầu tiên của siêu thị là phải kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hồ sơ, chứng từ cũng như các thủ tục pháp nhân để giao dịch, mua bán…Chất lượng cũng là vấn đề đáng quan tâm, phải đặt lên hàng đầu nếu muốn đưa nông sản vào siêu thị nhiều hơn.

Bên cạnh đó, yếu điểm của hàng Việt đôi khi còn là những nỗi lo xung quanh việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay từ sự hạn chế cải tiến mẫu mã, bao bì, hình thức chưa bắt mắt… Ngoài ra, hiện nay, những làn song hàng ngoại nhập từ các nước như Nhật Bản, Thái Lan ngày một lớn, có sức cạnh tranh mạnh đang đặt ra những thách thức lớn cho hàng hóa Việt Nam ngay trên "sân nhà".

Liên quan tới vấn đề trên, một số chuyên gia cho rằng, những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị nói riêng, giải quyết nút thắt trong khâu phân phối hàng hóa nói chung tại Việt Nam, điểm quan trọng là cần luật hóa khâu phân phối. Hiện nay, Thái Lan đã có quy định trong phân phối nông sản, 70% lợi nhuận là của người trồng nhưng tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi chính.

Bên cạnh đó, muốn khơi thông dòng chảy thương mại hàng hóa, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại nông sản; đồng thời mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa cũng như hạ giá thành sản phẩm.

Tác giả: Bảo Lâm

Nguồn tin: VietQ.vn

  Từ khóa: nông sản , siêu thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP