Sau sự ra đi của cô nữ sinh ngoan hiền chỉ ba ngày, cả dòng họ Phan lại phải gạt nước mắt tiễn đưa cụ Nguyễn Thị Chắt (bà nội Xuân – PV) về với tổ tiên. Những cái chết đến liên tiếp trong một đại gia đình đã khiến cả một miền quê yên bình trở nên hoang mang. Thậm chí, nhiều người đã từ chối tiếp xúc với đại gia đình bất hạnh này vì sợ mang họa.
Từ chuyện nữ sinh ham học “quyên sinh”
Bốn năm về trước, cô gái Phan Thị Xuân (SN 1994), thôn Tây Sơn, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) là công nhân làm thuê ở tận miền Nam. Vì gia cảnh nghèo đói, lại đông anh chị em (Xuân là con thứ 5 trong gia đình có 6 người con – PV) nên học đến lớp 9, cô nữ sinh đã phải nghỉ học để theo chị gái kế vào miền Nam làm công nhân. Làm khoảng một năm, thì mẹ và em trai cũng vào hết Đồng Nai. Cả nhà Xuân đổ xô tứ phía, tìm một chân làm công nhân trong các công ty để kiếm kế sinh nhai, vì đất đai ở nhà đã bị nhiễm mặn không sản suất được.
Thế nhưng, cuộc sống làm thuê lương ba cọc ba đồng, lại thường xuyên phải nghỉ làm do hết việc, khiến Xuân thêm chán nản và khao khát được tiếp tục đến trường như chúng bạn. Đầu năm 2012, Xuân xin mẹ và chị gái cho mình được về quê để học tiếp chương trình lớp 9 mà mình đã bỏ ngang giữa chừng. Dù gia đình khó khăn, nhưng khi thấy đứa con gái có lòng đam mê con chữ, người mẹ Nguyễn Thị Hồng cũng đồng ý cho nguyện vọng của đứa con gái.
Hè năm 2012, Xuân bắt xe về quê nhà với niềm vui rạo rực vì được tiếp tục đến trường. Tháng 9 năm đó, cô bắt đầu học tiếp chương trình lớp 9 tại trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà). Dù bị gián đoạn 3 năm, nhưng Xuân là gương mặt tiêu biểu trong lớp, vì em vừa thông minh, chăm học lại đối xử khéo léo với bạn bè. Xuân là niềm tự hào của thầy cô, bạn bè trong trường không những trong học tập mà còn trong lối cư xử khéo léo với mọi người. Vậy nên khi nghe tin nữ sinh nhảy cầu tự vẫn vào ngày 4/5, người thân trong gia đình và bạn bè thầy cô đều sốc trước thông tin đột ngột đó.
Phan Thị Ngân (SN 1995) (hiện đang học lớp 12, trường THPT Mai Thúc Loan – PV) là người bạn thân cũng là người chứng kiến toàn bộ sự việc bàng hoàng kể lại: “Hôm đó chừng khoảng hơn 17h, em đang vào nấu cơm thì thấy bạn Xuân nhắn tin hỏi đang làm gì và bảo em ra cầu Thạch Sơn đứng hóng mát cùng vì đang có chuyện buồn. Lúc đó đang bận, nên em đề nghị để ngày mai thì Xuân liền nhắn tin lại: “Mi chỉ gặp tau hôm ni nữa thôi, ngày mai tau không còn trên cõi đời này nữa”. Nghe vậy, em hoảng quá liền bỏ dở công việc rồi đạp xe đến địa điểm đã hẹn. Đến nơi, em thấy Xuân đang ngồi trên cầu ôm mặt khóc, em hỏi thì bạn ấy nói: “Tau giận bà ấy, tau đi học về mệt rồi còn bắt làm đủ việc, không vừa ý là lại chửi bới”” (Được biết, do trong nhà Xuân đang có bà nội và bố ốm nặng nên cô gái thường qua nhà chị gái đầu, nhà sát đó để sinh hoạt và học bài – PV). Thấy vậy, Ngân liền động viên: “Mày đừng buồn, chuyện gia đình thì ai cũng có xích mích cả. Với lại, chị ấy là chị gái mi nên mi cũng đừng nặng lời như vậy”.
Sau một hồi tâm sự, Ngân thấy bạn mình không khóc nữa mà chỉ ngồi cầm điện thoại nhắn tin liên tục nên cô cũng thấy an lòng. Sau đó, Xuân nhờ Ngân gọi người bạn thân nữa tên là Hoàng cùng đến nói chuyện và nhắn tin cho chị gái đầu mà mình đang sống cùng lên cầu nói chuyện lần cuối. Nhận được tin nhắn của bạn thân, Hoàng ý định đến đó gấp nhưng do không có xe nên cậu đã điện thoại nhờ chị gái Xuân là Phan Thị Hoa đến chở để cùng đến đó. Vì đang có xích mích với em gái nên khi chở đến đầu cầu, Hoa liền thả Hoàng xuống để cậu ta đi bộ đến rồi định quay xe ra về. “Vừa nhìn thấy hai người đó, Xuân đột nhiên quay người bước chân qua lan can. Thấy vậy, em vội nắm tay kéo lại. Nhưng từ phía dưới, Xuân dùng miệng cắn mạnh vào tay em rướm máu. Đau quá, em đành thả ra, bất lực nhìn bạn ấy trẫm mình xuống dòng sông”, Ngân kể rồi im lặng lau nước mắt.
Hôm đó, sự việc xảy ra khi đã tối trời, trên cầu lại không có đèn chiếu sáng, những người có mặt đều không biết bơi, nên họ vội tri hô dân làng. Phải mất một lúc sau, những người cứu trợ mới có mặt thì mọi chuyện đã quá muộn. 9h sáng ngày 5/5, người dân đã tìm thấy thi thể nữ sinh Phan Thị Xuân. Khi tìm được xác nạn nhân, mặc dù tất cả người thân trong gia đình chưa về kịp nhưng vì phong tục của địa phương, nên người ta đã làm lễ nhập quan cho cô gái và lễ mai táng được diễn ra ngay sau đó. Đám tang hôm đó ngoài người thân trong gia đình, họ hàng còn có đông đảo thầy cô, bạn bè, ai cũng thương tiếc cho cô gái ngoan hiền, chăm học lại ra đi đột ngột ra đi như vậy. “Chính em cũng không hiểu vì sao, bạn ấy lại suy nghĩ bồng bột như vậy. Từ khi đi học lại, Xuân quyết tâm lắm, luôn tâm sự sau này sẽ thi vào trường công an, cố gắng làm ra tiền để nuôi bố mẹ, vậy mà…”, Ngân nhớ lại ký ức của người bạn thân.
… Nỗi hoang mang vì tang tóc liên tiếp
Ngồi trước di ảnh con gái mình, người mẹ vẫn không chấp nhận nổi sự ra đi của đứa con hiền lành. “Lúc đó khoảng gần 5h chiều, tôi đang làm việc thì thấy nó nhắn tin đến với nội dung “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm, nhưng con gái bất hiếu xin đi trước mẹ vậy”. Lúc đó, tôi vội gọi lại thì thấy điện thoại không liên lạc được”, bà Hồng nhớ lại. Không những nhắn tin cho mẹ, Xuân còn nhắn tin cho em trai đang cùng làm thuê với mẹ mình: “Nếu em thương bố mẹ thì đừng làm bố mẹ buồn, chị ra đi trước đây”, người em trai nói. Cùng thời điểm đó, Xuân cũng nhắn tin chào tạm biệt chị gái và anh rể đang sinh sống ở miền Nam, đồng thời nhắn tin với chính chị gái đã xích mích với mình. “Thời điểm trước lúc nhảy cầu, bạn ấy liên tục nhắn tin, em thấy một số cuộc điện thoại gọi đến thì bạn ấy lại tắt máy”, Ngân kể lại.
Bà Nguyễn Thị Hồng vừa phải chịu tang mẹ, vừa phải chịu nỗi đau mất con. (Ảnh: K.Long).
Cái chết của Xuân cũng sẽ như nhiều cái chết bất thường khác, có hơn chăng chỉ là sự thương tiếc kéo dài của một số người thân nếu như không xảy ra những sự trùng lặp tiếp theo. Sau khi chôn cất Xuân được hai ngày thì ngày 8/5 bà nội Nguyễn Thị Chắt (84 tuổi) sống cùng gia đình Xuân cũng từ trần sau thời gian ốm bệnh. Vậy là chỉ trong vòng 3 ngày, trong cùng một ngôi nhà có đến hai đám tang, khiến ai đến chia buồn cũng chỉ biết lặng lẽ thở dài.
Nhưng giữa lúc người nhà cô nữ sinh xấu số còn đang ngập giữa tang thương thì từ trong dư luận địa phương, tin đồn đầy hoang mang, lo sợ đã xuất hiện khi người dân xâu chuỗi một loạt cái chết diễn ra liên tiếp của dòng họ này. Trước cái chết của Xuân chỉ chừng một tuần, người chú ruột của em là Phan Trọng Hòa cũng vừa ra đi đột ngột. Hàng loạt cái chết bất ngờ của những người thân trong dòng họ này chỉ trong thời gian ngắn khiến nhiều người dân nơi đây hoang mang, lo sợ. Nhiều người thậm chí còn không dám đi đưa tang bà nội Xuân vì sợ mình bị liên lụy. Có người còn độc miệng nói rằng, chính Xuân đã về “ám”, đã kéo theo sự ra đi của bà nội.
Khi PV báo GĐ&XH Cuối tuần tìm đến hỏi thăm về sự việc, nhiều người dân thôn Tây Sơn còn cho biết: Trước đây, Xuân đã hai lần nhảy cầu tự tử không thành. Kết hợp những thông tin đó với chuyện đau buồn của đại gia đình cô, họ càng thêm hoảng sợ. Những ngày qua, cứ hễ màn đêm buông xuống là tại cây cầu Xuân quyên sinh, không một bóng người dám lai vãng. Một người hàng xóm nhà cụ Chắt (xin giấu tên – PV) tiết lộ: “Gia đình nhà ấy nghe đâu đang tính mời thầy về cúng “thần trùng” giải hạn. Chúng tôi cũng chẳng biết sự tình cụ thể thế nào”.
Chuyện tang tóc liên tiếp chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên
Trao đổi cùng PV báo GĐ&XH về những tin đồn thất thiệt xảy ra tại địa phương, ông Lê Đình Thành, trưởng thôn Tây Sơn, xã Mai Phụ cho biết: “Việc cháu Xuân nhảy cầu tự vẫn và bà nội, người chú cùng ra đi trong thời gian sát nhau khiến người dân nơi đây rất bàng hoàng. Nhiều người chia sẻ nỗi đau cùng gia đình, nhưng cũng có một số người tỏ ra ái ngại, không dám tiếp xúc với gia đình họ vì sợ liên lụy. Tuy nhiên, cá nhân tôi và chính quyền địa phương tin rằng chuyện xảy ra chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Vì thế, thời gian này chúng tôi sẽ chủ động tuyên truyền đến bà con, tránh để kẻ xấu lợi dụng, tuyên truyền mê tín dị đoan trục lợi”.
Kim Long
Gia Đình