Tin Hà Tĩnh

Mùa “mật đọng” giữa rừng Hương Sơn

Đầu tháng 3, bắt đầu vào mùa khai thác mật ong ở những cánh rừng sát biên giới Việt – Lào. Cũng vì chính vụ “mật đọng” nên mật ong rừng như “chín” hơn, ngon hơn và cũng khan hiếm hơn.

Người thợ phải biết đặc tính của ong mới dễ dàng lấy mật.

Những thợ săn mật ong, dù làm ăn ở đâu cũng trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh), bắt đầu cho một mùa mưu sinh cheo leo trên thân cây cổ thụ, hoặc trên những vách đá trong rừng sâu.

Nghề may rủi

Mật ong vốn là dược liệu quý. Mật ong được khai thác từ những cánh rừng già vùng Hương Sơn lại được săn lùng như “thần dược” bởi nguyên chất và mùi thơm nhẹ đặc trưng.

Và không biết từ bao giờ, dù nghề săn lùng mật ong rất vất vả lẫn hiểm nguy, song ngày càng nhiều người vào rừng lấy mật. Thậm chí, có những người trở thành thợ săn mật chuyên nghiệp, cả năm ở trong rừng và cả đời chỉ làm nghề lấy mật.

Một tổ ong khá lớn được khai thác từ rừng.


Anh Nguyễn Tâm Vui là thợ săn mật khá nổi tiếng. Tuy là người xã Sơn Diệm, một xã không có nghề “đi rừng” nhưng anh lại nổi danh ở khu vực miền ngược xã Sơn Kim, Sơn Hồng, Sơn Tây...

Anh Vui chia sẻ, nghề này nguy hiểm nhưng nếu may mắn thì lại có thu nhập cao. Như năm trước, khi vào cánh rừng thuộc xã Sơn Tây, may mắn săn được tổ ong lớn. Về nhà, anh cùng gia đình vắt ra được 30 chai mật.

“Nói là đi săn mật ong nhưng thực ra phải ví như đi câu. Có khi cơm đùm cơm gói vào rừng mấy ngày liền chẳng thu lượm được gì, nhưng có khi may mắn lại không có sức mà đem mật ong về. Với 30 chai mật ong trong một ngày may mắn, với giá bán 500 nghìn đồng/chai thì tôi đã có trong tay 15 triệu đồng”, anh Vui cho biết.

Tuy nhiên, đó là phần nổi của nghề lấy mật, còn phần chìm là những nguy hiểm đánh cược tính mạng trên ngọn cây, trên vách đá. Đã có người mãi mãi mất đi sức khỏe và thậm chí cả tính mạng vì nghề “đi rừng” này.

“Sở dĩ nghề săn mật ong rừng thu hút nhiều lao động tham gia vì hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo càng ngày càng ít, nhu cầu thuê bốc vác cũng hạn chế. Ngoài ra, Chính phủ đóng cửa rừng, nghiêm cấm việc vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật nên tỷ lệ lao động thiếu việc làm cũng gia tăng, buộc họ phải chuyển nghề”, ông Trần Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, cho biết.

Khai thác mật ong là công việc khá nguy hiểm.


Nguy hiểm như nghề tìm mật

Một trong những thợ săn mật ong giỏi ở Hương Sơn phải kể đến anh Trần Văn Hán ở xã Sơn Kim 1. Ong rừng thường làm tổ trong các hốc đá hoặc vách đá cheo leo. Để lấy được mật, anh Hán phải tìm cách leo lên những dãy núi cao mà không có đồ bảo hộ.


Đồ nghề để lấy mật ong rừng mà anh Hán đem theo rất thô sơ, gồm vải màn bảo vệ mặt, vài nén hương, con dao và xà beng tự chế để đào, đập đá.

Anh Hán tiết lộ, cách phát hiện tổ ong là đi dọc bờ suối để quan sát ong lấy nước. Sau đó đi theo hướng ong bay, và thậm chí là phải chạy theo ong.

Khi phát hiện ra tổ ong, người thợ cuốn vải màn quanh mặt để tránh bị ong đốt.

“Phải tiếp cận tổ ong để kiểm tra xem có thể lấy mật được hay chưa. Tổ nào nhiều ong bay ra, bay vào nghĩa là nhiều mật; nếu ong bay ít, có phấn hoa bám ở chân thì tổ nhỏ, non chưa khai thác được”, anh Hán cho biết.

Vào vụ chính từ đầu tháng 3, dù người đi săn mật ong dễ phát hiện ra tổ nhưng nhiều tổ ong còn non, ít mật nên không thể khai thác. Tuy nhiên vào cuối mùa khai thác tầm tháng 6, thì dù tổ non hay già đều khai thác được.

Theo anh Hán và những thợ săn kinh nghiệm vùng Hương Sơn, ong thường chọn địa thế khô ráo để làm tổ, nhiều tổ nằm ở vị trí cheo leo trên vách đá. Để tiếp cận được tổ, người thợ phải leo trèo trên vách núi, nếu may mắn gặp được cây dây leo để bám thì sẽ thuận lợi hơn khi lấy mật.

Cũng có nhiều đàn ong lại làm tổ trên các cành cây cao, ở những khu vực bụi rậm chằng chịt. Thậm chí, có những tổ ong được thiết kế dọc theo thân cây, phải rất tinh mắt mới phát hiện ra khi chúng bu kín tổ.

Người thợ sau đó thắp hương, tạo khói để đàn ong bay tản ra ngoài, khi đó họ sẽ dùng dao cắt những mảng mật ra khỏi tổ. Những mảng mật ấy được cho vào túi bóng kín, hoặc cho vào xô chờ vắt.

Anh Hán cho biết, để lấy được tổ ong trên cao thì nhiều nguy hiểm lắm. Có khi sẩy chân ngã núi, có lúc cành cây bị gẫy, có lúc vì tổ ong to quá mà cả người lẫn ong rơi xuống đất. Tổ ong nát bét, thợ săn cũng gẫy xương. Nguy hiểm là vậy nhưng nghề lấy mật ong rừng lại luôn thu hút nhiều người tham gia.

Dù số lượng người tham gia khá đông, nhưng những rừng đại ngàn dường như không bao giờ thiếu vắng tổ ong để các thợ săn khai thác. Nhiều thợ săn kinh nghiệm dựa vào đặc tính của loài ong, nên sau khi khai thác lấy mật chỉ cần đắp lại tổ thì sang năm ong lại đến làm tổ tiếp. Cứ thế, mỗi thợ săn lại có những “tổ vàng” bí mật để năm sau khai thác.

Sáp ong khi mang về sẽ nhanh chóng được tách bỏ phấn hoa và con nhộng rồi để riêng phần mật, nếu không lọc bỏ ngay thì mật sẽ chua và hỏng. Bởi thế, khi khách hàng mua mật ong lại thấy nhà bán rẻ, nhà bán đắt là bởi lý do đó.

Tháng 3, mùa “mật đọng khai hoa” nên chất lượng mật ong tốt hơn mùa tháng 6, hương vị thơm ngon hơn nên giá bán cũng cao hơn. Tuy nhiên, cũng vì sản phẩm ngày càng khan hiếm nên không ít hộ giả bán mật ong ế thành mật ong đầu mùa.

Thậm chí, cũng chỉ vì lợi nhuận mà một số hộ dân mua mật ong nuôi về lừa dối khách hàng rằng, đó là mật ong rừng để bán với giá cao. Không ít người qua đường đã bị lừa vì thiếu kinh nghiệm nhận biết về các đặc tính của mật ong rừng.

“Trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ gia đình đi săn mật ong chuyên nghiệp. Bình quân mỗi lao động thu nhập thấp nhất khoảng 200 nghìn đồng/ngày, có những ngày đạt hơn 1 triệu đồng/người. Đây chỉ là nghề mang tính thời vụ, lại nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe nên người dân bỏ dần nghề đi rừng”.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1

Tác giả: Định Nam

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP