Ngày 14-12-2017, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký Quyết định 922 phê duyệt đề án xây dựng và phát triển Công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn-Bình Châu (gồm xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), huyện đảo Lý Sơn và một số vùng phụ cận - PV). Trong quyết định này, UBND tỉnh duyệt chi gần 58 tỉ đồng cho việc mời chuyên gia khảo sát, khoanh vùng CVĐC nhằm tiến hành các bước lập thủ tục trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu.
“Việc xây dựng, phát triển CVĐC Lý Sơn-Bình Châu, trong đó có nhiệm vụ lập hồ sơ công nhận CVĐC toàn cầu được xem là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị của tỉnh trong giai đoạn hiện nay” - Quyết định 922 nêu rõ.
Dự án chồng công viên
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty CP Đoàn Ánh Dương, cho hay: Đề án CVĐC toàn cầu được tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Đoàn Ánh Dương đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Tỉnh cũng cho phép công ty phối hợp với Viện Khoa học địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) ký hợp đồng thực hiện với UNESCO Việt Nam. “Sau khi ký kết hợp đồng, các bên liên quan đang tiến hành khoanh vùng bảo tồn. Khu vực ngoài vùng bảo tồn thì các doanh nghiệp có quyền đầu tư” - ông Sung nói.
Cũng theo ông Sung, ngày 9-5, một đoàn chuyên gia Nhật Bản sẽ đến Quảng Ngãi để cùng ban quản lý đề án CVĐC toàn cầu tiếp tục khoanh vùng di sản. “Phạm vi khoanh vùng vừa xong là huyện đảo Lý Sơn, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), tiếp theo mở rộng ra Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ) và các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà… CVĐC rộng lắm. Phần nào cho bảo tồn, phần nào cho phát triển, xây dựng sẽ được chỉ ra cụ thể” - ông Sung nói.
Đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) thuộc Công viên địa chất Lý Sơn nay được quy hoạch thuộc dự án du lịch của FLC. Ảnh: TẤN VIỆT |
Với tiến độ triển khai như vậy, ông Sung tỏ ra rất lo lắng về việc dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn của Tập đoàn FLC sẽ chồng lấn lên CVĐC Lý Sơn-Bình Châu (chồng lên đảo Bé, huyện Bình Sơn…).
“Vùng được khoanh là di sản rồi thì sẽ không được xây dựng dự án chồng lên đó. UNESCO có yêu cầu rất nghiêm ngặt rằng loại hình CVĐC phải phát triển cộng đồng là chính. Cho nên vùng di sản phải dành cho người dân bản địa để phát triển cộng đồng. Còn doanh nghiệp phải tránh ra ngoài di sản đó để không cạnh tranh với người dân” - ông Sung nói thêm.
Nghiên cứu hệ thống CVĐC trên thế giới thì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống cho bà con nhân dân. Chúng tôi đang làm hồ sơ, khảo sát để xác định phạm vi mốc giới của công viên ở đâu. Phạm vi nào cần bảo tồn nghiêm ngặt, phạm vi nào được phát triển kinh tế để trình lên lãnh đạo tỉnh…
Bà HUỲNH THỊ PHƯƠNG HOA, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi
Chỉ đạo gấp gáp
Sau nhiều chuyến khảo sát, các chuyên gia nhận định khu vực Lý Sơn-Bình Châu tích hợp nhiều loại hình di sản giá trị. Trong đó nổi bật nhất là di sản địa chất, được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa 9-10 triệu năm đến trên dưới 3.000 năm trước. Chúng thể hiện tiêu biểu cho các hoạt động núi lửa trẻ ven biển Việt Nam và có thể cho cả thềm lục địa Đông Nam Á.
Từ những đánh giá này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu cho dự án CVĐC toàn cầu là bảo tồn toàn bộ giá trị tiềm năng, nguyên trạng của đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Các di sản cần giữ nguyên trạng gồm: Di sản địa chất, văn hóa-lịch sử, di sản định cư, môi trường thiên nhiên… Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất trong Quyết định 922: “Xây dựng đảo Bé nói riêng và Lý Sơn nói chung trở thành tâm điểm của CVĐC quốc gia và toàn cầu. Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, lấy người dân làm chủ thể”.
Theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, Sở VH-TT&DL là đơn vị được giao chủ trì đề án CVĐC toàn cầu. Cho nên trước ý kiến của dư luận lo ngại địa bàn xã Bình Châu chồng lấn dự án của FLC, sở này đang chuẩn bị cho các bước làm việc với Tập đoàn FLC. “Nếu FLC được chấp thuận đầu tư thì chúng tôi sẽ cùng FLC tích hợp công việc đang làm, đảm bảo sao để nhà đầu tư làm được du lịch nhưng cũng bảo tồn ở mức độ cao nhất” - bà Hoa nói.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản, cũng không khỏi lo lắng trước dự án lấy 1.243 ha đất ven biển Bình Sơn (giai đoạn 1) của Tập đoàn FLC. Ông Văn cảnh báo nguyên tắc là khi hồ sơ khoa học của CVĐC toàn cầu được hoàn thiện và được công nhận bởi Nhà nước hoặc tổ chức khoa học như UNESCO thì tỉnh Quảng Ngãi mới có thể căn cứ vào đó mà lập quy hoạch, xác lập các dự án khác.
Như vậy, những chỉ đạo gấp gáp thời gian qua của Quảng Ngãi về dự án của Tập đoàn FLC không những chưa cân nhắc tầm quan trọng của CVĐC toàn cầu mà còn đang phớt lờ những cảnh báo của các chuyên gia và UNESCO.
Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo rà soát quy hoạch dự án chồng lấn
Về quy hoạch dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu-Lý Sơn, ngày 25-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ra thông báo kết luận thống nhất phạm vi và phương án quy hoạch dự án này với quy mô 1.243 ha. Trong đó, phía Bắc giáp khu dân cư Thanh Thủy, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp đập Ông Cẩm (xã Bình Hải) và thôn An Phước (xã Bình Hòa), phía Nam giáp thôn Phú Nhiêu (xã Bình Phú, cùng thuộc huyện Bình Sơn). Phần lớn diện tích đề xuất quy hoạch trong phạm vi 1.243 ha nằm trong khu đô thị mới Vạn Tường (huyện Bình Sơn). Một số vị trí nằm trong phạm vi dự kiến quy hoạch CVĐC toàn cầu Lý Sơn-Bình Châu và vùng phụ cận. “Do vậy, cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh hợp lý các quy hoạch này” - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nêu rõ.
Tác giả: TẤN VIỆT
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM