Nếu để ý, bạn sẽ thấy hầu hết các khu WC công cộng đều có phần cửa trống cả ở phía trên và phía dưới. Tờ Indiatimes đưa ra tới 6 công dụng của các khoảng thoáng này:
1. Phòng trường hợp khẩn cấp
Sự cố hay xảy ra nhất là khi bạn vào WC rồi mới phát hiện thiếu giấy vệ sinh. Khoảng trống bên trên, dưới cửa phòng sẽ giúp người ở phòng bên cạnh hoặc phía ngoài trợ giúp bạn. Ngoài ra, nếu cửa bị kẹt khóa, bạn có thể bò ra ngoài hoặc trèo qua khoảng trống phía trên.
Ảnh minh họa: Indiatimes. |
2. Ngăn chặn các hành vi không phù hợp
Khi khu vệ sinh có những khoảng thoáng, mọi người sẽ bớt lợi dụng không gian này để có các hành vi xấu như sử dụng ma túy, phá hỏng thiết bị vệ sinh, quan hệ tình dục...
3. Tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư
Những cánh cửa thông thường cần đo đạc cẩn thận để phù hợp với từng loại phòng. Trong khi đó, kiểu cửa WC có diện tích giảm giúp tiết kiệm tiền. Ngoài ra, chủ đầu tư có thể tái sử dụng sang khu vực khác nếu cần.
4. Biết bên trong WC có người hay không
Một số nhà vệ sinh có dấu hiệu ở cửa báo có người ở bên trong hay không. Tuy nhiên, rất nhiều nơi, bạn sẽ phải đẩy khẽ cửa. Nếu khoảng trống đủ cao, bạn sẽ nhìn thấy chân người bên trong.
5. Lau chùi dễ dàng và nhanh hơn
Khi cửa cách sàn một khoảng 20-30 cm, người lau dọn chỉ cần đẩy cửa vào bên trong là lau dọn được toàn bộ mặt sàn. Nếu cửa sát tới sàn, họ sẽ phải đẩy mở cửa ra vào một vài lần để làm sạch mọi ngóc ngách.
6. Giúp khu WC thông thoáng, bớt bị ám mùi
Nếu từng khoang vệ sinh bị đóng kín, các mùi hôi thối sẽ bị quẩn lại bên trong. Công dụng này đặc biệt ý nghĩa với các khu vệ sinh đông người sử dụng.
Tác giả: An Yên
Nguồn tin: Báo VnExpress