Nơi đây dự kiến sẽ là địa điểm xây dựng dự án thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu cân nhắc các vấn đề gồm: Quy hoạch ngành thép, cung cầu thị trường, điện năng, nước, cạnh tranh sản phẩm tại thời điểm đưa nhà máy vào hoạt động, cơ cấu sản phẩm, nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào, thiết bị, công nghệ.
Trước đó, tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan ngày 8.3, Thủ tướng giao các bộ phải nghiên cứu, báo cáo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá kỹ về dự án; Bộ Khoa học – Công nghệ báo cáo về vấn đề công nghệ, chất lượng dự án; Bộ Tài nguyên & Môi trường đánh giá về tác động môi trường…
Chiều 9.3, trả lời câu hỏi về việc liệu có đưa dự án thép Cà Ná ra khỏi quy hoạch ngành thép, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết: “Việc này phải chờ ý kiến chính thức từ Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Công Thương là lập quy hoạch mở đối với các khu vực xét thấy có lợi thế về sản phẩm, điều kiện tự nhiên, cảng biển nước sâu… Vào quy hoạch không có nghĩa là được làm dự án, một khi nhà đầu tư quan tâm đến dự án nào đó thì họ có quyền đề đạt nguyện vọng đầu tư và tiến hành làm thủ tục lập báo cáo đầu tư. Còn nhà đầu tư đó có được triển khai dự án hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu vượt thẩm quyền (nhà đầu tư muốn rót vốn vào dự án trên 5.000 tỉ đồng) thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ” – ông Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình dự thảo lần 2 đề án Quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến 2035. Trong đó, Vụ Công nghiệp nặng là đơn vị chủ trì, thuê đơn vị tư vấn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thực hiện. Dự kiến, sau khi Bộ Công Thương trình quy hoạch lên Chính phủ vào quý III năm nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức phê duyệt.
Q.T