Truyền thống - Phát triển

Lộc Hà một miền quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng

Huyện Lộc Hà được thành lập theo Nghị định số 20/NĐ-CP ngày 07/02/2007 của Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 7 xã Hạ Can của huyện Can Lộc (Ích Hậu, Hồng Lộc, Tân Lộc, An Lộc, Bình Lộc, Phù Lưu và Thịnh Lộc) và 06 xã biển Cửa huyện Thạch Hà (Hộ Độ, Mai Phụ, Thạch Châu, Thạch Mỹ, Thạch Bằng và Thạch Kim) với các mục tiêu cơ bản: Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và xóa đói giảm nghèo các xã trong vùng; xây dựng đô thị và phát triển du lịch – dịch vụ biển; hậu cần cho Thành phố Hà Tĩnh và Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê; tăng cường tuyến phòng thủ ven biển từ Chân Tiên đến Cửa Sót.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, con người Lộc Hà đã hun đúc nên những truyền thống quý báu. Trong một thời gian dài của lịch sử vùng đất Lộc Hà từng được coi là vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc. Mở đầu là cuộc đấu tranh hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của nhân dân quận Nhật Nam trong những năm giữa thế kỷ thứ II chống lại ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Từ đó, phong trào đấu tranh của nhân dân liên tục diễn ra. Đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan quê ở xã Mai Phụ chống lại quân xâm lược nhà Đường giành lại độc lập cho dân tộc vào năm 713.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khánh thành và đúc tượng Hoàng đế Mai Thúc Loan

Từ thế kỷ X trở đi, cũng như vùng đất Hà Tĩnh, miền đất Lộc Hà từng là trung tâm của nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Đầu thế kỷ XV, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, cùng với nhân dân cả tỉnh, nhân dân Lộc Hà đã vùng dậy khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Võ tướng Nguyễn Biên quê ở Phù Lưu giúp vua Lê Thái Tổ chống giặc Minh khôi phục đất nước được truy tặng Thái phó Nghiêm quận Công, truy phong Thần tích Đại vương; có danh tướng Phan Trọng Búp quê ở xã Thạch Mỹ…Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Thanh do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đạo, vùng đất Lộc Hà cùng người dân Hà Tĩnh đã góp phần làm nên chiến thắng của đại quân Tây Sơn.

    Trong những năm đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai, nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần Vương và các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX. Trong cao trào 1930 – 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đình Đỉnh Lự (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà) là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Hoàng Khoái Lạc quê ở xã  Tân Lộc được bầu làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Trần Hoặc và Trần Xu là hai anh em ruột, quê ở xã An Lộc tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

    Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hòa cùng phong trào chung toàn tỉnh, các xã của huyện Lộc Hà là hậu phương vững chắc, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến miền Nam, vừa trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc

    Ở thời kỳ nào cũng vậy, mỗi khi Tổ quốc, quê hương bị lâm nguy trước sự xâm lăng của quân thù hay trước sự tàn phá của thiên tai, truyền thống tốt đẹp đó lại được phát huy cao độ. Ghi nhận công lao to lớn đó, 11/13 xã đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

    Cùng với ý chí quật cường, con người Lộc Hà cũng tạo dựng nên cho mình một đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, tô đẹp thêm truyền thống văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến. Nhiều dòng họ ở Lộc Hà nổi tiếng văn chương, khoa bảng rất đỗi tự hào như: họ Phan Huy ở Thạch…; có nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Đền vua Mai ở Mai Phụ, Chùa Chân Tiên ở Thịnh Lộc, Đình Đỉnh Lự ở Tân Lộc, Miếu Biên Sơn ở Hồng Lộc, Đền Cả, Đền thờ Nguyễn Văn Giai ở Ích Hậu, chùa Kim Dung ở Thạch Bằng…

 

hatinh

Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Danh nhân Nguyễn Văn Giai, xã ích Hậu

 

 Di tích lịch sử quốc gia Đình Đỉnh Lự, xã Tân Lộc – Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tinh

Di tích lịch sử quốc gia Nhà thờ họ Phan Huy, xã Thạch Châu

    Lộc Hà có nhiều địa danh nổi tiếng về truyền thống chống giặc ngoại xâm và khoa bảng, như xã Mai Phụ là quê hương của Mai Thúc Loan, vị Hoàng đế có công đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường; xã Thạch Châu là quê hương của nhà sử học, nhà giáo nổi tiếng Phan Phu Tiên và dòng  họ Phan Huy với các tên tuổi lớn như Thượng thư Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Giáo sư sử học Phan Huy Lê…; xã Thạch Mỹ có dòng họ Phan Trọng với các tên tuổi lớn như Bình chương sự kiêm tri Quốc tử giám tư nghiệp Phan Trọng Phiêu, danh tướng Phan Trọng Búp, Phó Thủ tướng Phan Trọng Tuệ…; xã Ích Hậu có dòng họ Nguyễn Đức Lục Chi với các tên tuổi lớn Tam nguyên Hoàng giáp, tể tướng Nguyễn Văn Giai, Nhà giáo chí sỹ Nguyễn Hiệt Chi, Lãnh đạo phong trào chống thuế Nghệ Tĩnh Nguyễn Hàng Chi, Giáo sư Nguyễn Đổng Chi…

 

Với truyền thống yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách trong lao động sản xuất; đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung, cộng với truyền thống văn hóa tốt đẹp sẽ là động lực tinh thần to lớn để Lộc Hà xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp văn minh.

Văn hóa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP