Tin Hà Tĩnh

Mua bán chất thải từ Formosa: Bát nháo quản lý?

Việc quản lý phân loại, mua bán khối lượng chất thải khổng lồ từ hoạt động của Formosa (Hà Tĩnh) đang có dấu hiệu diễn ra bát nháo, khó kiểm soát và không ít chất thải nguy hại chưa qua xử lí được bán ra có nguy cơ gây hại cho môi trường.

Chất thải rắn chất thành núi bên trong khuôn viên Formosa

Trong một văn bản trao đổi thông tin do Sở TN&MT Thái Nguyên gửi Sở TN&MT Hà Tĩnh số 921, ngày 11/4/2019 cho thấy: Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 6 doanh nghiệp và hộ kinh doanh có hợp đồng mua gang xỉ có nguồn gốc từ Formosa qua Cty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (MHD) lên đến hàng chục nghìn tấn để tái chế, sử dụng.

Qua kiểm tra, có 2 doanh nghiệp là Cty Cổ phần Công nghiệp Bắc Thái và Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Huy có hợp đồng thu mua gang xỉ từ MHD để chế biến với tổng khối lượng hơn 20.000 tấn. Trong đó, Cty Bắc Thái đã nhận chuyển giao gần 9.000 tấn; Cty Trường Huy nhận chuyển giao gần 11.400 tấn. Có 2 hộ gia đình là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Văn Kiên có thu mua gang xỉ từ MHD nhưng thông qua một đơn vị trung gian khác. Đến nay cả hai hộ gia đình này đều chưa cung cấp được hợp đồng thu mua và khối lượng cụ thể đã mua của đơn vị trung gian. Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp là Cty TNHH Minh Bạch và Cty Cổ phần Cơ khí Gang Thép có hợp đồng mua gang xỉ từ MHD nhưng chưa nhận chuyển giao.

Qua kiểm tra rà soát, có 3/6 cơ sở không có chức năng nghiền tuyển gang xỉ trong đề án bảo vệ môi trường là: Cty Bắc Thái, Cty Minh Bạch và Cty Cơ khí Gang Thép. Sở TN&MT Thái Nguyên cũng đã lấy mẫu gang xỉ tại bãi nguyên liệu đầu vào của các cơ sở mang đi phân tích. Kết quả cho thấy giá trị pH đều vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009/BTNMT.

Như vậy, theo kết quả kiểm nghiệm của Sở TN&MT Thái Nguyên thì gang xỉ từ Formosa đang cung cấp cho các cơ sở ở Thái Nguyên là chất thải nguy hại. Tuy nhiên, trong văn bản số 3320, ngày 29/9/2018 của Tổng cục Môi trường, thuộc Bộ TN&MT trả lời Cty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam lại cho rằng gang xỉ là sản phẩm hàng hóa và được điều chỉnh theo pháp luật về sản phẩm hàng hóa. Người ký công văn này là ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Từ nhận định gang xỉ là sản phẩm hàng hóa, ông Thức cho phép Cty MHD được thực hiện hợp đồng thu gom, chuyển giao gang xỉ với khối lượng 70.000/năm từ Formosa Hà Tĩnh.

Ðánh tráo tên gọi chất thải?

Theo một chuyên gia trong ngành chất thải rắn công nghiệp, thực chất gang xỉ mà ông Thức đang cho phép Cty MHD buôn bán là xỉ khử lưu huỳnh. Và ngay trong hợp đồng mua bán giữa Formosa với MHD, phần chữ Trung Quốc vẫn gọi xỉ khử lưu huỳnh, còn phần chữ Việt Nam thì gọi là gang xỉ. Mặc dù ở Việt Nam không xem thành phần lưu huỳnh trong chất thải là nguy hại, tuy nhiên khi đưa vào tái chế ở các lò hồ quang sẽ phát thải ra môi trường một lượng lớn khí SO2 rất độc hại. “Người ta đang cố tình đánh tráo tên chất thải nhằm đánh tráo bản chất về sự độc hại của chất thải - vị chuyên gia nói.

Tháng 6/2018, Sở TN&MT Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với Cty TNHH Vận chuyển Thương mại Lê Nam, có trụ sở tại thị xã Ba Đồn. Theo đó, doanh nghiệp này đã có hành vi chở tro bay của Formosa cung cấp cho Nhà máy Xi măng Sông Gianh là chất phụ gia nhưng tập kết không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường. Cty Lê Nam cũng là doanh nghiệp được Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT chấp thuận cho thu gom và phân phối tro bay từ Formosa.

Tác giả: HOÀNG NAM

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP