LTS: Ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 trường hợp mắc ung thư, càng ngày càng có nhiều “làng ung thư” xuất hiện trên khắp cả nước. Đằng sau mỗi hoàn cảnh gia đình có người bị ung thư luôn chứa đựng một câu chuyện tang thương…
Chúng tôi đã khởi đăng loạt phóng sự công phu về những gia đình quằn quại, lụi bại vì ung thư ở Việt Nam. Kính mời Quý độc giả trở lại trang báo để theo dõi.
Nỗi đau của người mẹ có 5 con mắc bệnh hiểm nghèo
Từ năm 2010 đến nay, những cái chết do ung thư bùng phát ngày một dữ dội ở Mai Phụ, nhất là hai xóm Liên Tiến và Đồng Sơn. Số người chết về căn bệnh quái ác này có chiều hướng tăng mạnh.
Có tháng, người dân ở đây lần lượt tiễn đưa 3 đến 4 người chết. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung mà bà con vùng đất nghèo xơ nghèo xác này đang trải qua từng ngày.
Ông Nguyễn Chắt, Xóm trưởng xóm Liên Tiến giãi bày: “Cơn lốc ung thư bỗng dưng bùng phát khiến dân chúng tôi một thời sợ hãi. Cách đây 5 năm thì xóm phát hiện trường hợp đầu tiên bị bệnh”.
Theo ông Chắt, đỉnh điểm năm 2013, có tháng xóm ông có 4 trường hợp chết vì ung thư.
Bà Tuyết thất thần kể chuyện chồng, cùng các con mình vướng vào bạo bệnh.
Ở Liên Tiến, nhắc đến cảnh ngộ gia đình bà Lê Thị Tuyết thì ai cũng xót xa. Nhà bà Tuyết có 5 người bị bệnh ung thư.
Ánh mắt in hằn những nếp nhăn không phải vì già mà vì nỗi khổ cực, lao lực, bà Tuyết cho biết:
“Cách đây 20 năm, chồng tôi là ông Lê Doãn Quận mất khi mới tròn 49 tuổi. Chồng tôi mất sau một thời gian dài ông ấy đau trước ngực. Mất chồng, nỗi đau chưa nguôi thì đến lượt mấy người con của tôi đổ bệnh”.
Bà Tuyết có 8 người con thì đến nay 2 người đã chết, 3 người đang chống chọi với bệnh tật ở bệnh viện.
Theo lời bà Tuyết thì người con trai đầu của bà là anh Lê Doãn Thuyết chết cách đây 3 năm khi vừa tròn 36 tuổi. Đau đớn hơn, anh Thuyết mất chưa được bao lâu thì 3 đứa của anh cũng lần lượt vào bệnh viện nằm.
“Tôi không biết vì sao các con, các cháu của tôi lại bị bệnh như vậy!”, bà Tuyết ngán ngẩm.
Chị Phan Thị Đào, con dâu bà Tuyết đang ngày ngày bám trụ cùng con ở bệnh viện. Trò chuyện với chúng tôi, hết lần này đến lượt khác, chị than trời vì sao gia đình chị lại khổ như vậy.
Trước đây, chồng chị cảm thấy mệt mỏi một thời gian dài rồi mới chịu đi bệnh viện khám. Khi ấy bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Sự sống chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày biết tin ba đứa con có dấu hiệu bệnh giống bố, chị đã lặn lội đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ để chữa trị cho các con.
“Người lớn bị bệnh đã đành chứ đến trẻ con cũng mang căn bệnh nan y đó thì tôi cũng chịu. Thương con lắm mà không biết làm sao, chỉ ước giá như mình gánh bệnh được cho các con”, chị Đào nghẹn ngào.
Tử thần ung thư bắt cả chục người trong một dòng họ
Rơi vào hoàn cảnh mất người thân vì bệnh nan y ở thôn Đồng Sơn có dòng họ Phan. Trong vòng 5 năm qua, dòng họ này đã có 10 người qua đời vì bệnh ung thư gan. Hiện tại, dòng họ này còn có 3 người cũng đang vật lộn với tử thần ung thư quái ác.
Trong số 10 người mất vì ung thư của họ Phan thì hơn phân nửa là đàn ông.
Ông Phan Trọng Vinh (54 tuổi) chưa hết bàng hoàng kể lại: “Từ năm 2010 đến nay, mấy anh em trong dòng họ cứ lần lượt chết vì bệnh ung thư. Những người này đều trên 30 tuổi, đã lập gia đình và sinh con cái”.
Cũng theo ông Vinh, trong họ ông, không ai biết vì sao mình lại mắc bệnh. Làm lụng vất vả suốt ngày đến khi thấy cơ thể mệt mỏi mới đi bệnh viện khám.
“Tuyến dưới chuyển lên tuyến trên rồi chuyển ra tận Hà Nội. Khi cầm kết luận thì đã bị ung thư giai đoạn cuối rồi. Cũng có trường hợp đi khám thấy men gan cao, nghĩ không nghiêm trọng lắm nên vẫn đi làm bình thường. Đến lúc ốm nặng đi khám thì đã chuyển qua ung thư.
Theo lời ông Vinh thì dòng họ ông vướng vào “đại dịch” này từ năm 2010. Khi ấy, anh Phan Trọng Quang thấy người mệt mỏi, da vàng nên đi bệnh viện khám.
Mấy lần đầu, bệnh viện tuyến dưới chỉ kết luận là bị bệnh gan và cho thuốc về điều trị. Uống thuốc mãi mà không đỡ thậm chí người còn mệt hơn nên anh ấy lên bệnh viện tuyến trên khám thì mới biết bị ung thư gan.
“Từ ngày biết kết quả đến lúc mất, anh ấy sốc quá chẳng ăn uống được gì nên bệnh ngày càng nặng hơn”, ông Vinh nhớ lại.
Cái chết của anh Quang chưa được lâu thì đến lượt ông Phan Trọng Ninh đổ bệnh. Biết là mắc bệnh nan y nhưng vợ chồng ông Ninh không thôi hi vọng tìm kiếm thuốc chữa.
Bao nhiêu tiền của đội nón ra đi nhưng bệnh của ông Ninh vẫn không thuyên giảm. Ông Ninh mất được hơn 3 tháng thì mẹ ông cũng ra đi vì ung thư vòm họng.
Trong vòng một năm mất đi chồng và mẹ chồng, bà Tô Thị Hồng (50 tuổi) như người mất hồn. Người phụ nữ này không biết vì sao căn bệnh quái ác này lại tấn công gia đình mình như vậy.
Chồng mất, để lại hai đứa con thơ dại nên bà Hồng phải lặn lội vào Nam làm công nhân kiếm tiền nuôi con.
Mỗi lần làm lễ mai táng cho người trong họ chết về ung thư, những người còn sống trong họ Phan lại hoang mang, lo lắng. Không những thế, nhiều người còn đồn thổi dòng họ Phan có bệnh ung thư di truyền.
“Bây giờ hễ có người mang họ Phan ốm, nhiều người lại gán cho họ căn bệnh ung thư. Hơn một năm trước, tôi bị tai biến nằm một chỗ thế mà người trong xóm đồn là tôi bị ung thư gan đang chờ chết”, ông Vinh tâm sự.
Ông Vinh bảo, cả chục người chết vì ung thư đã đẩy nhiều gia đình trong họ ông vào cảnh túng quẫn, khó khăn. Mất đi trụ cột, nhiều bà góa đã phải gửi con lại cho người thân lặn lội vào Nam làm thuê kiếm sống.
Bà Lê Thị Ngũ, vợ ông Vinh chia sẻ: “Mỗi người trong họ chết vì ung thư đều để lại vợ và những đứa con thơ dại. Chạy chữa cho chồng nợ nần cả đống nên chỉ có cách phiêu bạt làm thuê.
Bà Ngũ cho biết, bạo bệnh ung thư khiến nhiều phụ nữ trong họ của chồng bà phải phiêu bạt làm thuê để nuôi con.
Có lẽ chưa có dòng họ nào tang thương như dòng họ nhà tôi cả, suốt 5 năm qua, năm nào cũng có người chết vì ung thư. Vì lẽ đó, giờ cứ nghe đến ung thư hay ốm nặng là vợ chồng tôi cứ giật mình thon thót”.
Sống trong sợ hãi
Ông Lê Đình Thành, Xóm trưởng xóm Đồng Sơn thì chia sẻ: “Số người chết vì ung thư trong mấy năm nay nhiều lắm. Bây giờ còn có mấy người đang bị bệnh nữa. Trước đây thì không thấy ai mắc bệnh cả, chỉ tầm 5 năm nay mới thấy bùng lên như đại dịch vậy”.
Xóm Đồng Sơn chỉ nghĩa trang của xã một con đường nhỏ. Bao đời nay, người dân ở đây vẫn dùng nước giếng khơi. Khi ung thư trở nên phổ biến, họ mới nghi ngờ có khả năng nguồn nước bị ô nhiễm từ nghĩa trang.
Biết là vậy, nhưng những bà con trong vùng cũng chưa biết hướng giải quyết thế nào. Để trấn an bản thân, nhiều hộ dần dùng bể lọc thô sơ hoặc chuyển máy bơm nước lên một vị trí cao hơn.
Nhiều người nghi ngờ bệnh ung thư bùng phát ở Đồng Sơn là do ô nhiễm từ nghĩa trang này.
Trước cơn bão ung thư khủng khiếp ở Đồng Sơn và Liên Tiến, năm 2013, một đoàn công tác về lấy mẫu nước để xét nghiệm thì phát hiện những mẫu nước ở xóm bị nhiễm chất Asen.
Ông Nguyễn Chắt, Xóm trưởng xóm Liên Tiến cho biết: “Đợt có đoàn về làm việc, họ lấy 111 mẫu nước trong xóm đi xét nghiệm thì có 108 mẫu nhiễm chất Asen”.
Điều những người dân ở đây mong muốn là sớm có nguồn nước sạch, đảm bảo để họ yên tâm sử dụng.
Là một trong những hộ gia đình nằm sát nghĩa trang nên bà Ngũ rất lo lắng. Người phụ nữ này tâm sự: “Nhà ở gần nghĩa trang quá, giờ họ vẫn cứ chôn người chết nên mình sợ. Chỉ mong sớm có nguồn nước sạch cho an toàn”.
Ông Lê Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: “Mấy năm nay, số người chết vì ung thư ở hai xóm Liên Tiến và Đồng Sơn tăng là có thật. Chính quyền cũng đang tìm hướng giải quyết cho vấn đề nan giải này.
Chúng tôi cũng mong muốn có tổ chức nào đó đứng ra nghiên cứu, khảo sát nguồn nước để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh mà có hướng giải quyết”.
theo Trí Thức Trẻ