Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cũng như ý thức được lợi ích kinh tế từ loại cây đặc sản này mang lại, những năm gần đây, cùng với sự chỉ đạo của chính quyền và nỗ lực của người dân, vượt qua những khó khăn thử thách về khí hậu, các lọai sâu bệnh, cam bù đã dần trở thành một trong những cây chủ lực cho sự phát triển của kinh tế trang trại vườn đồi, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng biên viễn. Qua tìm hiểu được biết, hiện tại toàn huyện có 260 ha cam bù trồng theo mô hình vườn và mô hình trang trại, tập trung ở các xã Sơn Mai, Sơn Trường, Sơn Kim, Sơn Phố… với tổng sản lượng 990 tấn thu nhập lên đến 20 tỷ đồng. Nhờ vào cam bù mà nhiều gia đình ở Hương Sơn đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu và trở thành triệu phú.
Cùng với nhịp bước hối hả của thương khách tìm về vựa cam ở xã Xuân Mai, rong ruổi trong những rừng cây rực vàng màu trái chín, tôi như cảm nhận được hương vị của thiên nhiên, đất trời mùa xuân qua những giọt vàng óng ánh căng tròn dưới lớp vỏ mỏng. Anh Nguyễn Xuân Linh, một chủ trang trại ở Xuân Mai cho biết: “ Hiện tại gia đình tôi đã trồng được gần 500 gốc cam bù. Nhờ được mùa, được giá nên thu nhập từ cây cam cũng mang lại cho tôi trên 100 triệu đồng/ năm”. Sự năng động đi đầu của gia đình anh đã góp phần mở ra một hướng đi mới cho biết bao hộ dân trong khát vọng làm giàu. Và theo thống kê của huyện, đến thời điểm hiện tại, số gia đình có thu nhập từ 30 triệu đồng/ năm từ cây cam bù là không ít.
Vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn thử thách từ khí hậu khắc nghiệt, sự đe doạ của các loại bệnh vàng lá, gân xanh, tàn lụi…gây tổn hại cho loài cây quý hiếm này, nhưng với quyết tâm của người dân trong việc phát huy tiềm năng thế mạnh của loài cây đặc sản, cam bù Hương Sơn đã ngày khẳng định thương hiệu và chất lượng của mình. Theo bước chân của thương khách qua từng chuyến xe ngược xuôi, cam bù đã góp phần đa dạng thêm sắc màu của mùa xuân bằng hương vị đậm đà, tươi mát.
Lê Kiên
Báo Hà Tĩnh