Thầy trò đều “né” môn đại cương?!
Không khó để lắng nghe những lời thở than của sinh viên năm nhất, năm hai vì các em cho rằng mình đang bị nhà trường ép học những môn học đại cương khô cứng, nhàm chán. Kiến thức trải rộng tràn lan, không thấy ứng dụng trực tiếp vào thực tế, lớp học quá đông, thầy cô giảng dạy theo phương thức truyền thống với tốc độ chóng mặt… là những “bức xúc” mà các em thường ca thán.
Tâm tư này, về bản chất, không khác gì mấy so với suy nghĩ ở thời trung học phổ thông khi các em “ghẻ lạnh” với những môn như Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Công nghệ, Thể dục… Mang theo tâm lý đó từ bậc phổ thông, khi lên cao đẳng, đại học, sinh viên cũng cho rằng việc dành thời gian và công sức cho các môn đại cương đang làm chậm chân các em trên con đường tiến đến kiến thức chuyên môn, chuyên ngành mà các em yêu thích.
Tình trạng trên không chỉ bắt nguồn từ nhận thức chưa đầy đủ của tân sinh viên. Cho rằng các môn đại cương là những môn học có phần đơn giản, ít dụng công, nhiều trường phân công các giảng viên trẻ đảm nhiệm các môn học này. Một giảng viên trẻ, thậm chí có thể được bố trí dạy ba, bốn môn đại cương (bao gồm các môn trong chuyên môn hẹp và cả các môn thuộc chuyên ngành gần với chuyên môn bản thân).
Cũng với quan niệm xem nhẹ các môn đại cương, nhiều giảng viên trẻ xác định dạy cho qua, thiết kế chương trình giảng dạy rập khuôn, đóng khung, vì còn bận dành thời gian và tâm sức chuẩn bị bài giảng cho môn chuyên ngành. Trong khi đó, để giảng dạy các kiến thức đại cương, nền tảng, không những đòi hỏi giảng viên phải nắm vững khối lượng tri thức mà còn phải thường xuyên liên hệ với vốn sống đa dạng, phong phú.
Không dừng lại ở đó, áp lực lớp đông cũng là một thiệt thòi, một trở ngại lớn khiến giảng viên phụ trách các môn đại cương dần dần không mặn mà với những môn học mà mình trực tiếp đứng lớp. Các lớp này thường là lớp ghép bởi sinh viên đăng ký tín chỉ từ nhiều chuyên ngành, nhiều khoa khác nhau. Nhà trường muốn tận dụng giờ giảng của giảng viên nên cũng hướng đến việc xếp lớp một cách cơ học. Sinh viên thì lại không chú trọng việc tiếp thu kiến thức, cũng không chủ động liên kết làm việc nhóm vì xác định là môn học cho qua, các bạn trong lớp cũng chỉ học chung với nhau môn này, về sau không gặp lại!
Gỡ rối cho việc dạy và học các môn đại cương
Muốn thay đổi một thực trạng tiêu cực, công việc đầu tiên bao giờ cũng nên làm là thay đổi nhận thức. Thay đổi nhận thức của cả người dạy, người học lẫn nhà quản lý.
Tân sinh viên vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, mang theo thế nôn nóng muốn được học những kiến thức liên quan trực tiếp đến ngành nghề mà mình lựa chọn. Trong khi các môn đại cương là những môn khoa học cơ bản. Thế nên, ngay từ ngày đầu nhập học, nhà trường rất cần giải thích cặn kẽ tầm quan trọng của các môn đại cương sẽ giúp sinh viên có tư duy logic, có phương pháp học tốt các môn chuyên ngành vào năm ba, năm tư sau này như thế nào. Cố vấn học tập và giảng viên phục trách môn học gợi ý cho sinh viên những “bí kíp” để học tốt các môn đại cương.
Thường xuyên thay đổi phương thức truyền tải kiến thức theo hướng sinh động và sáng tạo cũng là một cách tốt sẽ giúp người thầy thu hút và thay đổi cách nhìn của sinh viên về các môn học đại cương trong môi trường đại học. Đó có thể là chương trình ngoại khóa, giao lưu xã hội do chính sinh viên tự thiết kế trên cơ sở nôi dung bài học. Đó có thể là những buổi tham quan, điền dã, thực nghiệm để đi sâu vào việc tiếp cận kiến thức.
Bên cạnh đó, để giảng viên có điều kiện nhiệt tâm với các môn đại cương cũng cần thay đổi tư duy quản lý. Để thiết kế một bài giảng hay, cuốn hút sinh viên, khó khăn của các thầy cô môn đại cương lẫn chuyên ngành là như nhau. Để việc dạy và học đạt được kết quả thực chất, sỉ số sinh viên cho mỗi lớp học cũng là yếu tố hết sức quan trọng. Thế nên, công việc gỡ rối cho việc dạy và học các môn đại cương, nhà quản lý không thể là người ngoài cuộc!
Tác giả: Trần Xuân Tiến
Nguồn tin: Báo Dân trí