Cư Dân Mạng

Mánh lừa ẩn sau tin bán tiền giả nhan nhản trên Facebook

Hám lợi từ việc mua tiền giả giống đến 98% với mức chênh lệch cao, nhiều người đã chuyển khoản tiền đặt cọc và không bao giờ nhận được hàng như thỏa thuận.

Đầu tháng 12 trong một lần lên mạng tìm mối đổi tiền mới cho Tết 2017, anh Nguyễn Quang Trung (Hà Nội) bất ngờ khi thấy hàng loạt các trang cá nhân công khai rao bán tiền giả với những lời mời chào hấp dẫn. Nhấp chuột vào trang có tên “buôn bán tiền giả…”, anh càng ngạc nhiên hơn khi đọc lời rao bán với mức chênh lệch cao cùng khẳng định chắc nịch về uy tín.

Trót nổi lòng tham, anh Trung liên lạc giao dịch mua 10 triệu đồng tiền giả với giá 3 triệu đồng tiền thật. Bên bán không đồng ý gặp mặt, ra điều kiện anh phải chuyển trước 30% bằng các thẻ cào để đặt cọc với lý do đảm bảo đơn hàng là thật. Thỏa thuận kỹ càng, anh Trung chuyển tiền và không thấy được giao hàng. Và khi không thể liên lạc người này, anh hiểu đã bị một vố lừa.

lua-ban-tien-gia-qua-mang-xa-hoi

Những cọc tiền hấp dẫn được dùng để quảng cáo bán tiền giả.

Theo tìm hiểu của VnExpress, để thu hút những khách hàng, những người rao bán tiền giả trên Facebook liên tục đăng hình ảnh về những cọc tiền có mệnh giá 100.000-500.000 đồng kèm theo những lời mời chào về mức lợi nhuận hấp dẫn. Có người quảng cáo: “Bên mình cho đổi một triệu tiền thật lấy 10 triệu tiền giả. Tiền giả giống 98%”.

Để trấn an khách hàng trong việc làm phạm pháp này, có người viết: “Các tờ có cùng mệnh giá giống nhau đều có chung một seri nhưng chỉ khi ra ngân hàng mới bị phát hiện. Còn đi chợ mua hàng tạp hoá, đổ xăng thì không sao hết”.

Như để khẳng định uy tín của mình, có chủ tài khoản rao bán tiền giả còn đưa bức ảnh có tin nhắn phản hồi của khách hàng khi giao dịch thành công. Tuy nhiên, ngay dưới hình ảnh này xuất hiện nhiều bình luận bóc mẽ sự lừa đảo. “C này nó lừa đảo đấy mọi người. Gửi tiền cọc xong nó chặn luôn đấy. Đừng tin nó”, một người viết. Khi có thắc mắc “không hiểu sao công an lại chưa bắt mày nữa”, kẻ bán tiền giả thách thức: “Tưởng muốn bắt là bắt à, t có người đứng đường sau mới dám công khai bán tiền giả nhé”.

Một chủ tài khoản đã đăng hình chụp lại giao dịch với chủ trang Facebook mang tên một cô gái với dòng trạng thái bức xúc: “Có ai mua của bà này chưa ạ?. Em vừa bị lừa 500k tiền thẻ cào”. Ngay lập tức bên dưới có rất nhiều người nhận là nạn nhân. “Lúc trước nó hẹn mình giao dịch trực tiếp tại bến xe Tân Phú (TP HCM), khi đang kiểm tra tiền thì bị nó giật mất ví”, có người bức xúc.

Nhiều người cho biết, việc đăng ảnh hấp dẫn cùng những lời quảng cáo “có cánh” về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo đánh vào lòng tham của nạn nhân. Trong khi đó, người bị lừa không dám trình báo công an, đành “ngậm đắng nuốt cay” vì sợ bị liên đới về tội mua bán tiền giả.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: “Hành vi mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo điều Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999. Tùy theo số tiền, mức phạt có thể lên tới hình phạt tù chung thân.

Trường hợp rao bán tiền giả chỉ là thủ đoạn để chiếm đoạt tiền, nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên, người này sẽ bị xử lý về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.

“Người mua tiền giả trong trường hợp này có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lưu hành tiền giả mà được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Cường nói và khuyến cáo người dân không vì hám lợi mà mua tiền giả.

Quang Chiến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP