Những “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” là một lợi thế du lịch chưa được khai thác đúng mức. Ảnh tư liệu
*Kinh tế biển miền Trung bao năm vẫn loay hoay chưa có hướng đi rõ rệt, vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?
Miền Trung từ góc nhìn kinh tế người ta thường cho rằng ít tiềm năng, nhiều yếu thế: Khí hậu khắc nghiệt, nhìn lên thì thấy núi với tài nguyên rừng, khoáng sản không phải quá phong phú; nhìn xuống thấy cát nóng bỏng nắng nhiều hơn mưa; nhìn ra biển thì mênh mông quá để có thể làm chủ các hoạt động trên biển.
Nhưng miền Trung có những lợi thế đặc thù, có vị trí địa chiến lược trọng yếu, có những thách thức nhưng cũng không ít cơ hội. Thiên nhiên miền Trung từ góc độ phát triển cảng biển và du lịch biển thì rất tiềm năng, rất tốt do ít ảnh hưởng bởi châu thổ nên ít sa bồi, bờ núi lan ra biển tạo nên cảnh quan ‘sơn thủy hữu tình’ rất đẹp, dải đất ven biển nhiều cồn cát với các bãi cát đẹp nằm ven các cung bờ cát tĩnh lặng, có những vịnh nước sâu, trong và gần đường hàng hải quốc tế, có 12 đầm phá điển hình giàu tiềm năng phát triển. Biển miền Trung rộng, không chỉ có sản vật ven bờ mà còn có sản vật “kiểu đại dương” ở vùng biển nước sâu và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông.
Tuy nhiên, đấy mới là các “lợi thế tĩnh” vì làm cảng không chỉ là độ sâu, hay gần tuyến hàng hải quốc tế mà còn phải có hàng hóa xuất – nhập. Yếu thế là miền Trung ít hàng hóa, thông lượng hàng hóa qua cảng miền Trung đến nay chưa nhiều và đa dạng, điều kiện phát triển hiện tại của miền Trung yếu kém hơn 2 đầu đất nước. Yếu thế khác là giao thông nội vùng và liên kết với bên ngoài. Gần đây chúng ta đã nâng cấp quốc lộ 1 ven biển (cũ) nhưng tuyến ngang chưa phát triển tốt và tuyến sát biển mới bắt đầu để có thể đảm bảo liên kết nội vùng miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận… Miền Trung cũng là nơi chịu nhiều thiên tai và sự cố môi trường như bão lũ, trượt lở đất, động đất, cát trôi, cát chảy và thậm chí nguy cơ tác động của sóng thần.
Quan điểm của người làm chiến lược và kế hoạch dài hạn là cố gắng nhận dạng đúng lợi thế và yếu thế, có cách tiếp cận đúng để chuyển yếu thế thành lợi thế và chuyển lợi thế thành lợi ích. Điều đó phụ thuộc vào 2 yếu tố: “Lợi thế động” là cơ chế, chính sách và độ mở của nó thì ít được quan tâm. Lâu nay ta chỉ thích nhìn ‘lợi thế tĩnh’ là tiềm năng vốn có của thiên nhiên để “ăn sẵn”. Những “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình”, là yếu thế hay lợi thế? Đó chính là một phức hệ sinh thái đặc thù của miền Trung mà không nước Đông Nam Á nào có. Việc nuôi tôm trên cát ồ ạt của ta đã thất bại về dài hạn, chỉ cho hiệu quả mấy năm đầu, sau đó các tác động môi trường nảy sinh đã ảnh hưởng trở lại mục đích phát triển loại hình này. Trong khi có những nước Châu Phi toàn sa mạc vẫn phát triển được. Tôi đi Namibia thấy 100% đất nước là sa mạc cát nhưng những người từ Châu Âu sang đó cả tháng chơi những môn thể thao đặc thù ở cảnh quan của vùng cát, họ có những resort gắn với lợi thế vùng cát để khai thác thật sự “lạ lẫm” mà không đâu có. Miền Trung có nhiều cồn cát, có biển, có núi ven biển có thể phát triển du lịch hoang dã trên cảnh quan vùng cát như vậy.
*Vậy cần làm gì để phát triển lợi thế cảng nước sâu ở miền Trung, thưa ông?
Để phát triển các cảng này, như tôi đã nói, ta phải khắc phục yếu thế không có nguồn hàng, trước hết cần tạo ra “nhu cầu nội vùng”. Có cảng nhưng nó mới chỉ là “cái mồm”, lấy gì để cho “mồm ăn”, tức là có gì đi qua cảng, hàng hóa ở đâu? Không thể chặt gỗ, đào bới khoáng sản để có nguồn hàng đi bán mãi. Như vậy, để tạo nhu cầu nội vùng, đánh thức tiềm năng vốn có thì chúng ta đã có chủ trương, mà tôi cho đúng, là phát triển chuỗi đô thị miền Trung. Nó khác với chuỗi đô thị trước đây là phải gắn với cảng nước sâu và khu kinh tế ven biển.
Chú ý phát triển một số “đô thị đảo” ở quy mô thích hợp. Tức là quy hoạch cảng biển (dù có lợi thế) phải đặt trong bình đồ phát triển tổng thể của khu vực. Vùng nào có tiềm năng làm cảng nước sâu như Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai, Vân Phong,… phải nghĩ đến trong tương lai sẽ phát triển kéo theo một thành phố công nghiệp. Mô hình này không phải là mới. Hải Phòng gần 300 năm trước, từ một bến nhỏ Ninh Hải đã hình thành cảng Hải Phòng, kéo theo đó là nhịp độ đô thị hóa, hình thành thành phố dạng công nghiệp, ban đầu phục vụ cảng, sau mới có đột phá phát triển kinh tế tạo ra những ngành dịch vụ khác, cũng giống như mô hình Singapore vậy.
Thứ hai, đô thị-cảng tồn tại độc lập (như một cực phát triển) nhưng không được cô lập, phải tạo ra sự liên kết (không gian, nguồn hàng, phát triển, tác động lan tỏa). Sợi dây liên kết đó là các tuyến giao thông, gồm đường bộ, đường không, đường biển, các thể chế-chính sách liên vùng, liên ngành. Phát triển du lịch nhưng khách không đến được thì nhu cầu nội vùng đâu có. Kích thích nhu cầu nội vùng để phát triển, tôi cho đó là hướng đi đúng. Tuy còn ì ạch nhưng so với trước đây, miền Trung đã có dấu ấn rõ nét của kinh tế biển-ven biển, ở đâu chú ý hướng ra biển thì ở đó có khởi sắc. Các đô thị miền Trung khi quy hoạch không chỉ lấn về phía núi mà hướng ra phía biển, chỉ như vậy vùng duyên hải mới được đánh thức, tạo ra động lực lan tỏa, kết nối với không gian các đảo, với không gian kinh tế biển bên ngoài, tổ chức lại lãnh thổ để tạo ra một mạng không gian đột phá.
Lấy ví dụ, năm 2014 tôi ra Lý Sơn. Nói đến Lý Sơn là nói đến chủ quyền biển đảo của đất nước, nói đến một đảo nhỏ tiền tiêu, ai cũng tự hào, cũng muốn Lý Sơn phát triển, thoát nghèo và tương xứng với những gì Lý Sơn cống hiến cho đất nước. Nhưng là một đảo núi lửa chỉ khoảng 10km2 và một đảo bé chưa đầy nửa km2 cấu tạo bởi xỉ núi lửa không phân lớp, hoàn toàn không có nước ngầm ngọt… Lý Sơn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, “sức tải phát triển” hữu hạn.
Rất cần đất liền, cần sự kết nối không gian, kết nối cung – cầu với đất liền thì Lý Sơn mới thực sự phát triển được trong dài hạn. Chừng nào các vùng ven biển Quảng Ngãi không khởi sắc như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang thì chưa thể phát triển Lý Sơn như mong muốn của cả nước. Có lẽ Lý Sơn nên phát triển theo hướng “đô thị đảo” ở quy mô thích hợp với sức tải phát triển. Tôi nhớ năm 1998 Ngân hàng Thế giới đã đưa ra ý tưởng phát triển vùng duyên hải theo cách tiếp cận phát triển toàn diện dựa trên việc hình thành một “Khuôn khổ phát triển toàn diện” (Comprehensive Development Framework-CDF). Muốn phát triển hiệu quả lâu dài cũng phải nhìn từ bây giờ, từ tất cả các ngành, đột phá vào khâu nào thì mới đi đúng hướng và thành công.
Bên cạnh “lợi thế tĩnh” có rồi, yếu thế thấy rồi, còn “lợi thế động”(chính sách, thể chế, chuẩn mực khoa học-công nghệ) phải hoàn thiện theo hướng mở và ở đẳng cấp chắc không phải như bây giờ. Công nghệ mình đi sau thì phải phấn đấu có đẳng cấp công nghệ cao, nếu không thì mình vẫn tụt hậu. Nhà nước đã có cơ chế vĩ mô, đã hội nhập WTO, TPP, cửa lớn đã mở nhưng từng cửa nhỏ chưa mở. Ở nước Mỹ, mỗi bang có chính sách khác nhau tạo ra quyền hạn khác nhau, phù hợp với đặc thù của từng bang. Miền Trung cũng vậy, phải có cách đi riêng mới có thể bứt phá.
*Vậy những định hướng phát triển kinh tế biển miền Trung trong Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 của chúng ta chưa đủ hay sao, thưa ông?
Chúng ta mới có “khung” Chiến lược Biển Việt Nam đến 2020 (ban hành năm 2007), chưa có các chiến lược cụ thể theo vùng lãnh thổ về phát triển kinh tế biển. Chiến lược khung này mới đưa ra các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo, đưa ra các định hướng phát triển theo lĩnh vực và các vùng biển. Đặc biệt đã xác định được mối quan hệ giữa phát triển và bảo vệ, lấy kinh tế làm trục chính, từ đó điều chỉnh quan hệ với vấn đề quốc phòng, với tài nguyên, môi trường và xã hội biển, đảo. Lâu nay vấn đề xã hội biển là vấn đề lớn, nếu không huy động được nguồn lực giải quyết được vấn đề xã hội thì ai ra biển, ai bám biển? Trong khi miền Trung lại đang phải đối mặt với vấn đề phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền.
Muốn phát triển kinh tế biển phải có chiến lược riêng, cụ thể cho từng vùng biển, được xây dựng theo cách tiếp cận toàn diện để tạo ra một CDF cho vùng. Trong đó phải triển khai các mục tiêu chiến lược, định hướng lớn cho từng lĩnh vực, đối chiếu mối liên kết giữa chiến lược đó với chiến lược các bộ ngành. Riêng miền Trung vấn đề kinh tế biển gắn với chủ quyền là rất lớn, vì vậy khi xây dựng chiến lược, phải chú ý lồng ghép các hợp phần chiến lược cho từng ngành, biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh. Lẽ ra phải có một chiến lược biển riêng dưới dạng một CDF cho miền Trung, trong đó phải giải quyết mối quan hệ kinh tế – quốc phòng, kinh tế – xã hội rất quan trọng.
Xảy ra tình huống “xấu” trên biển Đông thì lực lượng ngư dân miền Trung là không thể thiếu, họ sẽ tạo ra bình diện mới, những quyết định mới trên biển Đông. Vì ngư dân miền Trung rất có kinh nghiệm nghề nghiệp, có bản lĩnh và tính mạo hiểm, “thiện chiến” trong nghề biển, quả cảm như ta đã từng thấy trong vụ giàn khoan HD981 năm 2014. Miền Trung là cửa mở ra biển Đông, nhưng vẫn còn thiếu một chiến lược riêng theo cách nói trên cho miền Trung về biển.
*Trở lại vấn đề các khu kinh tế biển như ông đã đề cập, thực ra chúng ta đã có rất nhiều khu kinh tế biển rồi, nhưng cần làm gì để phát huy hiệu quả của chúng?
Có khu kinh tế biển đã nhen nhóm từ trước Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 (trước năm 2007) cả 10 năm hay hơn nữa. Trong chiến lược biển 2020 này đã xác định rất đúng là đến năm 2020 sẽ có 15 khu kinh tế ven biển hoạt động hiệu quả. Năm 2010. Chính phủ đã quyết định xây dựng 15 khu kinh tế ven biển, qua thực tế đầu tư-phát triển năm 2012 Chính phủ rút xuống còn 5 nhóm khu kinh tế ven biển được ưu tiên đầu tư đến năm 2020: Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai-Dung Quất (Quảng Nam-Quảng Ngãi) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ngoài ra, có những khu kinh tế ven biển khác không ưu tiên cấp quốc gia đầu tư như Vân Đồn, Sóng Thần, Nhơn Hội, Thị Nại…
Ở cấp quốc gia, các khu kinh tế ven biển, trên đảo cùng với chuỗi đô thị ven biển đã có (Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu,…) sẽ tạo ra các cực phát triển trong vùng kinh tế động lực ở dải ven biển quốc gia. Với các tỉnh, đóng góp của các khu kinh tế ven biển vừa qua rất lớn, như Đình Vũ, Chu Lai, Dung Quất, Vũng Áng,… Nhưng sau quá trình vừa phát triển, vừa điều chỉnh, đã đến lúc phải có tổng kết nghiêm túc để nhìn lại, không nên nghĩ rằng chúng ta đã được rất nhiều. Cái được đó so với cái chưa có gì của tỉnh thì rất lớn, rất đáng tự hào, nhưng cầu toàn hơn thì phải so cái được đó với đẳng cấp khác, đẳng cấp quốc tế, tức là so với các khu kinh tế ven biển của các nước khác đi trước, như: Chu Hải, Thâm Quyến, Hạ Môn (Trung Quốc)… để xem ta đang đứng ở “cây số” mấy của chặng đường phát triển.
Các khu kinh tế ven biển gắn với cảng nước sâu như Dung Quất, Chu Lai chưa hình thành được đô thị lớn đi kèm, nhưng đô thị như Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa đã có thay đổi lớn. Cái thiếu hiện nay là thiếu kết nối vùng mà chúng ta đang xây dựng tuyến đường ven biển. Nhưng đường giao thông và hạ tầng chưa đủ, mà cơ chế, chính sách tạo cơ hội kết nối vùng mới quan trọng.
*Vậy chúng ta cần cơ chế nào để tạo ra sự khác biệt?
Tôi nghĩ nên đầu tư thêm cho một số đảo ven bờ miền Trung theo hướng phát triển du lịch gắn với đô thị hóa quy mô hợp lý, không ưu tiên phát triển công nghiệp trên đảo. Khi đó, cùng với các đô thị ven biển và khu kinh tế-cảng biển, mỗi hòn đảo tạm gọi như những “viên ngọc trai” trên “chuỗi ngọc trai” ven biển và trên biển miền Trung. Cần nhấn mạnh rằng, Trung Quốc triển khai “Sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” qua việc thiết kế một chuỗi ngọc trai trên biển, trong đó có hai “viên ngọc trai” Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vậy thì tại sao mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo mà không lưu ý phát triển theo hướng đó để đối sách? Tôi muốn xây dựng một bình đồ phát triển cho miền Trung, gồm các đô thị ven biển, đô thị đảo, nhưng phải gắn với du lịch và bảo tồn thiên nhiên hướng tới tăng trưởng xanh lam (blue growth).
Nhiều nước cách đây 20 năm họ đã phát triển nghề cá giải trí, vừa giữ được tài nguyên, vừa thu được tiền, trong khi đó mình vẫn phát triển nghề cá đánh bắt trong các vịnh nhỏ. Một hội thảo ở Bangkok năm 2014 về bảo tồn rạn san hô, gắn với thị trường du lịch lặn (diving tourism) nhận xét rằng, Việt Nam vẫn chưa gắn được hai điều này với nhau. Việt Nam khởi động du lịch lặn ở vịnh Nha Trang từ 1994, là sớm so với khu vực nhưng đến nay đi sau tất cả các nước ASEAN có biển về nghề cá giải trí và du lịch lặn. Doanh nghiệp khai thác thiên nhiên thu tiền, không gắn được với bảo tồn. Tất cả chỉ nhìn ngắn hạn và thiếu liên kết trong phát triển.
Nha Trang năm 2001 được chọn là một trong ba khu bảo tồn biển được các tổ chức quốc tế đầu tư quản lý hiệu quả. Kinh nghiệm của Philippin cho thấy, 3 năm sau bảo tồn, bảo vệ tốt là nguồn lợi phục hồi, 5 năm là nguồn lợi phát tán nhưng ở ta càng quản lý nguồn lợi càng suy giảm. Lỗi chính là chủ quan của ta, chính sách chưa toàn diện, đẳng cấp thể chế và công nghệ thấp, cơ chế phối hợp liên ngành, liên cơ quan, liên vùng yếu.
Thực ra chúng ta cũng có những bài học ngay từ Việt Nam. Đà Nẵng được chọn là “thành phố đáng sống” nhưng cũng có bài học về quy hoạch các khu resort ven biển quá tải làm mất các không gian ven bờ công cộng (public space). Các thành phố khác như Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… có thể rút kinh nghiệm từ thực tế chưa đựơc của Đà Nẵng để có định hướng phát triển dài hạn cho đúng. Một trong những nguyên tắc khi làm chiến lược khai thác, sử dụng các hệ thống tự nhiên và nhân văn (đô thị, cây cầu, một vịnh biển, một đầm phá, đảo/cụm đảo…) là phải xem xét kỹ lưỡng 3 thuộc tính cơ bản: “tính trội” của hệ thống là gì, “tính đa dụng” và “tính liên kết” thế nào. Nếu không tìm ra tính trội thì dễ bị bệnh hội chứng. Một hệ thống cũng có tính đa dạng, nếu tính đa dụng không được tôn trọng, chính sách phát triển chỉ dành cho một ngành/một hoạt động thì phát triển ngành này xong có thể sẽ phá mất tiềm năng ngành kia. Giữa các hệ thống đó không có tính liên kết thì không thể đánh thức được tiềm năng và tạo động lực lan tỏa.
*Láng giềng Singapore có thể đem lại cho chúng ta bài học gì về kinh tế cảng biển, thưa ông?
Singapore có lợi thế về mặt địa lý (vị thế tự nhiên) là nằm ở vị trí “nút giao” trên tuyến hàng hải quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đi qua eo biển Malasca. Từ khoảng 50 năm trước, nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu đã nhận ra “vị thế” quan trọng đó và xem nó là một lợi thế đặc biệt: Singapore là nơi “dừng chân” của các tàu nước ngoài trên chặng đường xuyên đại dương. Vì thế, ông đã xác định phát triển cảng biển và dịch vụ quanh cảng là mũi “đột phá” của nền kinh tế. Làm tốt các dịch vụ như vậy (bảo dưỡng nhanh, sửa chữa tàu biển, cấp nước ngọt và xăng dầu, dịch bệnh-y tế, vệ sinh tàu…) sẽ giữ chân được “khách hàng” và bảo đảm an toàn cho các con tàu yên tâm đi tiếp chặng đường dài xuyên đại dương. Giá trị từ dịch vụ mang lại sự giàu có cho đất nước Singapore, tức là chú ý đến dịch vụ cảng chứ không phải cảng chỉ là để xuất khẩu. Sau này, từ cảng và đô thị hoá mở rộng sang phát triển các lĩnh vực dịch vụ khác như: du lịch, xử lý sự cố tràn dầu và quân cảng… và được tự động hóa ở mức độ cao nhất.
Dịch vụ biển của chúng ta còn yếu kém, ngoài cơ chế chính sách định hướng cho phát triển dịch vụ, thì việc tuân thủ các chuẩn mực, quy tắc, pháp luật không nghiêm, thiếu nụ cười đến thủ tục hành chính rườm rà, công nghệ lạc hậu. Làm sao để tàu nước ngoài có thể vào cảng của Việt Nam dài ngày nhất, thủy thủ đoàn lên nghỉ ở khách sạn thì khách sạn mới có tiền, ra về thì họ yên tâm vì trong thời gian dừng chân tàu đã được chỉnh sửa để đi tiếp chặng đường xa nữa và an toàn… Dịch vụ phải đạt đến trình độ thương hiệu quốc tế và mức độ lòng tin cao thì mới ăn thua.
*Ông có lo ngại nguy cơ tụt hậu về kinh tế biển của Việt Nam với các nước láng giềng?
Tiềm năng tự nhiên (lợi thế tĩnh) của chúng ta không thua kém các nước, thậm chí có tính trội hơn. Thiên nhiên Nha Trang, Quy Nhơn có lẽ đẹp hơn Pattaya của Thái Lan nhiều. Nhưng tại sao Pattaya nổi tiếng? Đó chính là vấn đề “độ mở” của cơ chế, chính sách đã tạo ra “lợi thế động” để tác động đánh thức hoặc sử dụng hợp lý tiềm năng, từ đó bù cho “yếu thế” tự nhiên.
Việc chúng ta phải làm ngay là phát triển và triển khai một CDF (Khuôn khổ phát triển toàn diện) cho biển và vùng ven biển miền Trung trên tinh thần của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xuất phát từ thực tiễn và trên cơ sở phát triển tính đặc thù, tính trội vùng, miền. Cảng Rotterdam của Hà Lan có từ mấy thế kỷ trước mà đến giờ tổng công năng của mấy chục cảng biển Việt Nam đã quy hoạch còn chưa bằng, chưa kể thực tế công năng khai thác các cảng biển đã quy hoạch chỉ đạt bình quân 40% công năng thiết kế, 60% còn để lãng phí. Đó là những ví dụ về câu chuyện tầm nhìn. Tức là tiềm năng có, nhưng tầm nhìn ngắn hạn, thiếu chuẩn xác thì không phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng được. Phải nhìn xa nữa, trông rộng hơn nữa mới có sức bật và khả năng đột phá trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.
Xin cảm ơn ông!
Mỹ Hằng