Một không gian mờ ảo khói sương giữa ngày mùa thu và bạt ngàn hoa cúc trắng. 10 ngôi mộ của các chị nằm bên nhau, gắn bó như khi họ còn là những cô gái đôi mươi dù đạn bom, gian khổ vấn rộn tiếng cười nơi ngã ba ác liệt ấy.
Những gương mặt còn rất trẻ, ánh nhìn trong veo, người lớn nhất là chị Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng, 22 tuổi và “cô út” của tiểu đội là Trần Thị Hương chỉ mới 17 tuổi.
Hơn 40 năm trôi qua, các chị vẫn mãi mãi trẻ trung ở tuổi đôi mươi. Và có lẽ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc”, bài thơ được khắc trên bia đá của nhà thơ Vương Trọng đã ra đời từ những khoảnh khắc xúc động khi đứng trước nghĩa trang của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc.
Những câu thơ đầu tiên vang lên như lời các chị thầm thì từ đất mẹ:
“Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi…”
Tôi tin rằng giữa nhà thơ và các chị đã có sự giao cảm để người đang sống có thể viết lên những câu thơ thấm đẫm sự khiêm tốn, nhường nhịn và sẻ chia… như chính phẩm chất của các chị khi đang sống. Bây giờ nằm đây, giữa bạt ngàn hoa và khói hương, có lẽ các chị vẫn không quên bao đồng đội của mình, mà có nhiều người trong số họ là liệt sĩ vô danh, đang ở đâu đó trong lòng đất mẹ và cần lắm những nén hương, những bông hoa tưởng nhớ. Vì vậy các chị mới cất lời tha thiết, rằng “Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp/Như cỏ trong thung, như nắng trên đồii…”, để có thể làm ấm lòng bao đồng đội còn phải chịu thiệt thòi…
Tượng đài Ngã Ba Đồng Lộc
Và những mơ ước cho riêng mình của 10 cô gái đôi mươi nơi ngã ba Đồng Lộc gửi người đang sống giản dị đến khiêm nhường:
“Ơi các em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi và bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che…”
Rồi các chị tiếp tục nhắn gửi với những người đang sống, rằng:
“Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường…”
Những ước mơ bé nhỏ này sao thương quá, ơi những cô gái ngã ba Đồng Lộc đang tuổi đôi mươi đã vì đất nước, vì quê hương nếm trải bao gian khổ, để khi ngã xuống chỉ mang theo trong lòng những ước mơ giản dị như khoai lúa, cỏ cây…
Và tôi đã khóc khi đọc những câu thơ cuối cùng:
“Cần gì ư? – lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết
Hương chia đều trong hư ảo khói nhang!”
Một điều ước rất dịu dàng con gái, những người con gái sinh ra và lớn lên trong lửa đạn, sống chết cùng quê hương để khi về với đất vẫn đau đáu ước mơ giản dị ấy. Tôi ngắm gương mặt của các chị từng bức ảnh, càng thương những mái tóc dài suôn mượt được thắt bím hay buộc gọn gàng, niềm tự hào rất riêng của con gái, đặc biệt với 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, những người cho đến khi hòa mình vào đất mẹ vẫn “…chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu…”
Tri ân
Lời những cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã vang vọng đến muôn sau, để bây giờ nơi các chị yên nghỉ đã rợp bóng cây bồ kết như lời tri ân của những người đang sống đối với sự hy sinh của các chị. Tôi ngẩng đầu nhìn trời, bầu trời ngày mùa thu trong vắt in đậm hình dáng của những cây bồ kết đã nhiều mùa trổ hoa và kết trái, làm đẹp thêm mái tóc 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Và tôi thầm cảm ơn nhà thơ Vương Trọng, người đã mang thông điệp của các chị đến với cuộc sống hôm nay.
NGỌC MAI (Báo Quảng Bình)