Nhân ái

Mẹ nghèo nhói lòng nhìn con bị mô bào phổi 5 năm trời không đầu hàng số phận

Những ngày cận kề cuối năm, hình ảnh cậu bé 17 tuổi gầy guộc với chằng chịt các đường ống quấn trên người nằm ở phòng điều trị cách ly (Bệnh viện Việt Đức) khiến ai cũng đau lòng. Vậy mà 5 năm qua, cậu và gia đình chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận…

Bệnh nhân Nguyễn Văn Đức đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Việt Đức (ảnh Bệnh viện cung cấp).

21 giờ nín thở giành lại sự sống

Đáng lẽ cậu bé Nguyễn Văn Đức (quê ở Thanh Miện, Hải Dương) phải được sống cuộc sống khỏe mạnh, vui chơi, học tập như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Nhưng số phận không như ý, bước sang tuổi 17 tuổi, cũng chạm ngưỡng 5 năm Đức phải lấy bệnh viện làm nhà, bởi căn bệnh mô bào phổi, mà các y bác sĩ mệnh danh đây là bệnh “em của bệnh ung thư”. Thế nhưng, chưa bao giờ em gục ngã, chịu đầu hàng số phận.

Ngay từ khi tiếp nhận Đức, ê-kíp bác sĩ thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận định, sự sống của Đức chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Bởi toàn bộ phổi của em đã hỏng hoàn toàn, kèm theo thể trạng rất yếu, tế bào gan vừa nhiễm độc, vừa suy gan. Nếu muốn cứu Đức, chỉ còn cách là ghép phổi. Mà khó khăn lớn nhất thời điểm tiếp nhận Đức vào bệnh viện thì 100% bác sĩ Việt Nam chưa từng “chủ trì” một kíp mổ tương tự. Đây là một khó khăn và áp lực rất lớn mà ê kíp bác sĩ phẫu thuật phải đối mặt.

Ở phút chót của sự sinh - tử, dường như, “thần may mắn” bắt đầu mỉm cười với gia đình em Nguyễn Văn Đức. Bởi các bác sĩ và gia đình đã bất ngờ nhận được lời đề nghị ghép phổi từ một người xa lạ. Đặc biệt hơn nữa, kết quả các xét nghiệm của người xa lạ ấy lại hoàn toàn trùng khớp với người nhận.

Mặc dù những ca phẫu thuật ghép nội tạng được thực hiện trước đó tại Bệnh viện Việt Đức đều có sự tham gia của các bác sĩ nước ngoài. Tuy nhiên, khi Đức đang ở thời khắc sự sống chỉ còn tính bằng giây, ngày 12/12/2018, các bác sĩ thuộc khoa Phẫu thuật tim mạch đã quyết định tiến hành phẫu thuật ghép phổi, để giành lại sự sống cho em.

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Bảo Loan

ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà. Ảnh: Bảo Loan

Ngày 10/1/2019, chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà - khoa Phẫu thuật tim mạch, là thành viên trong ê-kíp phẫu thuật ca bệnh của Đức ngậm ngùi: “Trong các ca phẫu thuật thì có thể khẳng định, ghép phổi là khó nhất. Riêng với ca bệnh của Đức, chúng tôi mất 5 giờ đồng hồ để lấy phổi và trải qua 14 giờ đồng hồ để ghép phổi vào cơ thể Đức. Mặc dù Đức đã tỉnh táo, nhưng Đức luôn trong tầm kiểm soát của bác sĩ và dù phẫu thuật thành công, nhưng mọi diễn biến không thể nói trước và khẳng định được gì. Giai đoạn sau phẫu thuật, Đức chống chọi với thể trạng mới là gian nan nhất”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (BV Hữu nghị Việt Đức) tâm sự: “Có thể khẳng định, đây là một phép màu với Đức. Bởi có những trường hợp chờ ghép phổi cả năm trời, nhưng không có người cho và phải chấp nhận chết. Hoặc lúc có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, dẫn đến không thực hiện được. Có thể nói, ca bệnh của Đức là một sự thử thách đối với bệnh nhận và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu khá là nguy kịch”.

“Dù biết là khó khăn, nhưng có một điều đặc biệt, khiến tôi bị ám ảnh và nhớ nhất chính là ánh mắt và sự cầu xin của cậu bé. Khi đó, Đức đã yếu lắm rồi, nhưng vẫn cố mở mắt ra nhìn chúng tôi và đòi nắm tay bác sĩ mãi không chịu buông. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh không chỉ cho riêng tôi, mà cho toàn thể bác sĩ ca mổ ngày hôm đó, để ca mổ thành công”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước bùi ngùi nhớ lại.

Cuộc “chiến đấu” chưa có hồi kết

Chị Nguyễn Thị Thuận (bên phải).

Chị Nguyễn Thị Thuận (bên phải).

Những ngày Đức nằm ở phòng cách ly đặc biệt, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuận (bố mẹ Đức) luôn chạy đôn chạy đáo để vừa chăm sóc con, vừa tranh thủ kiếm từng đồng tiền để trang trải những ngày lo toan ở bệnh viện. Chị Thuận nói trong nước mắt: “5 năm đi viện là thời gian dài đằng đẵng của con và nỗi đau vô tận của vợ chồng tôi. Thu nhập của nhà tôi cũng chỉ dựa vào cây lúa, cây ngô theo mùa vụ. Trong nhà chẳng có gì đáng giá vì thời gian cháu nằm viện đều đã bán mọi thứ đi để chạy chữa cho con, muốn vay thêm mọi người cũng chẳng được vì nợ cũ đã quá nhiều rồi. Cũng may là tôi được 3 bữa cháo từ thiện, chứ không chắc cũng không trụ được đến ngày hôm nay”.

Nói đến chồng, chị Thuận nghẹn ngào: “Những ngày con nằm phòng cách ly, bố của Đức cũng ở luôn trên này và đi xin làm phụ hồ ở công trình khu gần cầu Thanh Trì để gần con hơn”.

Ca đại phẫu gần 20 tiếng được ghép phổi từ người chết não thành công, tuy nhiên tính mạng của Đức vẫn đang bị đe dọa từng giây, từng phút với quá trình hậu phẫu nhiều nguy cơ rình rập. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước: “Đức đã được mổ, đó là bước đầu tiên cho cơ hội sống duy nhất, nhưng em có được bước ra khỏi phòng bệnh hay không lại là cả câu chuyên đầy nan giải. Bởi thể trạng của cậu bé bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng trên nền phổi vừa được ghép và có nguy cơ xuất hiện nhiều vi khuẩn, nên cùng lúc phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống thải ghép, với chi phí rất tốn kém. Bên cạnh đó tế bào gan bị nhiễm độc, em bị suy gan từ trước mổ nên có rất nhiều nguy cơ đang rình rập để mang cậu bé của chúng tôi đi bất cứ lúc nào”.

Cũng theo ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hà: “Chi phí mổ và chăm sóc trước, sau mổ cho Đức khoảng gần 900 triệu đồng. Vì hoàn cảnh gia đình cháu Đức đặc biệt khó khăn, nên phía Bệnh viện đã ứng các chi phí để tiến hành mổ và điều trị cho Đức. Đến nay, số tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm cho Đức được khoảng hơn 100 triệu đồng. So với chi phí ước tính ban đầu, số tiền này chỉ chưa bằng 1/10 tổng chi phí của ca phẫu thuật. Đến nay, dù ca phẫu thuật đã diễn ra, nhưng việc sinh hoạt của gia đình và Đức tại Bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào các bữa ăn từ thiện. Sau này, khi phục hồi sức khỏe, được xuất viện thì hàng tháng, cháu Đức vẫn phải đến Bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Dự kiến chi phí tiền thuốc hàng tháng cũng tính bằng tiền chục triệu. Vì vậy, phía bệnh viện cũng thay mặt gia đình, kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ Đức và gia đình trong giai đoạn khó khăn này”.

Nhìn đứa con trai tội nghiệp qua khung cửa kính phòng cách li đặc biệt, chị Thuận không khỏi đau đớn vì chẳng thể làm gì ngoài tình mẫu tử thiêng liêng, chị chẳng còn gì hơn để có thể đồng hành với con qua giai đoạn khó khăn này. Thương con, nhiều năm nay, những của cải đáng giá trong gia đình cũng lần lượt “đội nón ra đi”, kể từ lúc Đức đi viện. Vì vậy, giờ đây, Đức và gia đình cần sự đồng lòng, giúp đỡ, chia sẻ từ các nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội, để Đức có đủ động lực và kinh phí, để có thể tiếp tục với hành trình “giành lại sự sống từ tay tử thần”.

Mọi sự giúp đỡ cho em Nguyễn Văn Đức xin gửi về:

1. Chị Nguyễn Thị Thuận (mẹ Đức), thôn An Bình, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Tác giả: Bảo Loan - Hoàng My

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP